Người nhu nhược
* Truyện ngắn của A.P CHEKHOV
Mấy hôm trước tôi đã mời cô gia sư Marina đến văn phòng để tìm hiểu tình hình cậu con trai nhà tôi, nhân tiện trả tiền công cho cô ấy luôn.
Tranh của Amedeo Clemente Modigliani
Tôi nói với Marina:
- Mời ngồi. Cô Marina này, tôi muốn trả tiền công cho cô. Chắc là cô cần tiền, nhưng vì quá câu nệ chuyện lễ nghĩa, thành ra cô không tự mình nói tới chuyện tiền nong chứ gì... Ta thỏa thuận với nhau thế này nhé, mỗi tháng tôi trả cho cô 30 rúp.
- 40 rúp, thưa ông.
- Không được, chỉ 30 rúp thôi. Công việc hàng tháng của cô, tôi ghi chép rất rõ, tôi sẽ trả cô 30 rúp mỗi tháng. Cô đã làm việc được hai tháng...
- Hai tháng 5 ngày chứ ạ?
- Đúng 2 tháng... Tôi ghi kỹ mà. Vậy là tôi sẽ trả cho cô 60 rúp... trừ đi 9 ngày chủ nhật. Trong những ngày này cô chẳng dạy dỗ con tôi được gì, chỉ có chơi là hơi nhiều một chút... Còn 3 ngày nghỉ lễ nữa...
Marina chợt đỏ mặt, kéo vạt áo, nhưng không nói gì.
- Ba ngày lễ cũng phải trừ, tất cả là 12 rúp. Thằng bé nghỉ ốm 4 ngày... cô lại đau răng 3 ngày, 12 cộng 7 thành 19, trừ đi... còn lại là 41 rúp. Chẳng có vấn đề gì phải không?
Marina rất khó chịu, rõ ràng là cô muốn nói gì đó, cái cằm cứ rung rung nhưng lại chẳng nói gì cả chỉ lặng lẽ lau nước mắt.
- À, mà cô còn làm vỡ một chiếc cốc uống trà, trừ 2 rúp, đấy là tôi chưa tính đến giá trị thực của bộ ấm chén đó, mất một chiếc, nó đâu còn giá trị gì. Làm vỡ chiếc cốc đó, cô đã khiến tôi bị thiệt hại quá lớn (!) Còn nữa, do sự lơ là tắc trách của cô, thằng bé nhà tôi leo cây rách cả quần áo... tôi trừ 10 rúp. Cô đầy tớ gái nhà này lấy trộm đôi giày da phụ nữ cũng là do cô chểnh mảng mà ra, cô phải chịu trách nhiệm chứ? Nếu không phải vì cô, tất cả những chuyện đó đâu có xảy ra, đúng không? Do đó, tôi phải khấu trừ thêm 5 rúp nữa... Hôm mùng 9 tháng giêng cô đã nhận của tôi 10 rúp...
- Tôi đâu có nhận của ông, thưa ông chủ - tiếng nói của Marina rất nhỏ nghe thật đáng thương.
- Này, tôi không phải là người ngốc, cô đừng có mà chối!
- Vậy thì tùy ông.
- 41 trừ 27 còn lại 14 rúp.
Dù nét mặt của Marina không ngừng biến đổi, thậm chí nước mắt cô trào ra ràn rụa, nhưng cô cũng đành chấp nhận những gì ông chủ nói. Dù sao Marina cũng không quên khoản tiền mà cô đã nhận được trước đó từ bà chủ, cô run run nói:
- Có lần tôi đã nhận chỗ phu nhân 3 rúp, thưa ông.
- Vậy à? Vậy thì tôi sẽ ghi vào sổ nợ. 14 rúp trừ đi... Tiền của cô đây, cô thật đáng yêu! 3 rúp... 3 rúp... 3 rúp... 1 rúp... 1 rúp nữa này... cô nhận đi!
Tôi đưa 11 rúp cho Marina. Cô nhận. Sau một lúc khá lâu Marina lẩm bẩm:
- Cám ơn ông chủ!
Tôi đứng bật dậy đụng phải cái bàn viết, tiếng động khá mạnh. Sự căm ghét khiến tôi nổi giận:
- Marina, tại sao cô cám ơn tôi - tôi phẫn nộ hỏi.
- Vì ông chủ đã trả tiền cho tôi.
- Trên thực tế tôi đã tước đoạt một cách trắng trợn tiền công của cô, sao lại còn cám ơn?
- Ở nơi khác, một đồng họ cũng không trả.
- Không trả à? Sao lại không trả?... Tôi đùa với cô thôi. Những gì tôi nói thật là tàn nhẫn... Tôi sẽ trả cho cô 80 rúp đúng như cô đề nghị. Tôi đã chuẩn bị sẵn cho cô phong bì này đây. Nhưng tôi muốn hỏi cô, sao cô lại chịu đựng mọi thứ như vậy? Sao không kháng nghị? Sao không lên tiếng đòi hỏi sự công bằng, bênh vực lẽ phải? Lẽ nào cô lại nhu nhược đến thế?
Marina cười khổ sở, còn tôi thì đọc ra câu trả lời từ thần thái của cô ấy: “Kẻ yếu phải biết cam chịu!”.
Tôi nói với Marina rằng, cô hãy rộng lượng tha thứ trò đùa tàn nhẫn của tôi. Nói đoạn, tôi trao chiếc phong bì tận tay Marina. Cô sững sờ nhận lấy, không hề đếm tiền cứ như là trong phong bì chỉ toàn là những tờ giấy lộn.
Tôi cũng sững sờ như Marina trước thái độ của cô ấy. Trong đầu tôi cuồn cuộn dâng lên ý nghĩ: “Có lẽ trên thế giới này, chỉ vì có những kẻ nhu nhược nên mới có những kẻ thô bạo, ngang ngược một cách vô lý vậy!”.
(Trà Ly dịch)
VỀ TÁC GIẢ
Anton Pavlovich Chekhov (1860 - 1904), nhà văn, kịch tác gia Nga, sinh ngày 29.1.1860, trong một gia đình thuộc tầng lớp bình dân tại TP Taganrog, điểm chót của thảo nguyên rộng lớn ven bờ biển Azop. Ông bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1880 và viết liên tục trong suốt 24 năm hoạt động văn học (1880 - 1904).
Năm 1888, Chekhov được giải thưởng của Viện Hàn lâm Peterburg. Đây là lần đầu tiên Viện trao giải thưởng cho thể loại truyện ngắn, một thể loại bị coi là “thấp hèn” không thể sánh với các thể loại “cao quý” như thơ, tiểu thuyết.
Chekhov được xem là một trong những nhà văn lỗi lạc của Nga và thế giới cuối thế kỷ XIX, được Hội đồng hòa bình thế giới quyết định tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày mất và lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.