Nhơn Mỹ là một xã nghèo gắn liền với những địa danh lịch sử văn hóa in đậm dấu ấn qua nhiều thời kỳ lịch sử như: Gò Tháp – Tân Kiều, gò Sanh Cây Me – Đại Bình...; núi Kỳ Đông – Bàu Sấu nơi diễn ra trận thủy bối của nghĩa quân Cần Vương do tướng soái Mai Xuân Thưởng chỉ huy quyết chiến với quân Pháp và lính Nam Triều; núi Chùa – Đại An nơi ra đời Chi bộ Hồng Lĩnh – tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên ở các huyện phía nam tỉnh Bình Định. Và mỗi ngọn đồi, mỗi khúc sông, con suối, mỗi xóm làng đều ghi chiến công hiển hách của quân và dân trong kháng chiến chống ngoại xâm. Liền xóm, liền nhà với 2 xã Tây Vinh và Tây An (trước kia là xã Bình An, Tây Sơn), giáp Gò Dài, nơi quân Nam Triều Tiên thảm sát 1.004 người dân vô tội, trong đó có hơn 100 người dân Nhơn Mỹ. Và, Nhơn Mỹ cũng liền đồi, liền gò với xã Cát Tân (Phù Cát) nơi có sân bay Gò Quánh, một trong 4 sân bay quân sự cỡ lớn ở miền Nam.
Là mảnh đất sớm có phong trào yêu nước và đấu tranh cách mạng, có người đã từng làm tướng cho triều Tây Sơn như Đặng Văn Long. Dưới thời thực dân Pháp đô hộ nước ta, nhân dân Nhơn Mỹ tay lấm chân bùn đã liên tiếp tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp, phong trào Duy Tân đòi khất sưu giảm thuế, đòi dân sinh dân chủ... nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo. Ông Huỳnh Đăng Thơ, người làng Đại An, Nhơn Mỹ chính là người sáng lập ra Chi bộ Hồng Lĩnh. Từ những hạt giống đỏ được nhân mầm, nhen nhóm ngọn lửa cách mạng, lan tỏa ra cả huyện An Nhơn và huyện Tây Sơn, Phù Cát. Cũng từ đây, căn cứ cách mạng trong thời kỳ tiền khởi chỉ đạo chuẩn bị cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám – 1945 thành công.
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Nhơn Mỹ là địa bàn vô cùng ác liệt. Kết thúc chiến tranh, toàn xã chưa được 8 ngàn dân mà có gần một ngàn người chết, trong đó có 370 liệt sĩ, 220 thương binh, 23 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Là xã được vinh dự nhận danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên trong huyện An Nhơn và 2 nữ liệt sĩ: Trần Thị Kỷ, Võ Thị Yến được phong Anh hùng đợt đầu.
Thấm thía với những hy sinh mất mát, tự hào về chiến công năm xưa, sau ngày giải phóng, cán bộ và nhân dân Nhơn Mỹ tập trung sức xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội. Từ một vùng đất hoang hóa, chi chít bom mìn; đồng ruộng gập ghềnh bậc thang, đồi gò khô cằn, sau 28 năm cải tạo gắn với xây dựng thủy lợi và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật năng suất cây trồng, vật nuôi không ngừng tăng, thu nhập và đời sống nhân dân khá lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Một xã mà sản lượng lương thực của những năm đầu sau giải phóng chưa năm nào vượt qua 4 ngàn tấn, nay đã lên trên 9.300 tấn. Toàn xã không còn hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 8,24%, thấp hơn mức bình quân toàn huyện 0,62%. Giao thông nông thôn cũng có nhiều biến đổi. Toàn bộ đường liên thôn, liên xóm đều được nâng cấp, trong đó có gần 10 cây số đã trải bê tông xi măng. Những vùng đồi sỏi đá khô cằn ở Thiết Tràng, Thuận Đức, Tân Nghi đã sầm uất khác hẳn ngày trước, nhất là khu Gò Quánh – Thiết Tràng khi mới giải phóng toàn là kẽm gai, bom mìn với cỏ dại nay là trung tâm của xã được quy hoạch, xây dựng khang trang gồm trụ sở làm việc, trạm xá, chợ, trường tiểu học, trường THCS xây dựng tầng hóa, nghĩa trang, nhà lưu niệm Chi bộ Hồng Lĩnh...
Tăng trưởng kinh tế tạo điều kiện thúc đẩy văn hóa – xã hội phát triển. Chương trình xóa đói giảm nghèo, chính sách đối với người có công với nước, sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân đều có những bước khởi sắc, nhất là việc thực hiện các chính sách đối với người có công; thật không đơn giản để thực hiện một cách chu đáo, đầy đủ chính sách đối với một xã có hàng ngàn đối tượng có công, mà Nhơn Mỹ nhiều năm được cấp trên đánh giá là xã thực hiện tốt chính sách thương binh liệt sĩ. 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được phụng dưỡng đến cuối đời, 5 ngôi nhà tình nghĩa và hàng trăm sổ tiết kiệm được tặng cho các gia đình chính sách, hầu hết các gia đình chính sách đang ở nhà đơn sơ đã được hỗ trợ cải thiện nhà ở. Đến ngày Tết, ngày lễ lớn, ngoài phần chế độ chung của Nhà nước, bằng nguồn ngân sách và vận động 2 HTXNN cùng nhân dân đóng góp vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa, xã đã chi tặng mỗi đối tượng từ 40.000 – 50.000 đồng, mức tiền đó chưa phải lớn, nhưng đối với một xã đông đối tượng chính sách nhất huyện như Nhơn Mỹ thì cũng không nhỏ.
Nhớ lại những ngày mới giải phóng, có người còn phải đổ máu vì vướng phải mìn, đầu đạn trên mảnh ruộng khai hoang; đến khi cây mạ xuống đồng còn gặp bao nhiêu thứ khó khăn: thiếu nước, thiếu phân, trình độ canh tác lạc hậu; người dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không đủ ăn, nhất là những lúc giáp hạt, giáp Tết mới thấy những thành tựu đạt được sau 28 năm xây dựng và phát triển thật vô cùng ý nghĩa.
. Trần Duy Đức
|