|
Nữ công nhân trên công trình đường giao thông ven biển Bình Định (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Hiện nay Bình Định có hơn 827 nghìn người trong độ tuổi lao động, trong đó lực lượng lao động nữ chiếm gần một nửa. Tuy nhiên việc thực hiện chính sách với lao động nữ vẫn đang là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp (DN) còn bỏ ngỏ.
* Doanh nghiệp chưa lo
Qua đợt kiểm tra hưởng ứng tuần lễ quốc gia An toàn - Vệ sinh Lao động và Phòng chống cháy nổ vừa qua tại một số DN trong tỉnh, trừ DN nhà nước, đã cho thấy một trong những thiếu sót thường gặp của các DN là việc thực hiện các chính sách với lao động nữ. Nhiều DN sử dụng nhiều lao động nữ nhưng lại không có nhà vệ sinh, phòng thay quần áo, nhà tắm cho lao động nữ. Chẳng hạn, Công ty TNHH Thương mại Hà Thanh (90 nữ), Công ty TNHH Trường Lâm (200 lao động nữ), Công ty TNHH Sơn Hải (105 nữ) nhưng lại “quên” mất chuyện xây dựng nơi đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho các nữ công nhân.
Nhưng không riêng các DN dân doanh, ngay tại Xí nghiệp may Tam Quan (thuộc Công ty Dệt may Xuất khẩu Bình Định), vốn được xây dựng theo tiêu chuẩn cho 300 công nhân, nhưng nay mở rộng đến 515 công nhân, chủ yếu là công nhân nữ. Do vậy, nhà vệ sinh không thể đáp ứng cho chừng ấy lao động. Còn về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, theo ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Công ty Dệt may Xuất khẩu Bình Định, “Do đặc thù của ngành may, nên rất khó thực hiện theo quy định”. Trong khi đó, mức thu nhập của công nhân ngành may hiện vẫn ở mức thấp so với các ngành khác, chỉ 400-450 ngàn đồng/tháng.
Như vậy, những chính sách với lao động nữ tại các DN vẫn đang bỏ ngỏ do những tính toán lợi nhuận hoặc phải nhường chỗ cho nhu cầu việc làm trước mắt. Bên cạnh đó, các công ty chỉ phải đóng BHXH và BHYT cho những công nhân nào có thời hạn làm việc từ một năm trở lên, nên để “lách” luật, người sử dụng lao động còn dùng “chiêu” ký kết HĐLĐ miệng hoặc HĐLĐ dưới 3 tháng với người lao động. Những lao động này, do vậy, ngoài lương ra không được hưởng quyền lợi nào khác, kể cả chính sách thai sản với lao động nữ.
Kết quả thanh tra liên ngành việc thực hiện một số chương, điều của Bộ luật Lao động tại một số DN trên địa bàn tỉnh tiến hành vào cuối năm 2002 đã phát hiện tại Công ty Giày Bình Định và Công ty Thực phẩm xuất nhập khẩu Lam Sơn (hai DN sử dụng nhiều lao động nữ) có hàng trăm lao động hợp đồng lao động mùa vụ dưới một năm, nhưng có người đã làm việc hơn một năm và chỉ ký kết bằng miệng khi vào làm tại công ty, được công ty thanh toán tiền lương- tiền công, BHYT nhưng BHXH thì không được thanh toán. Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nữ công nhân còn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều đơn vị sản xuất sử dụng nhiều lao động nữ chưa tổ chức khám phụ khoa cho họ.
Ngoài ra, lao động nữ còn có nỗi lo bệnh nghề nghiệp do làm việc tại các môi trường có nguy cơ mắc bệnh cao. Bệnh bụi phổi với công nhân sản xuất vật liệu xây dựng; tay đau nhức vì bị đầu tôm đâm phải và nước “ăn” tay do liên tục ngâm bàn tay nước ở ngành chế biến thủy sản là những ví dụ. Khảo sát của Viện Bảo hộ lao động cho thấy, môi trường lao động của ngành thủy sản là môi trường tiềm tàng khả năng gây bệnh vì phải làm việc trong môi trường có độ ẩm cao hơn 90%, thường xuyên tiếp xúc với môi trường có tác nhân sinh học nội dịch gây ngứa, lở loét. Những lao động làm việc với cường độ tập trung cao thường bị chóng mặt, tê mỏi chân tay, đau lưng… Những lao động có thâm niên có thể bị đau nhức kéo dài thành bệnh về xương khớp.
* Chính sách với DN sử dụng lao động nữ: chưa ổn!
Sự mâu thuẫn giữa một bên là thực hiện chính sách lao động nữ theo quy định của Bộ luật Lao động, một bên là lợi nhuận của hoạt động kinh doanh, dẫn đến nhiều DN không muốn nhận lao động nữ. Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 23 ngày 18-4-1996 quy định các chính sách với lao động nữ và DN sử dụng nhiều lao động nữ; Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện. Theo đó, các DN sử dụng nhiều lao động nữ được hưởng các chính sách ưu đãi như: vay vốn với lãi suất thấp từ quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ kinh phí một lần không hoàn lại từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm; được xét giảm thuế. Tuy nhiên, theo nhận xét của các giám đốc DN, các chính sách này đến nay, vẫn “nằm trên giấy”. Ông Lê Thành Hưng phân tích: “Ngành may xuất khẩu thuế suất 0%, thì miễn giảm kiểu nào; cho vay ưu đãi thì lãi suất không thấp hơn lãi suất vay ngân hàng”. Còn ông Nguyễn Mỹ Quang, Phó phòng Chính sách Lao động- Tiền lương (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh) cho biết: “Trước đây, cũng có những DN làm hồ sơ để xác nhận DN sử dụng nhiều lao động nữ. Tuy nhiên, chính sách không thấy đâu, thủ tục hoàn thuế phức tạp, nhiều DN nản”.
Rõ ràng, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ không chỉ là yêu cầu với các DN mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các chính sách ưu đãi với DN sử dụng nhiều lao động nữ. Và đó phải là việc cần sớm được thực hiện.
. Lê Viết Thọ
|