Tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng: Ðường còn xa
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Trong lĩnh vực xây dựng, việc thiết kế, thi công và vận hành công trình tốt giúp tiết kiệm 30% nhu cầu sử dụng điện năng trong tòa nhà. Tuy nhiên, thực tế còn khá nhiều vướng mắc khiến vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.
Tòa nhà Trung tâm hành chính TP Quy Nhơn.
Còn nhiều khó khăn
Công trình xây dựng ngày càng tiêu thụ nhiều điện năng và chiếm tỉ trọng lớn trong tổng mức tiêu thụ năng lượng trên toàn tỉnh. Theo thống kê của Công ty Điện lực Bình Định, nếu như năm 2014, sản lượng điện tiêu thụ trong khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 13% tổng mức tiêu thụ năng lượng trên địa bàn tỉnh thì đến nay con số này là gần 43%. Trong khi đó, cứ tăng 1 - 2% suất đầu tư cho công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng (TKNL) sẽ giảm được từ 30 - 50% lượng điện năng sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thiết kế, xây dựng và vận hành phần lớn công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh hiện chưa quan tâm đầy đủ đến giải pháp hiệu quả năng lượng.
Ông Trần Đình Duy, Phó phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng), cho biết: “Trong thiết kế, việc chọn lớp vỏ bao che, vật liệu, trang thiết bị chủ yếu đáp ứng chức năng thẩm mỹ chứ không đặt nặng yếu tố hiệu quả năng lượng”. Dẫn chứng là tòa nhà Trung tâm hành chính TP Quy Nhơn sử dụng vật liệu chủ yếu là kính, trong khi đây là công trình độc lập, xung quanh không có cây xanh che mát nên nhiệt lượng hấp thụ vào tòa nhà khá lớn. Để duy trì nhiệt độ phù hợp bên trong tòa nhà, cần phải tiêu hao nhiều điện năng. Nhiều phòng làm việc phải sử dụng rèm để che nắng xuyên qua kính, dẫn đến việc tận dụng ánh sáng tự nhiên khá thấp, buộc hệ thống chiếu sáng phải luôn hoạt động. Lượng điện năng tiêu thụ của tòa nhà này năm 2015 là 502 ngàn kWh; trong 9 tháng đầu năm 2017 lên gần 878 ngàn kWh.
Trong thẩm định, tuy có đối chiếu với QCVN 09:2013 về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả trong thiết kế, thẩm định các tòa nhà, nhưng vẫn thiên về kỹ thuật xây dựng. “Giải pháp hiệu quả năng lượng chỉ dừng ở mức độ khuyến nghị sử dụng thiết bị có dán nhãn TKNL. Người thẩm định thường chỉ có chuyên môn sâu trong lĩnh vực xây dựng, hiểu biết về TKNL không nhiều. Chúng tôi vừa làm vừa mày mò học hỏi”, ông Duy thừa nhận.
Mặt khác, nguồn lực tài chính đầu tư cho TKNL còn hạn chế. Công trình có vốn ngân sách gặp trở ngại về định mức, đơn giá, suất đầu tư. Công trình ngoài ngân sách thì vấp phải vấn đề lợi ích kinh tế đặt trên lợi ích môi trường và TKNL. Tỉnh cũng chưa có cơ chế khuyến khích hay bắt buộc chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với công trình xây dựng…
Bước đi ban đầu
Để thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngày 27.12.2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4851/QĐ-UBND về kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; phấn đấu đến năm 2020 tiết kiệm từ 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo hiện nay. Thực hiện Quyết định này, Sở Xây dựng đã ban hành và triển khai kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà và hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Ông Trần Viết Bảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay: Năm 2017, Sở đã khảo sát, đánh giá 2 tòa nhà sử dụng năng lượng lớn và 3 hệ thống chiếu sáng công cộng; từ đó, đề xuất giải pháp sử dụng TKNL. Sở cũng đã tổ chức hội thảo giới thiệu mô hình công trình sử dụng TKNL. Năm tới, ngành Xây dựng sẽ tổ chức đi học tập kinh nghiệm triển khai mô hình tòa nhà, công trình chiếu sáng công cộng TKNL thành công tại các tỉnh thành khác. Xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành quy định về sử dụng TKNL trong xây dựng công trình tòa nhà, chiếu sáng công cộng trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), xây dựng thí điểm mô hình quản lý năng lượng cho 1 tòa nhà và 1 công trình chiếu sáng công cộng. Những năm sau sẽ nhân rộng mô hình này, đồng thời tổ chức kiểm tra thực hiện quy định sử dụng TKNL trong xây dựng công trình tòa nhà, chiếu sáng công cộng trên địa bàn tỉnh.
“Bình Định là một trong số hiếm hoi các địa phương trên cả nước ban hành được kế hoạch TKNL trong lĩnh vực xây dựng và từng bước triển khai kế hoạch này”, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) đánh giá. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, để kế hoạch đạt kết quả, Sở Xây dựng cần tăng cường kiểm soát việc tuân thủ quy chuẩn TKNL trong thiết kế, thi công, nghiệm thu, quản lý vận hành công trình xây dựng trên địa bàn. Hỗ trợ chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, quản lý vận hành công trình áp dụng biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
TỐ UYÊN