Đánh giá công tác cải cách hành chính năm 2017: Hướng đến thực chất, khách quan, định lượng
Sở Nội vụ đang chủ trì triển khai kế hoạch điều tra xã hội học để xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2017 đối với các cơ quan trung ương, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Văn Hương cho hay, yêu cầu quan trọng của hoạt động này là thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin để đánh giá thực chất, khách quan về kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị.
Sự hài lòng của người dân là “thước đo” hiệu quả cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. Ảnh minh họa
● Để đảm bảo yêu cầu đó, so với mọi năm, Bộ chỉ số và quy định việc đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 có những điểm nào đáng chú ý, thưa ông?
- Ngày 30.10.2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3664/QĐ-UBND ban hành Bộ chỉ số và quy định việc đánh giá kết quả thực hiện CCHC của các cơ quan trung ương, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, thay thế Quyết định 642/QĐ-UBND ngày 14.2.2015.
So với các quy định trước đây, Bộ chỉ số mới đã bỏ các tiêu chí mang tính định tính hoặc không có cơ sở để kiểm chứng; các tiêu chí thuộc dạng quy định bắt buộc, cơ quan nào cũng phải thực hiện trong công tác chỉ đạo, điều hành; hoặc các tiêu chí đã triển khai hoàn thành trên địa bàn tỉnh (thống kê và mô tả vị trí việc làm, hệ thống văn phòng điện tử...).
Bên cạnh đó, Bộ chỉ số mới đã bổ sung các tiêu chí dựa theo Đề án “Xác định chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” của Bộ Nội vụ và các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC đã đề ra theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy về CCHC. Cụ thể, tập trung đánh giá công tác kiểm tra và xử lý các hạn chế, vấn đề phát hiện sau kiểm tra trên các lĩnh vực CCHC; trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CCHC; công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm; tinh giản biên chế; chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thực hiện phần mềm một cửa điện tử, ISO điện tử...
Thêm một điểm mới đáng chú ý, Bộ chỉ số mới có thang điểm là 100, gồm phần tự đánh giá (80 điểm) và phần điều tra xã hội học (XHH) (20 điểm); các tiêu chí, tiêu chí thành phần đều cụ thể, mang tính định lượng cao, tạo thuận lợi trong công tác đánh giá.
● Có thể nói, điểm đánh giá qua điều tra XHH chiếm đến 20% trong thang điểm của Bộ chỉ số mới là một thay đổi lớn. Xin ông cho biết cụ thể về hoạt động điều tra XHH này?
- Mục đích của quy định này là tạo ra sự khách quan, công bằng trong việc đánh giá chỉ số CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, phát huy trách nhiệm của xã hội trong công tác CCHC. Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với công tác điều tra XHH là phải đảm bảo phản ánh được kết quả triển khai CCHC của các cơ quan, đơn vị thông qua đánh giá, nhận xét của các đối tượng điều tra XHH; đảm bảo đúng đối tượng, khách quan, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Hoạt động tổ chức điều tra được thực hiện dưới hình thức phát phiếu khảo sát gồm các câu hỏi có sẵn và phương án trả lời để các đối tượng điều tra nghiên cứu và trả lời; tổng số phiếu của năm 2017 là 2.657 phiếu.
Sở Nội vụ sẽ gửi phiếu điều tra kèm công văn đề nghị phối hợp trả lời phiếu đối với các đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành; đối với lãnh đạo UBND cấp huyện và xã, Sở Nội vụ phối hợp với UBND cấp huyện trực tiếp xin ý kiến vào phiếu khảo sát. Riêng đối với tổ chức, DN và công dân sẽ đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2017 đối với các cơ quan trung ương, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (bao gồm cả Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh), UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Sở Nội vụ phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh tổng hợp, phân tích kết quả điều tra, khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước theo các nội dung có liên quan để tổng hợp kết quả, không thực hiện điều tra riêng.
● Như vậy, điều tra XHH là một “kênh” quan trọng để khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Quá trình điều tra, khảo sát được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Công tác khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở Bình Định đã thực hiện từ năm 2014 và được duy trì hàng năm. Một điểm đáng chú ý là bắt đầu từ năm 2017, kết quả điều tra, khảo sát được dùng để phân tích, đánh giá, chấm điểm đối với một số nội dung điều tra XHH theo các nội dung tương ứng của Bộ chỉ số CCHC.
Nội dung điều tra, khảo sát tập trung vào chất lượng thực hiện dịch vụ hành chính công, thái độ phục vụ và hiệu quả việc thực hiện các thủ tục hành chính của cán bộ, công chức, viên chức. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, tổng phiếu điều tra, khảo sát là 2.000 phiếu. Trong đó, các cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh 150 phiếu; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh 570 phiếu; UBND các huyện, thị xã, thành phố 1.100 phiếu; phúc tra kết quả khảo sát 180 phiếu.
● Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)