Kỷ niệm 28 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4):
Khu Đông gạo trắng nước trong...
16:51', 30/4/ 2003 (GMT+7)

Thi công đoạn Cát Tiến - Đề Gi

Khu Đông, với người Bình Định, vừa là niềm nhắc nhở về nguồn cội da diết, vừa gợi nhớ về những tháng năm vất vả, gian lao của cách mạng. Về Khu Đông hôm nay dễ cảm nhận một sự chuyển mình…

* Vành đai trong lửa đạn

Chưa về Khu Đông, trong tôi đã vẳng bên tai lời hát: “Khu Đông gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó đừng mong trở về”. Chưa đặt chân đến Khu Đông, tôi đã nghe nhà văn Nguyễn Trí Huân, một nhà văn có nhiều gắn bó với chiến trường Bình Định, tâm sự: “Lạ lắm. Cả một vùng cát trắng bốn bề. Chỉ ba bước chân là có thể xuống vùng địch. Vậy mà người dân vẫn ở lại, bám trụ cùng cách mạng”.

Án ngữ tầm mắt tôi là dãy núi Bà sừng sững. Trước mắt, đã là những làng mạc như giăng ngang dọc biển. Xen kẽ vào đó là những bãi dài cát trắng, ôm lấy mặt biển xanh như dải lụa. Khu Đông, tôi thầm nhắc trong lòng mình rồi thả những bước chân trần trên mặt cát nóng giãy. Những bước chân nóng bỏng như nhắc nhở trong tôi ký ức về một Khu Đông ác liệt, gian khổ, hy sinh. Một Khu Đông anh hùng.

Đó là vào cuối năm 1962, trước yêu cầu của phong trào, Tỉnh ủy Bình Định thành lập Ban cán sự Khu Đông để bám sát thực tế và trực tiếp lãnh đạo quần chúng. Địa điểm được chọn đóng cứ chính là Hóc Mang trên đỉnh núi Bà, một căn cứ lợi hại trấn giữ phía nam con đèo cắt dọc núi Bà. Nơi đây, với nhiều hang đá hiểm trở, có đường độc đạo nối với các vùng khác, có thể dễ dàng triển khai lực lượng xuống các xã đồng bằng hay rút sâu vào trong núi. Từ chỗ đứng chân đầu tiên, những cơ sở thuộc một số thôn ở các xã đông nam núi Bà được thiết lập rồi mở rộng đến các xã phía đông Tuy Phước, An Nhơn. Năm 1964, khi Ban chỉ đạo tiền phương ra đời, thay cho Ban cán sự. Lúc đầu Ban hoạt động ở Tân Thanh, một hõm núi giáp biển phía đông núi Bà, sau chuyển lên căn cứ ở thôn Lộc Khánh (Cát Hưng). Đây là cơ quan đầu não trực tiếp chỉ đạo cuộc đồng khởi ở Khu Đông.

Ven biển Khu Đông

Rồi chính từ những cuộc tấn công quân sự, những đợt đồng khởi của nhân dân, cuối năm 1964, chính quyền cách mạng đã hình thành ở 23 xã từ bắc Phù Cát, đông Tuy Phước và An Nhơn, kể cả một số thôn ven thành phố Quy Nhơn. Khu Đông nhanh chóng trở thành trọng điểm của các cuộc hành quân tìm diệt của địch.

Ngày tôi về Cát Tiến, người dân nơi đây dẫn tôi ra dải cát ven biển thuộc thôn Trung Lương và kể với tôi về chiến công đánh bại trận càn của một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ ngụy. Còn người dân Cát Hải thì vẫn không quên mối thù tàn sát tập thể của lính Đại Hàn năm 1966. 60 người dân Cát Hải và 50 người dân Cát Tiến đã bị sát hại. Cả Khu Đông khi ấy như bao trùm trong không khí khủng bố và tàn sát. Ông Nguyễn Tự Tín, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cát Tiến, kể: “Cái gian khổ, khốc liệt của những năm tháng đó thì không thể nói hết. Vùng đất mà anh đang đứng đây là vùng trắng, bom đạn cày xới biết bao lần”.

Nhưng lòng dân Khu Đông vẫn một lòng hướng về cách mạng. Cả Khu Đông đã như một vành đai trong lửa đạn. Núi Bà trở thành hậu cứ của chiến dịch Mậu Thân và là căn cứ trung tâm của cuộc kháng chiến cho đến ngày toàn thắng. Nếu núi Bà được xem như thánh địa của cách mạng Bình Định thì Khu Đông là niềm nhắc nhở của nguồn cội da diết.

* Khu Đông chuyển mình

Khu Đông hôm nay đang trong bước chuyển mình. Dứt tiếng súng, tiếng bom, người Khu Đông bắt tay ngay vào xây dựng quê hương. Những cánh đồng lúa đã trĩu hạt, những vùng quê nghèo nay điện tỏa sáng từng nhà. Đường giao thông liên thôn, liên xã nay đã được cải tạo, thảm nhựa, thảm xi măng...

Đi qua khu đông An Nhơn, Tuy Phước, sự đổi thay khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Việc mở mang các nghề dịch vụ, gắn với việc quy hoạch các khu dân cư, trung tâm xã, đã làm sống lại các trung tâm như Cảnh Hàng (Nhơn Phong), cầu chữ Y (Nhơn Hạnh)… Ở đâu, ta cũng bắt gặp những tấm biển đăng ký xây dựng làng văn hóa, rồi hình ảnh những ngôi nhà mái ngói, mái bằng thi nhau mọc lên.

Hãy lấy ngay thôn nghèo Trung Lương (Cát Tiến), nơi hằn trong lòng đất không biết bao nhiêu bom đạn của chiến tranh làm ví dụ. Hiện nay, thôn có khoảng 200 chiếc thuyền, trong đó 160 chiếc có công suất từ 20CV trở lên. Những ghe nhỏ, bám trụ với những rặng đá ven biển, câu tôm hùm giống. Ngày vào vụ, mỗi thuyền có thể bắt từ 10 đến cả 100 con/đêm, giá tôm có ngày lên tới 120.000 đồng/con. Những thuyền công suất lớn, thường xuyên trong những cuộc hành trình đánh bắt ở các vùng biển xa. Mỗi chuyến đi biển, sau khi trừ chi phí, mỗi thuyền cũng còn chừng hơn chục triệu đồng.

Gia đình ông Nguyễn Tổng, một người Trung Lương, là một trong số đó. Chiếc thuyền có công suất 110CV của ông, đầu tư hàng trăm triệu đồng, đã góp phần đem lại đổi thay cho cuộc sống gia đình ông và việc làm cho trên chục thanh niên. Ông nói: “Xưa, tôi cũng tham gia phá ấp, phá kìm, hoạt động cơ sở bí mật, làm du kích… dữ lắm, cũng chỉ mong có được những ngày thanh bình, yên tâm làm nghề. Nay tôi già rồi, nhưng đã có các con nối nghiệp. Được vầy là đã mừng lắm!”.

Ngay tại xã đặc biệt khó khăn Cát Hải, những năm trở lại đây, cùng với nghề trồng hành và những chiếc thuyền làm nghề cá, đời sống người dân đã có nhiều thay đổi. Đến Vũng Rô, đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà mới, khang trang mọc lên ngày càng nhiều hơn. Ông Nguyễn Văn Nhâm, một người dân thôn Vĩnh Hội nói: “Trước đây, nếu về Cát Hải thì không bước được chân đi. Cát lún dữ. Nay thì những con đường đã được cải tạo nhiều”.

Nhưng các xã ven biển Khu Đông vẫn còn những trở lực trên đường phát triển. Khó khăn ấy nằm ngay trong cái khắc nghiệt của cát. Những doi cát bỏng rát, thổi bạt vào mặt người, nóng rát cả thịt da. Tưởng như có chọc sâu vào đáy mặt cát kia, vẫn chẳng thể gặp những tia nước mát ngọt ngào. Và vì thế, người khu Đông vẫn còn phải cơ cực vì nước. Thôn Vĩnh Hội (Cát Hải) chỉ làm được ruộng một vụ vì thiếu nước. Các thôn Chánh Đạt, Trường Thạnh, Hưng Thái (Cát Tiến) người dân phải gánh nước từ giếng trong núi để có nước sinh hoạt. Rồi những con đường, tuy đã cải tạo, vẫn còn là trở ngại cho vật phẩm các thôn làng tìm đến với thị trường. Nhưng người Khu Đông cũng hiểu rằng, không phải quê hương phụ lòng con người, mà bởi con người chưa biết khai phá hết, đánh thức dậy những tiềm năng của một vùng đất đai.

Làm thế nào để Khu Đông đi lên? Ước vọng ấy, tôi hiểu, đã âm ỉ trong lòng mỗi người Khu Đông, từ khi còn là một cậu bé nhắc nhổm đôi bàn chân trên bờ cát nóng. Câu hỏi ấy đi vào lòng mỗi người Khu Đông mỗi khi hiện bóng vào trong đôi mắt cái vệt trắng lạ lùng của bờ cát dài ven biển.

Ngày tôi về khu Đông, ông Đỗ Xuân Thuyên, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, vui vẻ chỉ cho chúng tôi hướng của những cung đường trong tuyến ven biển Nhơn Hội- Tam Quan. Dọc trên đường đi Cát Hải, tôi đã thấy những người thợ tất bật làm việc giữa cái nắng hanh hao và rát mặt gió cát. Trong ánh mắt của người dân nơi đây, tôi như cảm nhận thấy niềm vui ánh lên trong mắt.

Không vui sao được, vì với tuyến đường 110km này, 15 xã với 200 ngàn dân sẽ được hưởng lợi. Đây sẽ là trục giao thông bắc- nam huyết mạch thứ hai (sau quốc lộ 1A) của tỉnh. Những bãi cát rộng ven biển, nhiều tiềm năng du lịch, nuôi tôm và các loại hải sản sẽ được nối thông với thành phố Quy Nhơn đang trên đường phát triển. Theo tiến độ, khi tuyến cầu đường Quy Nhơn- Nhơn Hội hoàn thành, cũng là lúc tuyến đường ven biển thông suốt.

Tôi hình dung, rồi đây, trên cửa Thị Nại, chiếc cầu Quy Nhơn- Nhơn Hội hiện lên sừng sững vững chắc và tin cậy, nối Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai. Nơi đầu cầu ấy, những cung đường sẽ như đôi cánh tay dài, ôm lấy các xã ven biển của Khu Đông. Khi ấy, những người dân Cát Hải sẽ không còn lo về việc vận chuyển những cây hành tìm đến với thị trường. Và trên những bãi cát ven biển sẽ là những khu du lịch, những vùng nuôi tôm được quy hoạch, những thị tứ… mở ra sự đổi thay cho cả Khu Đông…

Tôi nhìn về bờ cát trắng. Giữa những tiếng sóng biển vỗ ầm ào qua năm, qua tháng, bờ cát dài trong nắng, như hừng lên vẻ lung linh, như tấm lòng người Khu Đông thủy chung với cách mạng, như niềm tin của người Khu Đông vào những đổi thay sẽ không còn xa.

Để Khu Đông mãi mãi sẽ là Khu Đông gạo trắng nước trong.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ngày Quốc tế lao động 1-5 – Lịch sử và ý nghĩa  (28/04/2003)
Nhơn Mỹ ngày ấy – bây giờ  (28/04/2003)
Nhiều doanh nghiệp còn bỏ ngỏ  (27/04/2003)
Nghề nạo vét cống  (25/04/2003)
Ăn Tết Lào trên đất Quy Nhơn  (24/04/2003)
Những cuộc hôn nhân chân trời - góc biển  (23/04/2003)
Nghề bán vé số  (23/04/2003)
Cái chữ ở làng Hà Văn Trên  (23/04/2003)
Mưu sinh nơi đất khách  (21/04/2003)
Mãi mãi sáng ngời những di sản tư tưởng vĩ đại của Lê-nin  (21/04/2003)
Số vụ tai nạn giao thông vẫn không giảm  (20/04/2003)
Mười năm thắp sáng những ước mơ  (20/04/2003)
Nhìn vào thị trường bảo hiểm xe máy  (18/04/2003)
Bún cá Quy Nhơn trên đất Sài Gòn  (17/04/2003)
Sẽ được quy hoạch đồng bộ  (16/04/2003)