Hoạt động thư viện huyện: Còn nhiều bất cập
Trang bị máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin được kỳ vọng là giải pháp mang tính đột phá, nhằm làm thay đổi diện mạo, tăng hiệu quả hoạt động cho hệ thống thư viện huyện, thị xã trong tỉnh. Tuy vậy, thực tế cho thấy còn nhiều bất cập.
Nhờ “quy định mềm” thống nhất giữa cán bộ TVH Vân Canh và các bạn đọc nhí mà học trò tại đây “chịu” đọc sách hơn.
Ứng dụng công nghệ: Chậm
Ít nhất đã được 5 tháng triển khai (tính từ thời điểm tập huấn tập trung tại Thư viện tỉnh tháng 5.2017), song hầu hết thư viện huyện, thị xã (TVH) vẫn trong giai đoạn xử lý nghiệp vụ theo cách mới, cụ thể là dán nhãn sách toàn bộ kho sách và quét mã vạch sách (từ đó mới hiển thị kho sách trên trang điện tử của mỗi TVH để phục vụ tìm kiếm).
TVH An Nhơn có 10.360 bản sách, nhờ có 2 người nên đã xử lý được khoảng trên 6.000 bản. Nhiều TVH khác chỉ có 1 cán bộ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trên thực tế chưa đến tay bạn đọc. TVH Tuy Phước có 6.500 bản sách, đến nay đã nhập được khoảng 3.200 bản; TVH Vân Canh có 8.557 bản sách, nhưng mới chỉ nhập được hơn 1.000 bản…
Qua khảo sát, ghi nhận bước đầu là cán bộ phụ trách tại mỗi TVH ngoài lý do chưa nhập hết kho sách còn chậm thích ứng, đổi mới cách phục vụ cũng như thiếu chủ động trong việc thông tin về ứng dụng mới để thu hút, khuyến khích bạn đọc sử dụng. Tại TVH Tuy Phước, Vân Canh vẫn chưa bố trí máy tính ưu tiên cho việc tìm sách, trang tra cứu, sách cũng chưa được cài đặt mặc định. Kinh phí không có nên hướng thông tin về ứng dụng chỉ có thể làm được là… nhắn dây chuyền qua bạn đọc và nhờ thông báo trên đài truyền thanh.
Còn nhiều bất cập
Nói đến thư viện, trước tiên phải nói đến sách. Cán bộ TVH có chung phản ánh, đã 3 năm nay TVH không còn được hỗ trợ sách (mỗi năm khoảng 300 - 400 bản, từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa). Mất nguồn này, nhưng TVH không có nguồn kinh phí để mua sách mới, nên kho sách ngày càng nghèo.
Về vấn đề hệ thống TVH ứng dụng công nghệ thông tin, theo Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Ngọc Sinh, hiệu quả cụ thể đã đạt được là đội ngũ cán bộ TVH có thể tiết kiệm hơn một nửa thời gian xử lý nghiệp vụ so với làm thủ công trước đây. Còn để phát huy nhiều hơn nữa, cần nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để tạo chuyển biến nhận thức lâu dài. Công nghệ thông tin dù hiện đại, đa năng đến đâu cũng chỉ là phương tiện, công cụ chứ không phải là “chìa khóa” cho nhiều bất cập tồn tại đã lâu ở thiết chế văn hóa này.
Hiện tại, nhóm khá như An Nhơn, năm 2017 được cấp 33 triệu đồng, trong đó chi khoảng 10 triệu đồng để mua báo, tạp chí, còn lại mua sách. Từng đó tiền đã là “giấc mơ” với nhiều TVH khác. Một huyện có tiềm lực kinh tế khá như Tuy Phước, trung bình mỗi năm cũng chỉ cấp cho TVH chừng 10 triệu đồng, chỉ đủ mua báo, tạp chí. Khu vực đồng bằng đã thế, ở miền núi còn căng hơn, huyện Vân Canh năm 2016 được cấp 3,5 triệu đồng, nhưng sang năm 2017 giảm xuống còn 2,9 triệu đồng. Gần chục năm qua, cuộc họp nào của ngành Thư viện cũng có kiến nghị chính quyền quan tâm điều này, nhưng vẫn chưa được phản hồi tích cực.
Hệ thống TVH nhiều năm qua không còn áp dụng quy định có thẻ mới được vào đọc hay mượn sách, cũng không còn thu phí mượn sách nữa. Cùng với đó là việc tổ chức kho mở để bạn đọc trực tiếp tìm chọn sách…, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Hiện nay, thực tế đáng buồn là đối tượng bạn đọc chủ yếu đến TVH chỉ là học sinh tiểu học, THCS - lứa tuổi chưa được cha mẹ cho phép sử dụng điện thoại thông minh (mà nhiều em sử dụng chỉ để lên mạng giải trí). Xót xa trước tình trạng trên, cán bộ TVH Vân Canh là chị Trần Thị Kim Hoa áp dụng “quy định ngầm” với một số bạn đọc lạm dụng “mạng chùa”, đó là đọc sách khoảng 1 giờ mới được mượn máy tính, ngồi máy tính 1 tiếng phải nhường người khác, giải lao bằng việc đọc sách rồi mới được mượn tiếp.
Thiết nghĩ, khắc phục tận gốc rễ chuyện TVH hay tuyến xã, cơ sở hạn chế về hiệu quả hoạt động, công nghệ thông tin không phải là “đũa thần”, cũng như không chỉ đội ngũ cán bộ, nhân viên thư viện phải nhìn nhận lại và nỗ lực, mà cả hệ thống, đặc biệt là lãnh đạo địa phương nhận thức lại vai trò của việc đọc sách và thư viện trong đời sống.
SAO LY