Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư: Hướng vào hoạt động thực chất
Hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư lâu nay vẫn mang tiếng là “chung chung”, “bên phụ nữ một chút, bên thanh niên một ít”, chỗ nào cũng phối hợp nhưng hiệu quả mang lại chẳng cụ thể. Phải hướng hoạt động vào thực chất, mang lại kết quả rõ ràng là yêu cầu đặt ra để thay đổi thực trạng này.
Đó là nhận định chung của nhiều ý kiến tại hội thảo khoa học về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Công tác Mặt trận (CTMT) ở khu dân cư do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức ngày 11.12.
Thiết thực, cụ thể là yêu cầu đặt ra để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban CTMT ở khu dân cư.
- Trong ảnh: Đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo.
Còn nặng hình thức
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.123 khu dân cư, tương ứng với mỗi khu dân cư là 1 Ban CTMT được cơ cấu 7-15 người. Thời gian qua, Ban CTMT ở các khu dân cư duy trì công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết giúp nhau trong giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. “Với sự kiên trì, lòng nhiệt huyết của Ban CTMT, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ chính quyền với nhiều hình thức khác nhau, góp một phần công sức vào các chương trình mục tiêu lớn của tỉnh”, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Sĩ Dũng đánh giá.
“Tôi năm nay hơn 70 tuổi, làm trưởng ban CTMT cũng đã 12 năm. Tôi thấy hội thảo khoa học này là một dịp quý để cán bộ Ban CTMT được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm. Mong rằng, tới đây, những sự kiện tương tự sẽ được tổ chức nhiều hơn, đi vào từng nội dung cụ thể để giúp thế hệ cán bộ trẻ làm tốt nhiệm vụ được giao”
Bà HUỲNH THỊ LẸ, Trưởng ban CTMT thôn Mỹ Bình 3, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn
Tuy nhiên, quá trình hoạt động của Ban CTMT vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Sơn Nguyễn Quang Chín, công tác tuyên truyền, vận động; hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia thực hiện các phong trào, các cuộc vận động ở một số địa phương chưa thật hiệu quả và thiết thực; có nơi còn mang nặng tính hình thức. Nhiều nơi Ban CTMT chưa chủ động xây dựng được chương trình, kế hoạch công tác; hoạt động chủ yếu làm theo sự vụ, sự việc theo chỉ đạo của chi ủy, chi bộ, của Mặt trận cấp trên. Vai trò hoạt động của Ban CTMT một số nơi chưa rõ, chưa nổi và thiếu chiều sâu, sức thuyết phục nhân dân chưa cao; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân chưa hiệu quả”, ông Chín thẳng thắn nói.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vân Canh Ngô Thanh Tuấn cũng cho rằng, việc nắm bắt, tổng hợp và báo cáo tình hình nhân dân, nhất là nơi tiềm ẩn phức tạp của Ban CTMT còn chưa kịp thời, chưa tham mưu được giải pháp tốt để góp phần giải quyết dứt điểm tình hình. Nền nếp hội họp, sinh hoạt theo quy định chưa đầy đủ, chất lượng hội nghị còn hạn chế, các cuộc họp ảnh hưởng đến quyền lợi như bình xét hộ nghèo, vay vốn… thì đông đủ, còn lại vắng hoe.
Quan trọng là cái tâm!
Vấn đề do ông Ngô Thanh Tuấn đặt ra thu hút sự quan tâm của chủ trì hội thảo - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phan Phi Hổ. Nhắc lại ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tổ chức vừa rồi ở thôn Thắng Kiên (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) thật sự là “ngày hội”, ông Hổ muốn nghe kinh nghiệm từ Trưởng ban CTMT Phạm Thị Loan. Bà Loan cho biết, ngày hội tổ chức đúng ngày chợ phiên, nhưng có đến 430/500 người được mời có mặt, hôm sau nhiều người vắng vẫn quan tâm, muốn đóng góp chi phí tổ chức ngày hội.
“Bà con đến không phải vì bữa cơm, mà là muốn vui niềm vui chung của cộng đồng. Thường ngày, họ ốm thì đi thăm, khó khăn thì chia sẻ, có bất hòa thì hòa giải sao cho thông… đến khi họ làm ăn khá giả mình mới vận động được chứ. Họp hành thì có người nói có người nghe, chứ phổ biến suông mà không trao đổi qua lại thì buồn ngủ lắm. Nói chung là cán bộ Mặt trận ở cơ sở phải có cái tâm, nhiệt huyết và uy tín”, bà Loan khẳng định.
Từ những chia sẻ đầy thực tế này, ông Phan Phi Hổ cho rằng, giải pháp quan trọng để Ban CTMT khẳng định chỗ đứng là phải thay đổi phương thức hoạt động theo hướng chú trọng hiệu quả thực chất, ngay cả hoạt động tuyên truyền cũng phải có đánh giá, khảo sát kết quả tác động cụ thể. Nhắc lại một số vấn đề nóng thời gian qua như bờ kè ở Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) gây khó khăn cho thuyền thúng neo đậu, đền bù đất đai ở Canh Vinh (Vân Canh), làm bãi chôn chất thải rắn ở Hoài Ân… người đứng đầu Mặt trận tỉnh yêu cầu cán bộ Mặt trận cơ sở ở trong lòng cộng đồng nên càng phải gần gũi, sâu sát, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của người dân.
“Các đồng chí cũng nên giảm bớt hành chính hóa, đừng coi mình là cán bộ này nọ. Phải làm sao cho bà con tin mình, nói chuyện với mình. Chế độ là một chuyện, tiền bạc có hạn nhưng lòng người thì vô hạn. Mình phải thật sự tâm huyết, sống có tình thương thì làm việc mới hiệu quả được. Như thời điểm này, các Ban CTMT phải phát huy vai trò trong quá trình khắc phục hậu quả của lũ lụt, giúp bà con ổn định cuộc sống, đón Tết Nguyên đán”, ông Hổ nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG