Xuất khẩu của Việt Nam khả năng vượt 212 tỷ USD trong năm 2017
Nhận định về tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2017, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, vượt qua những biến động của thị trường, năm 2017 là năm đầu tiên Việt Nam dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu trên 212 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thực hiện năm 2016 là trên 176 tỷ USD.
Cùng với đó, mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (chỉ số IIP) hoàn thành vượt kế hoạch năm và đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 ở mức 6,7%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng trưởng từ 2 con số trở lên.
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, nếu như kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tính đến ngày 1.12.2007 mới dừng ở mức 100 tỷ USD thì sau 10 năm (tính đến ngày 19.12.2017) Việt Nam đã tự hào công bố tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã lên mốc 400 tỷ USD. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, sau 2 năm Việt Nam liên tiếp ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan Á- Âu, ASEAN, RCEP… có hiệu lực, kim ngạch xuất khập khẩu đã đạt bước tăng trưởng hết sức ngoạn mục, tăng thêm 100 tỷ USD, từ 300 lên 400 tỷ USD. Không dừng lại ở đó, Việt Nam liên tục mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và đã vượt ngưỡng trên 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu; trong đó có 29 thị trường xuất khẩu và 23 thị trường nhập khẩu đạt. Đặc biệt, Việt Nam bắt đầu xuất siêu thương mại kể từ khi gia nhập WTO. Đến thời điểm này, cả nước đã xuất siêu 2,5 tỷ USD và dự kiến cả năm nay sẽ là 3 tỷ USD, giúp cán cân thanh toán tổng thể quốc gia có thặng dư khá lớn, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, góp phần giúp Chính phủ hoàn thành và vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội trong năm 2017.
Để có được kết quả khả quan này phải ghi nhận sự đóng góp tích cực từ kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông lâm thủy sản, thương mại dịch vụ, công nghiệp chế tạo và nhất là ảnh hưởng từ các FTA.
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch chia sẻ, kết quả này đặc biệt có ý nghĩa bởi khi kết thúc tháng Sáu, rất nhiều chỉ tiêu của Bộ Công Thương chỉ đạt được ở mức thấp. Đơn cử, mức tăng chỉ số IIP của 6 tháng chỉ đạt 6,2%, thấp hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2016 là 7,2%. Giá dầu thô, sản lượng khai thác than giảm, lượng tồn kho lớn… là những khó khăn tác động trực tiếp đến chỉ số IIP trong suốt nửa đầu năm. Ngoài ra, xuất khẩu dù tăng trưởng cao với 18,9% nhưng xuất siêu đạt đến 2,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng đến 4,16% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn con số Quốc hội cho phép là dưới 4%. Tuy nhiên, để các chỉ số vĩ mô nửa cuối năm 2017 có kết quả ngoạn mục như hiện nay, theo ông Dương Duy Hưng là do Bộ Công Thương đã tích cực tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty trong những lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng chú trọng phát triển thị trường ngoài nước, nhất là thị trường có nhiều tiềm năng và đã ký kết FTA với Việt Nam.
Đáng lưu ý, Bộ cũng thúc đẩy tăng trưởng thị trường hàng hóa trong nước gắn với kiềm chế chỉ số CPI…. Đặc biệt, cải cách hành chính - một trong những giải pháp trọng tâm được Bộ Công Thương liên tục triển khai để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Khẳng định những nỗ lực của Bộ Công Thương đạt kết quả tích cực, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, không chỉ các chỉ tiêu vĩ mô của ngành Công Thương đạt kết quả ấn tượng, hoàn thành các mục tiêu của năm 2017, mà ngay cả các chỉ tiêu của các Tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương đều đạt; trong đó, kể cả các Tập đoàn đang gặp nhiều khó khăn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV)… Thời gian tới, mục tiêu hàng đầu của Bộ Công Thương là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng triển khai các hoạt động quản lý nhà nước; rà soát, xử lý các dự án tồn đọng, thua lỗ. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý nhưng vẫn tạo môi trường thông thoáng. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là các ngành như thép, ôtô, phân bón, hóa chất... để tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh./.
Theo UYÊN HƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)