Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Khẩn trương vào cuộc
Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhận được sự quan tâm, đón đợi của người dân. Các cấp, ngành liên quan của tỉnh đang khẩn trương thực hiện từng bước đi cần thiết để hiện thực hóa dự án dài hơi này.
Theo nhận định của CA tỉnh, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc để thu thập, cập nhật được thông tin cơ bản của công dân Việt Nam, phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng, khắc phục được hạn chế, bất cập trong công tác quản lý dân cư hiện nay.
Sau khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, hình thức quản lý dân cư sẽ thay đổi từ thủ công sang điện tử.
- Trong ảnh: Thực hiện quy trình cấp CMND tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, CA tỉnh.
Tránh phiền hà cho công dân
Mới đây, ông N.X.S. (85 tuổi, ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) đi khám bệnh mới phát hiện thông tin trên thẻ BHYT có sai lệch so với CMND. Để điều chỉnh thông tin cần phải có giấy khai sinh. Tuy nhiên, đã từ lâu ông không còn lưu trữ loại giấy tờ này. Gia đình ông đành “cầu cứu” cán bộ thị trấn Vĩnh Thạnh.
“Trọng tâm là khảo sát thực trạng các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phương tiện, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý cư trú ở các huyện, thị xã, thành phố. Từ đó có giải pháp từng bước khắc phục hạn chế, khó khăn và đảm bảo thực hiện hiệu quả dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi có chủ trương triển khai của bộ”
Trung tá HUỲNH THỊ BÍCH LIÊN - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội
Theo thông tin gia đình cung cấp, ông S. sinh tại xã Sơn Tân, huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam. Sau này, xã Sơn Tân đổi tên thành Quế Tân, đến năm 1990 bị giải thể thành 2 xã Hiệp Hòa và Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức. “Sau một thời gian tìm hiểu lòng vòng về việc chia tách địa giới hành chính, chúng tôi gửi giấy về Quảng Nam đề nghị xác nhận đăng ký khai sinh ban đầu cho ông S. Tuy nhiên, quá hạn 1 tháng không có phản hồi, chúng tôi mới tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh lại cho ông S. theo quy định của Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch”, cán bộ thị trấn Vĩnh Thạnh cho biết.
Đó không phải là trường hợp cá biệt. Các cán bộ tư pháp - hộ tịch trên địa bàn tỉnh rất “đau đầu” khi được nhận yêu cầu xác nhận đăng ký khai sinh ban đầu, bởi hồ sơ lưu trữ không còn sau quá trình tách - nhập xã, huyện. Những phiền toái như thế sẽ dần lùi xa với dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được triển khai thực hiện. Với dự án này, thông tin cơ bản về công dân được thu thập và quản lý đầy đủ, chặt chẽ trên hệ thống mạng; trên cơ sở đó, Bộ CA sẽ đề xuất lộ trình bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ tạm trú, thay thế CMND bằng mã số định danh cá nhân. Khi dự án được hoàn thành, hình thức quản lý dân cư sẽ thay đổi từ thủ công sang điện tử, tránh phiền hà cho công dân.
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết
Theo thông tin từ CA tỉnh, quá trình chuẩn bị cho việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh xuất hiện 2 khó khăn lớn. Một là điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn nhiều hạn chế, các phòng để lắp đặt hệ thống máy vi tính và các phương tiện khác đều tận dụng nguồn sẵn có tại địa phương, diện tích phòng làm việc chật hẹp, đã qua sử dụng nhiều năm nên xuống cấp.
Thứ hai là, đội ngũ cán bộ làm công tác thu thập thông tin về công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đặc biệt là lực lượng CA xã, phường, thị trấn còn phải thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn. Trong khi lực lượng này ở cơ sở còn thiếu, trình độ chuyên môn còn hạn chế, do đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến tiến độ của dự án.
Tuy nhiên, trước yêu cầu bức thiết của quá trình cải cách công tác quản lý dân cư, CA tỉnh và các ngành liên quan đang nỗ lực thực hiện các phần việc theo yêu cầu của từng giai đoạn để đảm bảo tiến độ. Theo trung tá Huỳnh Thị Bích Liên -
Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA tỉnh), thực hiện chỉ đạo của Bộ CA, CA tỉnh đã từng bước chuẩn bị các điều kiện cơ sở hạ tầng, nhân lực về công nghệ thông tin để đáp ứng kịp thời việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, trọng tâm là khảo sát thực trạng các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phương tiện, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý cư trú ở các huyện, thị xã, thành phố. Từ đó có giải pháp từng bước khắc phục hạn chế, khó khăn và đảm bảo thực hiện hiệu quả dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi có chủ trương triển khai của bộ. Theo kết quả khảo sát, mỗi CA huyện, thị xã, thành phố có 6 máy tính; mỗi CA cấp xã có 1 máy tính; Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội có 10 máy tính chuyên dụng.
“Chúng tôi cũng phối hợp với Viettel Bình Định hoàn thành việc khảo sát lắp đặt hạ tầng đường truyền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương duy trì, thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký, quản lý cư trú, củng cố tàng thư hồ sơ hộ khẩu và các loại hồ sơ, sổ sách đăng ký quản lý cư trú để phục vụ việc thu thập, cập nhật thông tin dân cư vào hệ thống sau này”, trung tá Liên cho hay.
NGUYỄN VĂN TRANG