Kết quả khai quật di chỉ sản xuất gốm Gò Cây Me: Nhiều phát hiện quan trọng
Tại buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ lò gốm Gò Cây Me (xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn) tổ chức tại Sở VH&TT vào chiều 14.11, các nhà khoa học khẳng định “cuộc khai quật khảo cổ học đã thu được nhiều kết quả quan trọng, mở ra hướng nghiên cứu mới.
Buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ lò gốm Gò Cây Me tổ chức tại Sở VH&TT vào chiều 14.11.
Nhiều phát hiện giá trị cao
Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Kinh thành và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã mở 4 hố khai quật (tổng diện tích gần 200 m2), phát hiện 8 dấu tích lò nung đều cùng một loại lò hình ống, không còn nguyên vẹn. Tuy vậy, kết hợp dấu tích từ 8 lò này, đã có thể hình dung đầy đủ hình dáng, cấu tạo các bộ phận lò nung gốm Gò Cây Me, kỹ thuật xây lò, kỹ thuật nung, kỹ thuật chống dính.
“Sự có mặt của gốm Gò Cây Me ở nhiều nơi trong khu vực Đông Nam Á và châu Á thật sự là những gợi ý hướng nghiên cứu mới, thú vị!”
PGS.TS Lại Văn Tới
Cuộc khai quật đã phát hiện được đến 16.300 hiện vật. Trong đó, đồ gốm sứ (gốm men trắng, gốm men nâu, gốm hoa lam) chiếm phần lớn, còn lại là đồ sành, vật liệu trang trí kiến trúc, dụng cụ sản xuất gốm…
“Có thể khẳng định sản phẩm gốm Gò Cây Me thuộc loại cao cấp, loại hình phong phú, đa dạng về dòng men và hoa văn trang trí, cùng kỹ thuật chế tạo đạt trình độ đỉnh cao. Có hai loại hình sản phẩm tiêu biểu là bình (vò), chậu, bát đĩa men nâu và bát, đĩa, lọ, cốc men xanh ngọc với nhiều sắc độ, đa dạng về kiểu loại và kích thước. Đặc biệt là kỹ thuật trang trí hoa văn bằng in khuôn hay vẽ dưới hoặc trên men… hình rồng, trăng mây, hoa lá, mặt linh thú. Ngoài ra, còn có số lượng lớn gốm men cao cấp với nhiều kích thước, kiểu dáng...”, PGS.TS Lại Văn Tới, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành, chủ trì đợt khai quật, tâm đắc trao đổi.
Mở ra hướng nghiên cứu
So sánh kỹ thuật xây dựng lò, kỹ thuật nung gốm và sản phẩm giữa gốm Gò Cây Me với các trung tâm sản xuất gốm cổ khác ở Bình Định như Gò Sành, Gò Hời, Trường Cửu, các nhà khoa học đã xếp niên đại gốm Gò Cây Me vào cuối thế kỷ XIV - đầu thế ky ̉XV. Tuy nhiên, căn cứ vào loại hình vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc tháp Chăm được nung trong các lò gốm Gò Cây Me thì những người thực hiện cuộc khai quật thận trọng cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát nhiều hơn trước khi kết luận niên đại của di chỉ.
“So với các cuộc khai quật trước tại các trung tâm sản xuất gốm cổ trên địa bàn tỉnh, số lượng hiện vật phát hiện được trong cuộc khai quật ở Gò Cây Me phong phú nhất, thể hiện nhiều giá trị đặc sắc. Ðặc biệt, một số hiện vật gốm cổ lần đầu tiên được phát hiện tại Bình Ðịnh như hai khuôn in hoa văn hình rồng, một bình tỳ bà…đã và sẽ được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh để phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu”.
Ông BÙI TĨNH, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Tổng hợp tỉnh
Dù vậy, điều có thể khẳng định ngay là các lò gốm Gò Cây Me chuyên cung cấp những sản phẩm có chất lượng cao, phục vụ tầng lớp thượng lưu trong xã hội đương thời và được đặt dưới sự quản lý của Nhà nước. Chúng đồng thời cũng là một loại hàng hóa thương mại cao cấp, phản ánh năng lực kinh tế, chính trị cũng như các quan hệ bang giao của Champa trong lịch sử.
PGS.TS Lại Văn Tới cho biết thêm: “Sự có mặt của gốm Gò Cây Me ở nhiều nơi trong khu vực Đông Nam Á và châu Á thật sự là những gợi ý hướng nghiên cứu mới, thú vị!”.
Tai buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ lò gốm Gò Cây Me tổ chức tại Sở VH&TT vào chiều qua (14.11), các nhà khoa học kiến nghị cần tiếp tục khai quật, nghiên cứu; đồng thời cần sự vào cuộc của nhiều ngành khoa học khác để làm rõ hơn nhiều vấn đề, như: vai trò của gốm Gò Cây Me trong xã hội đương thời; vấn đề xuất khẩu và vai trò của gốm trong ngoại thương Champa…
HOÀI THU