Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bình Ðịnh 2017: Mở đường và tiếp sức
Chung kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bình Ðịnh 2017 diễn ra trong tháng 12 này đã khép lại với nhiều cảm xúc, chủ nhân của những ý tưởng đều chiến thắng chính bản thân mình. Và trên hết, đã có những cuộc “tiếp sức” để hiện thực hóa ý tưởng.
Đây là năm thứ hai Bình Định tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh, do Trung tâm Phân tích và Kiểm nghiệm (Sở KH&CN) phối hợp Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và Trường ĐH Quy Nhơn thực hiện. Cuộc thi nhận được 73 ý tưởng tham gia, vòng sơ tuyển chọn ra 31 ý tưởng, “rút” tiếp còn 10 ý tưởng vào chung kết; và 3 ý tưởng đi đến chặng cuối. Còn chương trình dự án ươm tạo khởi nghiệp có 10 hồ sơ tham gia, qua đó chọn ra được 3 dự án xuất sắc để đầu tư. Những con số này cho thấy sức hút của cuộc thi cũng như phong trào khởi nghiệp.
Đại diện Viện Nghiên cứu phát triển DN vừa và nhỏ (Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh) trao tượng trưng hỗ trợ trọn gói phát triển ý tưởng khởi nghiệp thành DN khởi nghiệp cho sinh viên Lê Thị Thắm.
Sáng tạo, thực tế
Sử dụng chính những kiến thức tiếp nhận trên giảng đường, các bạn trẻ đến từ nhóm WATER (sinh viên khoa Vật lý - Trường ĐH Quy Nhơn) giành giải nhì với ý tưởng “Sản xuất dụng cụ lọc nước biển sử dụng năng lượng mặt trời”. “Chúng tôi nhận thấy nguồn nước mặn gần như vô hạn, còn nước ngọt ở vùng biển thì thiếu thốn, giá thành để chuyển hóa nước biển thành nước ngọt hiện còn khá cao!”, SV Đinh Thành Tấn chia sẻ.
Với chương trình Ươm tạo DN khởi nghiệp, 3 dự án xuất sắc nhất được chọn hỗ trợ gói đào tạo, tư vấn và ươm tạo thuộc Chương trình Tuyển chọn và Ươm tạo DN khởi nghiệp (60 triệu đồng/dự án), gồm: “Nâng tầm bánh ít lá gai” - Nguyễn Thị Hồng Son; “Quy Nhơn Discovery” - Ðỗ Minh Ðức; “Cộng đồng rau sạch Chân Nhân” - Trần Linh Thùy.
Trong khi đó, là những kỹ sư nông nghiệp tương lai, nhóm AGRIBIO (sinh viên khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Trường ĐH Quy Nhơn) mong muốn tạo ra được những sản phẩm gần gũi, thiết thực với cuộc sống và trên hết là an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đó là lý do để mô hình “Sản xuất thịt gà ác thương phẩm sạch kết hợp với kinh doanh các món ăn được chế biến từ gà ác tại xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định” ra đời. Ý tưởng này được trao giải nhất một cách thuyết phục.
Sinh viên Trần Thị Thanh Xuân, đại diện nhóm AGRIBIO, cho biết: “Theo những khảo sát thực tế, nhu cầu sử dụng thịt gà ác ở thị trường miền Trung hiện nay rất cao, nguồn cung (chủ yếu từ khu vực phía Nam) không đủ đáp ứng. Xu hướng thị trường và lời khuyên của giới Đông y đối với sản phẩm này là nên sử dụng khi gà đạt từ 4 - 6 tuần tuổi. Chúng tôi thấy rõ rằng với gà ở độ tuổi trên thì số vốn đầu tư cho chuồng trại ban đầu là không cao, vì nuôi trong thời gian ngắn nên tỉ lệ rủi ro cho DN không nhiều; quay vòng vốn nhanh”.
Sáng tạo và thực tế là ấn tượng chung của cuộc thi khi các nhóm trình bày dự án của mình. Nhiều thí sinh rất trẻ, còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã ấp ủ những dự án thiết thực. Như giải ba của cuộc thi - ý tưởng “Ứng dụng MOTO - Make Money Make Touristy” của Hồ Trịnh Uyển Nhi (học sinh lớp 11A2, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn). Thí sinh nhỏ tuổi nhất nhưng đến với cuộc thi bằng ý tưởng táo bạo. Dù chưa hình thành sản phẩm, nhưng ý tưởng khởi nghiệp của Nhi được Ban giám khảo đánh giá khá cao bởi sự đúng hướng trong tư duy khởi nghiệp sáng tạo.
Tiếp sức khởi nghiệp
Theo ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, so với năm 2016, chất lượng các nhóm khởi nghiệp tham gia cuộc thi năm nay tốt hơn nhiều, có đầu tư, nhiệt huyết và tự tin hơn. Cuộc thi mở ra cho các bạn trẻ và các DN khởi nghiệp giới thiệu và triển khai những ý tưởng mới hoặc những sản phẩm đã được vận hành một thời gian. Ý tưởng kinh doanh có thể mang hình thức của một sản phẩm, hoặc đổi mới dịch vụ, đổi mới trong quản lý và tổ chức.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mạnh dạn đưa ra ý tưởng mới, sáng tạo. Cuộc thi không chỉ mang đến các giải thưởng, mà quan trọng hơn là sau đó cung cấp các khóa đào tạo, tư vấn, huấn luyện về tinh thần khởi nghiệp và cải tiến, các sự kiện tiếp cận và kết nối cộng đồng khởi nghiệp và sáng tạo cho các ý tưởng và dự án ươm tạo đoạt giải”, ông Hà nói.
Điều làm nên sự đặc biệt và thành công của cuộc thi năm nay là nhiều ý tưởng và dự án đã tạo được ấn tượng với các nhà đầu tư. Ngay sau chung kết cuộc thi, Viện Nghiên cứu phát triển DN vừa và nhỏ (Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh) đã quyết định tài trợ phát triển trọn gói cho ý tưởng khởi nghiệp: “EXPLORER - Dự án hỗ trợ kiến tạo trải nghiệm du lịch văn hóa và kết nối du khách quốc tế với người dân bản địa tại những làng nghề truyền thống ở Bình Định” của Lê Thị Thắm (sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn).
Chiều 19.12, Sở KH&CN đã làm việc với nhà đầu tư (Viện Nghiên cứu Phát triển DN vừa và nhỏ) để cụ thể hóa cách thức hỗ trợ cho ý tưởng khởi nghiệp. TS Đào Trung Việt, Viện trưởng, cho biết: “Thật ấn tượng với sinh viên năng động, nỗ lực nghiên cứu và thử nghiệm. Việc nghiên cứu tài trợ, ươm mầm và chắp cánh cho ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo này không ngoài mục tiêu là đưa ra các sản phẩm gắn liền với quảng bá du lịch của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng”.
THU HIỀN