Võ sư Nguyễn Văn Cảnh:
“Võ Việt đang phát triển rất mạnh ở nhiều nước”
Như đã thành thông lệ, kể từ năm 2007, vào các năm lẻ, võ sư Nguyễn Văn Cảnh (Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định) lại được Liên đoàn Sơn Long quyền thuật mời sang huấn luyện và biểu diễn ở các nước châu Âu. PV Báo Bình Định đã có cuộc trò chuyện ngắn với võ sư, khi ông vừa trở về sau chuyến đi dài gần 2 tháng.
* Ông có thể cho biết cảm giác của mình sau những đợt huấn luyện cho các HLV, võ sinh nước ngoài?
- Điều đầu tiên có thể nói là tôi rất tự hào vì được đem những gì mình học được ở quê nhà sang giới thiệu và huấn luyện cho những người đam mê võ ở các quốc gia khác. Cần phải biết rằng, trước khi chọn dòng võ Bình Định để đưa vào giảng dạy trong môn phái Sơn Long quyền thuật, cố võ sư Nguyễn Đức Mộc - người sáng lập ra môn phái này ở châu Âu - đã cùng học trò đi khắp các địa phương trong cả nước để tìm hiểu về võ cổ truyền.
Tôi may mắn được chính vị chưởng môn đầu tiên gửi gắm về việc huấn luyện những bài võ đặc trưng của Việt Nam, đặc biệt là võ Bình Định, cho những hậu duệ của ông. Võ sư Nguyễn Đức Mộc đã mất, nhưng các HLV, võ sinh môn phái Sơn Long quyền thuật vẫn dành cho tôi sự tôn trọng đặc biệt. Bởi các thành viên của môn phái không chỉ học những động tác của các bài võ mà còn học cả cái đạo của người học võ. Họ đến với võ Việt cũng là từ sự kết hợp của hai yếu tố đó.
* Qua chuyến đi này, ông nhận thấy sự phát triển của võ Việt tại các nước như thế nào?
- Có thể nói ngắn gọn là phong trào tập võ Việt Nam đang phát triển mạnh cả về chất lượng và số lượng. Hiện, ở châu Âu ngoài Pháp và Thụy Sỹ, môn phái Sơn Long quyền thuật còn có mặt ở Bỉ, Đức, Italia, Áo, với tổng số võ sinh gần 20.000 người. Bên cạnh đó, môn phái này cũng đang phát triển mạnh ở châu Phi, trong đó ở Algieria có khoảng 5.000 người theo tập. Điều đặc biệt là võ cổ truyền Việt Nam đang được ngành thể thao ở Burkina Faso quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để nhiều người cùng tham gia tập luyện. Một quan chức thể thao của quốc gia châu Phi này có hứa với tôi rằng, sang năm 2014 sẽ cử võ sinh sang tham dự Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam. Đó chỉ là mới nói đến một môn phái, còn các môn phái khác cũng có sự phát triển mạnh về số lượng ở nhiều quốc gia.
* Theo ông, việc truyền bá võ Việt Nam ở nước ngoài có những thuận lợi và khó khăn gì?
- Thuận lợi thì rất nhiều. Trước tiên phải nói đến là sự rõ ràng, rành mạch về vai vế, thứ bậc trong công việc. Các thành viên của Liên đoàn đều phải tuân thủ theo nguyên tắc chung, đúng theo trình tự. Việc tập luyện, kiểm tra các bài tập cũng tuân theo những giáo án thống nhất do Liên đoàn biên soạn từ cơ bản đến nâng cao. Có thể nói không có võ sư, võ sinh nào sống bằng nghề võ, nhưng họ đều có tính tự giác cao khi tham gia vào môn phái nên việc điều hành thường rất suôn sẻ.
Phần đông những người tập võ Việt Nam xuất phát từ sự ngưỡng mộ đối với một dân tộc có ý chí quật cường, nên họ coi đây là một cách thức để rèn luyện bản thân và theo đuổi với niềm đam mê rất lớn. Tuy có tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam qua nhiều kênh khác nhau, nhưng các võ sư, võ sinh nước ngoài vẫn muốn tìm hiểu thêm về nguồn gốc võ Việt Nam thông qua những cuốn sách bằng ngôn ngữ của chính họ. Đây là điều chúng ta còn chưa đáp ứng được, nên cần được lưu ý trong thời gian tới.
* Chắc hẳn trong những lần trò chuyện với các võ sinh nước ngoài ông cũng có nghe về những nguyện vọng của họ khi về tham gia các kỳ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam?
- Chủ đề chính trong những cuộc trò chuyện của tôi và các HLV, võ sinh ở Pháp và Thụy Sỹ chủ yếu vẫn xoay quanh chủ đề võ. Và Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam là một trong những điều được nhắc đến rất nhiều. Võ sư và võ sinh nước ngoài rất mong muốn được về biểu diễn giao lưu cùng các võ đường nổi tiếng của chúng ta. Thông qua đó, họ còn muốn được học hỏi những bài võ đặc sắc của các võ đường, môn phái. Nếu cần thiết, họ có thể cử người ở lại để học thuần thục một vài bài rồi mới về nước. Ngoài ra, những người học võ Việt Nam ở nước ngoài cũng mong muốn sớm hình thành Liên đoàn Thế giới võ cổ truyền Việt Nam để có sự thống nhất trong các hoạt động, dần xây dựng võ cổ truyền thành một trong những bộ môn mạnh, bài bản trên toàn cầu.
* Xin cảm ơn ông!
LÊ CƯỜNG (Thực hiện)