Ða dạng hóa hình thức tuyên truyền
Công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận các cấp đã có nhiều chuyển biến, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Phải đa dạng hóa hình thức tuyên truyền với những phương tiện hiện đại là hướng đi được nhiều đại biểu đề cập tại hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Ðề án “Ðổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, tổ chức ngày 26.12.
Đối thoại trực tiếp là hình thức hiệu quả để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Nhiều cách làm hiệu quả
Theo thông tin tại hội nghị, qua 3 năm thực hiện Đề án, MTTQ các cấp trong tỉnh đã thu thập, nắm bắt hàng ngàn ý kiến, kiến nghị của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực đời sống - xã hội, quốc phòng - an ninh, giáo dục - đào tạo; môi trường, an toàn thực phẩm; giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai; chế độ chính sách...
Bà Trần Thị Kim Phượng - Trưởng ban Tuyên giáo (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh), cho biết: “Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã phân loại và phản ánh tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan ban ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương để giải quyết, góp phần thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua Mặt trận”.
Là huyện miền núi với địa bàn cách trở, song công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình trong nhân dân ở An Lão được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lê Thị Thanh Trầm, mô hình kết nghĩa giữa các cơ quan và thôn, làng đã giúp cho cán bộ nắm bắt thông tin về tình hình tâm tư, tình cảm của người dân, phản ánh lại với Mặt trận qua các hội nghị trực báo.
“Thêm vào đó, Huyện ủy có chủ trương giao Mặt trận đứng đầu tổ chức các đoàn công tác xuống tuyên truyền trực tiếp tại khu dân cư, phân công mỗi hội đoàn thể “cắm” tại 2 xã. Nhờ đó, công tác tuyên truyền, vận động có nhiều thuận lợi, mang lại hiệu quả tích cực, nhất là trên các lĩnh vực ATGT, vận động giảm tự tử, tự sát, tảo hôn, bỏ học”, bà Trầm cho hay.
Ở cấp xã cũng có những cách làm riêng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Điển hình, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) qua CLB Văn nghệ xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền, dùng hình thức sân khấu hóa để đưa chủ trương, chính sách đến với nhân dân. “Có vậy mới nhẹ nhàng, tránh nhàm chán, giúp bà con hào hứng tham gia”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phan Thị Thu Trang nói.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện An Lão Lê Thị Thanh Trầm nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: VĂN TRANG
Ðầu tư thiết bị, tận dụng mạng xã hội
Bên cạnh những chuyển biến đáng ghi nhận, công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Việc thành lập đội ngũ cộng tác viên thu thập ý kiến nguyện vọng nhân dân còn lúng túng. Cán bộ Mặt trận cơ sở cung cấp thông tin tình hình hoạt động ở cơ sở đưa lên Trang thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn đơn điệu. Công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân ở một số địa phương chưa quan tâm chú trọng nên có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. “Có câu “nói dân nghe, nghe dân nói”, nhưng ta nghe dân nói qua những kênh nào? Việc tổ chức các cuộc đối thoại với dân còn ít quá!”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hoài Nhơn Phạm Ngọc Tuân tâm tư.
Để nâng cao hiệu quả của công tác này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đình Thú cho rằng, cán bộ ở cơ sở nên giảm “hành chính hóa” trong quá trình tiếp nhận thông tin từ nhân dân. “Người dân đến nêu kiến nghị, nhiều cán bộ cứ một mực phải có đơn thư, văn bản mới tiếp nhận. Nhiệm vụ của cán bộ Mặt trận là tiếp thu, tổng hợp ý kiến, kiến nghị để phản ảnh lên cấp trên, phải làm chính xác nhưng cũng phải kịp thời nhất, giảm phiền hà cho dân”, ông Thú nhấn mạnh.
Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, cần đầu tư phương tiện, thiết bị phục vụ cho tuyên truyền. Từ thực tiễn công tác, Trưởng ban Tuyên giáo (Hội Nông dân tỉnh) Nguyễn Thị Cẩm Thúy cho rằng, trang bị máy chiếu cho mỗi xã là rất cần thiết. “Nông dân, Phụ nữ, Mặt trận... cùng dùng chung khi xuống khu dân cư. Hình ảnh trực quan, dùng những câu hỏi ngắn, gần gũi để tăng tính tương tác… thì người dân mới thích thú được”, bà Thúy chia sẻ.
Trong khi đó, Trưởng ban Tuyên giáo (LĐLĐ tỉnh) Lê Từ Bình lại quan tâm đến một phương tiện truyền thông đắc lực khác trong giai đoạn hiện nay: mạng xã hội. Cán bộ cơ sở hầu như ai cũng có ít nhất một tài khoản mạng xã hội (facebook, zalo…), nếu tận dụng tốt thì sẽ thông tin kịp thời chủ trương, chính sách cũng như tình hình, kết quả hoạt động của Mặt trận.
“Bên cạnh việc lập địa chỉ chung và cử người quản trị, cần thiết phải tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở để biết cách chuyển tải các văn bản, báo cáo thành những bài viết phù hợp trên mạng xã hội. Mỗi cán bộ cũng phát huy ý thức tự giác, tích cực chia sẻ để thông tin chính thống đến với cộng đồng một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất”, ông Bình phân tích.
NGUYỄN VĂN TRANG
Công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn yếu kém lắm, chủ yếu hình thức, vai trò của các hội, đoàn thể nhiều nơi còn mờ nhạt, thụ động. Cần nhìn thẳng, đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp thiết thực nâng cao hiệu quả tuyên truyền được.