Quay lén phim trong rạp: Phạt thật nặng, để làm gương!
Quá phẫn nộ vì bị một khán giả quay lén phim “Cô Ba Sài Gòn” đưa lên mạng, ê-kíp sản xuất và Ngô Thanh Vân tuyên bố có thể không làm phim nữa vì cho rằng họ có thể đã thiệt hại gần 250 triệu đồng với 5.000 lượt like trong vòng 30 phút.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là, vì sao nạn quay lén liên tiếp diễn ra mà không một ai vi phạm bị xử lý? Rõ ràng, nếu chỉ kêu than suông thì không cách gì cứu vãn nổi…
“Cái tát” cho người làm phim
Ngay ngày chiếu ra mắt, “Cô Ba Sài Gòn” đã bị quay lén trong rạp và đưa lên một trang mạng xã hội (livestream). Ngay lập tức, đoạn livestream này thu hút hơn 5.000 lượt xem trong thời gian chưa đầy 30 phút. Mặc dù ê-kíp sản xuất đã có những biện pháp xử lý kịp thời nhưng không tránh khỏi những thiệt hại không nhỏ.
Ngay khi sự việc diễn ra, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã không thể giữ được bình tĩnh và chia sẻ những cảm xúc bất bình với tình trạng quay lén phim điện ảnh trong rạp thời gian gần đây.
Cô không ngừng bày tỏ sự thất vọng về ý thức của những người trẻ xem phim ngày nay, cho rằng hành động quay lén không khác gì “cái tát” vào mặt người làm phim. Thậm chí, chính cô cũng bất lực cho rằng có lẽ đây là phim cuối cùng cô sản xuất.
Người quay lén “Cô Ba Sài Gòn”, sau khi làm việc với cơ quan chức năng, đã xin lỗi Ngô Thanh Vân, với lý do “trót dại” chỉ muốn “câu like”. Vấn đề ở đây là khi phát hiện người quay trực tiếp, chính Ngô Thanh Vân đã vào “năn nỉ” đừng tiếp tục, đừng gián tiếp giết phim Việt, song người đó vẫn thản nhiên… livestream.
Ngay sau đó, có nhiều ý kiến từ phía khán và luật sư cho rằng cần xử lý nghiêm hành vi livestream trong rạp, nhằm cảnh tỉnh những ai thiếu ý thức tôn trọng bản quyền và gây thiệt hại cả về tiền của lẫn uy tín cho nhà sản xuất phim.
Từ trước đến nay, có nhiều bộ phim chiếu rạp từng bị quay lén, như “Vòng eo 56”, “Gái già lắm chiêu”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Em chưa 18”, “Lô tô”, “Xóm trọ 3D”… Danh sách phim bị vi phạm bản quyền dài ra theo từng năm. Không chỉ riêng phim Việt, hàng loạt phim bom tấn nước ngoài cũng bị quay lén.
Theo đánh giá tại một cuộc hội thảo về bản quyền phim điện ảnh và truyền hình ở Việt Nam, có đến 40% các bộ phim chiếu rạp bị phát tán ngay khi công chiếu. Hành vi này ảnh hưởng mạnh đến doanh thu và có thể khiến đơn vị phát hành hay bản thân rạp chiếu bị phạt nặng vì vấn đề bản quyền.
Có nhiều nguyên nhân khiến không ít người phát tán phim trên mạng. Theo thông lệ, các bộ phim được chiếu rạp thì thường sẽ phải mất từ gần nửa năm hoặc đôi khi gần 1 năm trời mới tung ra phiên bản Bluray (bản đẹp). Chính vì quá lâu như vậy nên sẽ có không ít người liều lĩnh quay lén trong rạp. Và khi đưa lên mạng, họ cũng thu được lợi nhuận không nhỏ, nếu có nhiều lượt xem, lượt tải.
Còn quốc gia có phiên bản phim lậu bị phát tán cũng không tránh khỏi những hậu quả kèm theo, như mang tiếng xấu về việc phổ biến hành vi vi phạm bản quyền và sẽ bị rơi vào danh sách đen của giới làm phim cũng như giới đàm phán bản quyền. Lượng phim nhập về cũng sẽ bị hạn chế. Thậm chí, nếu nước nào vi phạm nhiều và liên tục, có thể sẽ bị cấm cửa chiếu phim một thời gian dài.
Phạt nặng làm gương
Ở Việt Nam, sau mỗi lần bắt quả tang, các đơn vị liên quan cũng chỉ làm ầm lên, sau đó dừng ở mức răn đe, cảnh cáo và… tha, kèm theo bản cam kết “không được tái phạm”. Mặc dù theo Điều 225 Bộ Luật Hình sự năm 2015 về tội xâm phạm quyền tác giả, hành vi này có thể bị phạt với khung phạt cao nhất là 1 tỉ đồng và 3 năm tù giam, mức phạt thấp nhất cũng khoảng 50 triệu đồng. Còn theo Nghị định 131, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng mong lần này Ngô Thanh Vân làm tới cùng, đừng tha kẻ quay lén. Chỉ có trừng trị thích đáng mới làm gương cho nhiều người khác, và ngăn chặn được những điều tương tự diễn ra trong tương lai...
Quay lén phim là hành vi phạm tội cần được xử lý nghiêm khắc. Có khán giả cho rằng, hiện tại, vé xem phim chỉ trên dưới 45.000 đồng, vậy tại sao phải livestream quay lén? Việc quay lén đồng nghĩa với việc không tôn trọng công sức của người làm phim và gây thiệt hại cho họ.
Theo MINH THI (LĐO)