“Không” hay “vô” tiền khoáng hậu?
Hẳn nhiều người cho rằng, không tiền khoáng hậu là một dị bản, một biến thể theo kiểu “Việt hóa” của vô tiền khoáng hậu. Nhưng sẽ rất bất ngờ nếu ta biết thực tế hoàn toàn ngược lại.
Hai câu này thường được hiểu nôm na là “trước không có, sau cũng không có”. Vì nét nghĩa “không có” này mà có cách gọi vô tiền khoáng hậu (vô nghĩa là “không có”). Mặt khác, vì không rõ không trong không tiền khoáng hậu là gì, người ta quy nó về đồng nghĩa với từ “không [có]” trong tiếng Việt và xem câu này là một dạng... “Việt hóa”.
Thật ra, dạng đúng ban đầu là không tiền khoáng hậu. Trong những thành ngữ có cấu trúc đối xứng AxBy, bao giờ A cũng đối với B, x cũng đối với y. Trong hai câu trên, tiền đã đối với hậu, cho nên, bắt buộc yếu tố thứ nhất phải đối với yếu tố thứ ba là khoáng.
Bây giờ, ta xét đến chữ khoáng. Chữ này thuộc bộ nhật, có các nghĩa “trống trải, rộng rãi”, như trong các từ phóng khoáng ([tính tình] rộng rãi, không chịu bó buộc), khoáng đãng (rộng rãi, quang đãng), khoáng đạt (rộng rãi, thông thoáng)... Khoáng là tính từ, chắc chắn không thể đối với vô là một yếu tố khác từ loại.
Vậy còn không? Dĩ nhiên, không ở đây nghĩa gốc không phải là “không có”. Chữ này thuộc bộ huyệt, có nghĩa “trống rỗng”. Như vậy, cả về nghĩa lẫn từ loại, không đều đối rất chặt chẽ với khoáng. Do đó, không tiền khoáng hậu mới là câu đúng và nghĩa ban đầu của nó có thể hiểu là “trước [thì] trống trơn, sau [cũng] trống trải”. Từ đó mới dẫn đến nét nghĩa “trước chẳng có mà sau cũng chẳng còn”.
Tuy nhiên, vì vô tiền khoáng hậu nghe rất xuôi, lại có vẻ hợp nghĩa nên câu này được dùng lâu thành phổ biến và được ghi nhận trong nhiều từ điển. Mục từ vô tiền khoáng hậu Từ điển tiếng Việt giảng là “không tiền khoáng hậu” (Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.1102).
Cũng cần nói thêm, theo học giả An Chi, chữ không bộ huyệt vừa nêu trên là nguồn gốc của các từ không trong tiếng Việt: (1). Không là danh từ (không phận, trên không); (2). Không là tính từ (ăn cơm không, ở không, cho không); (3). Không là số từ (số không, không giờ); (4). Không là phó từ phủ định (có ai không?, không có ai, về nhanh không trời tối); (5). Không là từ nhà Phật (trái với sắc).
Th.S PHẠM TUẤN VŨ