ÐỔI MỚI CÔNG TÁC DÂN VẬN:
Sâu sát đối tượng, định lượng sản phẩm
Ðổi mới là yêu cầu được đặt ra tại Hội nghị Tổng kết công tác dân vận năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 tổ chức ngày 3.1. Nhiều hướng mở đã được gợi ra: Phân công nhiệm vụ cụ thể, sâu sát đối tượng và địa bàn, định lượng được sản phẩm của công tác dân vận.
Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Phong Vũ, công tác dân vận trong năm 2017 để lại dấu ấn toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, chính quyền các cấp đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; phong cách, thái độ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và quan hệ với nhân dân có chuyển biến tích cực; tăng cường công tác đối thoại trực tiếp với nhân dân để lắng nghe và giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân.
Kết nghĩa là hoạt động thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số.
Trong ảnh: Hoạt động xã hội, tình nguyện tại xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh của Đoàn Thanh niên CA tỉnh và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn.
Hiệu quả nhiều mặt
Đến nay, toàn TX An Nhơn đã xây dựng được 105 mô hình “dân vận khéo”, với 515 đơn vị thực hiện. Kết quả, đã tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành thực hiện công tác giải phóng mặt bằng triển khai mở rộng Khu Công nghiệp Nhơn Hòa, các dự án khu dân cư, khu dịch vụ thương mại. Đồng thời, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, người dân đã hiến gần 16.000 m2 đất để mở đường, đóng góp gần 1,4 tỉ đồng xây dựng gần 8 km bó vỉa và lát gạch block hơn 37.200 m2 vỉa hè...
“Từng chương trình, từng dự án, từng chính sách, thậm chí từng việc làm cụ thể của mỗi cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến tổ chức và công dân đều phải thực hiện theo phương pháp và quan điểm dân vận… Chúng ta có nói một ngàn lần, một ngàn lời hay nhưng chỉ cần một việc nhỏ liên quan đến người dân mà làm không tốt thì cũng sẽ xóa hoàn toàn thiện cảm của người dân đối với cơ quan công quyền”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy LÊ KIM TOÀN
Với huyện Vân Canh, đóng góp đáng kể cho thành công của công tác dân vận là chương trình kết nghĩa. Từ năm 2009 đến nay, các đơn vị, địa phương vùng đồng bằng đã kết nghĩa với 1 thị trấn và 4 xã của huyện. Trong đó, có 14 đơn vị thuộc CA tỉnh kết nghĩa với 16 làng và 15 đoàn thanh niên, hội CCB, hội LHPN các xã.
“Thông qua công tác kết nghĩa, các đơn vị đã hỗ trợ về vật chất, tinh thần, hướng dẫn đồng bào phát triển sản xuất, chăn nuôi như nuôi ong, nuôi cá, trồng cây sa nhân… Đồng thời, triển khai vận động nhân dân, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý”, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Vân Canh Phạm Thành Tuyên cho hay.
Bên cạnh đó, công tác dân vận của các lực lượng vũ trang cũng mang lại kết quả rõ nét. Trong năm qua, các cơ quan, đơn vị BĐBP tỉnh đã chủ động phối hợp với chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền tập trung được 141 buổi/15.827 lượt cán bộ, nhân dân và tuyên truyền nhỏ lẻ cho 913 người về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình biển, đảo; tổ chức vận động chủ phương tiện, thuyền trưởng, ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài khi đánh bắt hải sản.
“Nhờ đó, trong năm 2017, số tàu cá trong tỉnh bị nước ngoài bắt giữ còn 23 tàu, trong đó có 21 tàu xâm phạm lãnh hải các nước, giảm 14 tàu so với năm trước”, đại tá Phan Trường Sơn, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh, thông tin.
Đổi mới phương thức dân vận
Dù vậy, vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác cải cách hành chính; xây dựng hội viên, đoàn viên nòng cốt. Cùng với đó là tình trạng chưa sâu sát cơ sở. “Như vụ phá rừng ở An Lão vừa rồi, nghiêm trọng và kéo dài; hệ thống dân vận có nhiều cách, nhiều kênh, mạng lưới khổng lồ vậy mà không nắm, không phát hiện được”, ông Lâm Văn Hòa, Vụ trưởng Vụ Đoàn thể (Ban Dân vận Trung ương tại Đà Nẵng) nói.
Bên cạnh nạn phá rừng, ông Hòa cũng lưu ý các vấn đề quan trọng, nóng bỏng khác như giải tỏa - đền bù, tái định cư, tranh chấp đất đai…, đòi hỏi ngành dân vận cần tập trung nắm chắc để tham mưu cho Đảng hướng giải quyết kịp thời, hiệu quả.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn cũng đặt ra yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động của công tác dân vận. Cụ thể, phân công cho cán bộ chủ chốt có trách nhiệm trong công tác dân vận phụ trách hộ gia đình theo phương châm “sát địa bàn, sát đối tượng”. Qua đó, tính toán được sản phẩm cụ thể, đánh giá được hiệu quả, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong quá trình vận động nhân dân; không thể để kéo dài tình trạng công tác dân vận “có cũng được, không có cũng chẳng sao”.
Trong khi đó, lãnh đạo các tổ chức Đảng cũng xác định phải đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân vận. Ông Lê Thanh Tùng - Ủy viên Thường vụ trực đảng của Thị ủy An Nhơn, cho biết: “Chúng tôi sẽ mạnh dạn “đặt hàng”, chọn nội dung có tính chất đột phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên của địa phương. Mặt khác, chỉ đạo xây dựng bộ tiêu chí cụ thể đối với từng mô hình để đăng ký phấn đấu thực hiện, có cơ sở đánh giá công nhận và nhân rộng mô hình “dân vận khéo”.
NGUYỄN VĂN TRANG