Văn nghệ học đường: Cần được định hướng
Nằm trong xu hướng phát triển chung của văn nghệ quần chúng, văn nghệ học đường hiện cũng rất được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, mảng văn nghệ này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, cần được định hướng để phát triển đúng “quỹ đạo”.
Hát múa “Người thầy“ tại chương trình văn nghệ chào mừng 20.11 của Trường THCS Đống Đa (TP Quy Nhơn). Những tiết mục văn nghệ học đường có nội dung ý nghĩa như thế này cần được khuyến khích.
Tốn kém, nhiều tiết mục chưa phù hợp
Còn mang nặng tính thi thố, nên không ít lớp hoặc nhóm học sinh thuê mướn biên đạo dàn dựng tiết mục, chương trình văn nghệ. Thực tế này khiến chi phí cho văn nghệ học đường (VNHĐ) khá tốn kém. Cho dù sự chi trả này là từ kinh phí của nhà trường hay từ nguồn tự nguyện đóng góp của phụ huynh, thì cũng là một sự lãng phí không cần thiết.
Giáo viên ở một trường THPT chia sẻ, ngay từ đầu xem lớp mình chủ nhiệm tập tiết mục văn nghệ, thấy có cảm giác bạo lực, cô góp ý nhưng học sinh nhất quyết không đổi, còn “phản biện” năm ngoái lớp đã tốn nhiều tiền hơn để thuê biên đạo một tiết mục kiểu truyền thống, nhưng diễn không hứng thú mà rốt cuộc chẳng được giải gì. Năm nay nhất định phải diễn đúng phong cách mình muốn... Khi các em đề nghị quỹ phụ huynh hỗ trợ khoảng 7 triệu đồng để mua trang phục biểu diễn, cô giáo khuyên tiết kiệm hơn, thế là học sinh trách cô không tâm lý, đòi bỏ diễn.
Bên cạnh đó, điều còn đáng ngại hơn là nội dung VNHĐ “già” so với lứa tuổi, thiếu chắt lọc, không phù hợp - theo nhận xét của nhiều người hoạt động trong giới nghệ thuật. Thường xem VNHĐ trong vai trò giám khảo, nhạc sĩ Lý Anh Võ (hội viên Hội VHNT tỉnh) cảm thấy khó hiểu và trăn trở khi ca khúc Bánh trôi nước (nhạc sĩ Hồ Hoài Anh phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nữ sĩ Hồ Xuân Hương) được học sinh cấp II nhiều trường ưa thích lựa chọn (hát hoặc múa trên nền ca khúc). “Thông điệp đa nghĩa, trừu tượng, ngôn ngữ âm nhạc ma mị, động tác quyến rũ, gợi cảm. Đây là một tiết mục quá tầm cảm nhận và rất không phù hợp trong học đường”, nhạc sĩ Lý Anh Võ nhận xét.
Còn rất nhiều ví dụ về thực trạng VNHĐ đang có dấu hiệu lệch về thị hiếu thẩm mỹ, nội dung tư tưởng thiếu sự chọn lọc, định hướng. Như mới đây, xem chương trình thi văn nghệ dịp 20.11 tại một trường THCS ở Quy Nhơn, người viết thấy có quá nhiều tiết mục không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Phù hợp không khi để các em múa Chăm trên nền nhạc và phần lời ca khúc như thế này: “Mưa bay tháp cổ, cong cong năm ngón ngũ hành, nhật nguyệt trên cao nhân gian dưới đất cách xa, nam mô nam mô a di đà…” (Bài hát Mưa bay tháp cổ); hay để học trò cấp II “hóa thân” thành những đôi trai gái tình tự (múa Mùa xuân Tây Bắc)…
Tại một trường cấp III công lập ở Quy Nhơn, nếu không có bức phông màn ghi rõ chương trình “văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam”, khó biết đó là một chương trình văn nghệ gắn với chủ đề tri ân nhà giáo. Bởi chiếm tỉ lệ áp đảo là những tiết mục nhảy hiện đại, không ít tiết mục nhuốm màu bạo lực lại được học sinh cổ vũ trong phấn khích.
Cần được định hướng
Nói về những nhược điểm lớn của VNHĐ không có nghĩa mảng văn nghệ này trong tỉnh chỉ toàn “màu xám” mà cũng có những ưu điểm, mặt đóng góp tích cực so với trước đây. Tuy nhiên, nội tại phong trào cũng lại còn nhiều hạn chế lớn như thiếu bản sắc, ít yếu tố sáng tạo, tính giáo dục còn bị xem nhẹ.
Nhạc sĩ Đào Minh Tâm (nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh), người gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng nói chung, VNHĐ nói riêng, cho rằng nguyên nhân sâu xa là vì văn nghệ quần chúng ngày nay đã bị mất đặc thù “tự biên tự diễn” mà phụ thuộc lớn vào “thị trường” (sao chép sản phẩm có sẵn và đội ngũ biên đạo làm thay vai trò của hạt nhân). Tôi tin rồi phong trào sẽ tự thân điều chỉnh, tuy có lẽ còn khá lâu. Trước mắt đáng ngại nhất là VNHĐ, bởi nó ảnh hưởng lớn đến nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ của thế hệ trẻ. Việc này, phạm vi trách nhiệm không chỉ nhà trường mà cần sự chung tay của gia đình và xã hội”, nhạc sĩ Đào Minh Tâm chia sẻ.
Theo nhạc sĩ Lý Anh Võ, trong trường hợp các em lơ mơ về nội dung thì thầy cô, gia đình phải định hướng, còn nếu các em hiểu mà vẫn chọn thì nhà trường nên khéo léo cắt bỏ tiết mục khi duyệt, đồng thời giải thích để các em hiểu lý do.
SAO LY