Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: Lương - giáo cùng chung tay!
Huy động được sự chung tay của cả cộng đồng, không phân biệt lương - giáo là kết quả sau 2 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở TN&MT với các tổ chức tôn giáo tham gia thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chương trình phối hợp được tổ chức ngày 30.11, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Đàng khẳng định, chương trình phù hợp với giáo lý, giáo luật của tôn giáo và nhiệm vụ chung của địa phương nên được đa số chức sắc, tín đồ và cộng đồng tôn giáo nhiệt tình hưởng ứng.
Quang cảnh hội nghị.
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Theo Đại đức Thích Đồng Thành - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh, để thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp, không chỉ cần những giải pháp mang tính kỹ thuật đơn thuần cùng những lời nói suôn mà phải đi đôi với việc làm, quan trọng là cần có sự đồng lòng, chung tay, góp sức của toàn xã hội.
3 kiến nghị của Ðại đức Thích Ðồng Thành - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh:
1- Xem xét lại quy hoạch hệ thống thủy điện và đê điều để hạn chế nỗi lo lũ lụt bất ngờ.
2- Quan tâm đến việc xây dựng nhà hỏa táng, đáp ứng nhu cầu thực tế.
3- Quản lý chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, nghiêm cấm ngăn sông nuôi vịt.
Trong 2 năm qua, GHPG Việt Nam tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tích cực và thiết thực nhằm bảo vệ môi trường (BVMT)và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh đã đưa nhiều nội dung vào chương trình hoạt động Phật sự năm 2016 và hoạt động của Ban Trị sự các địa phương; lồng ghép phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVMT và ứng phó với BĐKH trong Trường Trung cấp Phật học Bình Định, khóa tu, các buổi học chính khóa và chương trình sinh hoạt ngoại khóa...
“Bên cạnh đó là chương trình nhặt rác ở bãi biển, kêu gọi các tự viện thực hiện mô hình trồng rừng, trồng cây lấy gỗ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hội, chùa Thiên Bửu (huyện Phù Cát) đã trồng hơn 15.000 cây bạch đàn trên diện tích trên 6.000m2, với mục đích giảm thiểu sạt lở đất, bảo vệ rừng, BVMT và tài nguyên thiên nhiên”, Đại đức Thích Đồng Thành cho hay.
Trong khi đó, với Công giáo, việc triển khai các nội dung về BVMT được thực hiện theo đặc điểm địa bàn của từng giáo xứ. Trong các buổi thuyết giảng, các linh mục quản xứ thường nhắc nhở bà con giáo dân về cách xử lý rác thải tại gia đình, trong khuôn viên nhà thờ và khu vực giáo xứ…
Đặc biệt, Linh mục Võ Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, cho hay, mô hình điểm “Khu dân cư tự quản BVMT và ứng phó với BĐKH” ở giáo xứ Gò Thị (thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) được triển khai với nhiều nội dung cam kết cụ thể: không vứt rác, xả thải bừa bãi, biết nhặt rác và giữ vệ sinh sạch sẽ nơi công cộng cũng như nhà riêng; không chặt cây xanh, đốt phá rừng; không đánh bắt chim, cá bằng những phương tiện hủy diệt hàng loạt…
“Thông qua mô hình này, chúng tôi đã nhân rộng đến các giáo xứ và giáo họ trong toàn tỉnh. Kết quả, người dân đã từng bước hình thành được thói quen BVMT tại cộng đồng khu dân cư và nhà riêng của mình”, Linh mục Võ Tuấn cho biết.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra khá mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, kết hợp với sự gia tăng dân số đã gây áp lực đáng kể đối với vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều khó khăn, bất cập; tỉ lệ thu gom ở đô thị mới đạt 78%, ở khu vực nông thôn chỉ ở mức 20%. Việc xây dựng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh chưa đảm bảo về số lượng theo quy hoạch...
Trước thực trạng đó, Phó Giám đốc Sở TN&MT Huỳnh Quang Vinh đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các vị chức sắc đại diện các tổ chức tôn giáo tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường vận động tuyên truyền về môi trường và ứng phó với BĐKH để cộng đồng tôn giáo địa phương từng bước thay đổi hành vi về BVMT gắn liền với việc cải thiện sinh kế bền vững.
“Quan trọng là khuyến khích bà con giảm bớt việc sử dụng các loại phân bón hóa học, hóa chất trong sản xuất nhằm giảm thiểu sự tác động tiêu cực đến môi trường. Đồng thời sử dụng các loại phân bón hữu cơ và trồng các loại cây có năng suất, chất lượng cao, thích ứng, thân thiện với môi trường…”, ông Vinh phân tích.
Qua 2 năm thực hiện chương trình phối hợp, bà Nguyễn Thị Đàng thừa nhận một thực tế là hoạt động mới mẻ này chưa có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động cần được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa. “Phải làm sao cho bà con thay đổi nhận thức và hành vi để bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng”, bà Đàng nhấn mạnh.
Mục sư Nguyễn Văn Thể - Trưởng Ban đại diện Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) tỉnh, cũng kêu gọi: “Tất cả đạo hữu Tin Lành hãy chung sức đồng lòng, có ngay những hành động thiết thực để BVMT sống của chúng ta; dừng ngay việc phá rừng bừa bãi, thay đổi cách sống, từ việc ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt gia đình và nhiều thứ khác có ảnh hưởng đến việc hủy hoại môi trường”.
NGUYỄN VĂN TRANG