Bảo tồn Hội quán Quỳnh Phủ: Nên giao lại cho ngành văn hóa
Hội quán Quỳnh Phủ (TP Quy Nhơn) do cộng đồng người Hoa tạo dựng trong quá trình chuyển cư đến sinh sống, lập nghiệp ở Quy Nhơn vào đầu thế kỷ thứ XIX. Hội quán chứa đựng những giá trị văn hóa - lịch sử, nhưng hiện đang được trưng dụng làm cơ sở dạy học của Trường Tiểu học Trần Hưng Ðạo, gây hạn chế trong công tác bảo tồn và phát huy.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa của Sở VH&TT, thì hiện tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo còn lưu giữ kiến trúc gỗ các gian nhà cổ của Hội quán Quỳnh Phủ xưa (hay còn gọi là Hội quán Hải Nam) tương đối đầy đủ. Bên trong Hội quán còn lại các khảm thờ bằng gỗ được chạm trổ rất tinh xảo. “Quỳnh Phủ Hội quán được xây dựng năm 1843, tiêu biểu cho kiến trúc gỗ mỹ nghệ tinh vi và lộng lẫy nhất với ba tòa nhà, mỗi tòa cách nhau bằng một khoảng sân rộng, thoáng. Tài nghệ chạm lộng gỗ tuyệt vời của nghệ nhân xưa thể hiện trên các bức khám thờ chính điện, các cửa sổ. Đây là kiến trúc duy nhất của người Hoa có ghi lại quá trình thành lập, giúp chúng ta biết về sự hình thành đô thị và quy tụ thương nhân ở phố cảng Quy Nhơn vào nửa đầu thế kỷ XIX”, ông Quang cho biết.
Theo ông Đặng Chơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, thì điểm trường này gắn liền với tên Hội quán Quỳnh Phủ, nên những năm qua hoạt động rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất xuống cấp, không thể nâng cấp trường lớp đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ GD&ĐT. “Nếu giữ cơ sở này vừa phục vụ cho việc dạy học, vừa bảo tồn văn hóa gắn với phục vụ cho du lịch thì không phát huy được. Vì vậy, đề nghị chuyển trường chúng tôi đến địa điểm mới, còn Hội quán nên giao lại cho ngành văn hóa”, thầy Chơn đề đạt.
Vừa qua, Sở VH&TT sau khi phối hợp khảo sát, đã tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng của tỉnh và TP Quy Nhơn nhằm xác định những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc Hội quán Quỳnh Phủ hiện còn tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo. Qua đó, đề xuất phương án bảo tồn, trùng tu kiến trúc công trình. Tại cuộc họp có nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn cùng thống nhất tán thành nên chuyển điểm trường học đến vị trí khác, giao lại cơ sở này cho ngành văn hóa quản lý, sử dụng phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy. Ông Phạm Đình Đôn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, đề xuất: “Hiện vẫn còn lưu giữ được một số hiện vật rất có giá trị về mặt lịch sử cũng như mỹ thuật của Hội quán. Vì vậy, nên giữ lại cơ sở này làm điểm di tích phục vụ cho nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử…”.
Để bảo tồn và phát huy giá trị Hội quán, được biết quan điểm của ngành văn hóa là kiến nghị tỉnh có chủ trương giao lại cho ngành văn hóa quản lý. “Nếu Hội quán do ngành văn hóa quản lý thì sẽ được bảo tồn tốt hơn. Đồng thời kêu gọi đầu tư phục hồi, tu bổ, tôn tạo nhằm phát huy giá trị công trình kiến trúc, tạo điểm tham quan, sinh hoạt văn hóa cho mọi người…”, ông Trương Đông Hải, Phó Giám đốc Sở VH&TT, cho biết.
VĂN LƯU