Xung quanh việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Y tế ở Bình Định: Không dễ triển khai
15:32', 19/5/ 2004 (GMT+7)

Sau một quá trình cân nhắc các giải pháp "tháo gỡ" đối với sự biến động giá thuốc tân dược, Bộ Y tế đã chính thức ban hành Chỉ thị 05 về việc chấn chỉnh công tác cung ứng, sử dụng thuốc trong bệnh viện (BV). Áp dụng vào thực tế tỉnh Bình Định, nhiều ý kiến của các BS cho rằng đây là một biện pháp "mạnh tay" và cần thiết trong thời điểm này nhưng cũng sẽ... khó thực hiện được như ý.

* Gắn trách nhiệm vào giám đốc

Một cửa hàng tân dược trên đường Nguyễn Thái Học - TP Quy Nhơn

Điểm mới của Chỉ thị là Bộ Y tế đã có biện pháp "lôi" các giám đốc BV cùng vào cuộc, quy định trách nhiệm cụ thể của từng giám đốc đối với giá thuốc BV. Theo đó, giám đốc BV là người có trách nhiệm đảm bảo thuốc chữa bệnh theo danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại BV, không để người bệnh nội trú phải tự mua thuốc; tổ chức đấu thầu mua thuốc theo quy định. Giá thuốc tại nhà thuốc BV không được cao hơn giá thuốc bán lẻ trên thị trường tại địa phương cùng thời điểm. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn trong BV. Tổ chức cấp phát thuốc tới các khoa lâm sàng. Nghiêm cấm các cá nhân, khoa, phòng bán thuốc trong BV; cấm các cơ sở kinh doanh dược, trình dược viên liên kết với nhân viên y tế bán thuốc trong khoa, phòng chi phối kê đơn để hưởng hoa hồng. Thực hiện nghiêm túc quy chế thông tin, quảng cáo thuốc.

* Những trở ngại từ thực tế

Ngay khi vừa triển khai Chỉ thị 05, lập tức trong buổi họp giao ban quý I-2004 của Sở Y tế Bình Định đã có nhiều ý kiến phản hồi. Một dược sĩ công tác tại Sở nhìn nhận thẳng vào nguyên nhân được nhấn mạnh trong việc giá thuốc tân dược có sự biến động chính là do các BV không đảm bảo "đủ" các loại thuốc chủ yếu trong danh mục thuốc dẫn đến việc bệnh nhân phải tự mình ra ngoài mua thuốc với giá cao. Tuy nhiên, có một thực tế khác là hàng năm các BV tỉnh Bình Định nhận được một số lượng khá lớn các loại thuốc được tài trợ từ các dự án nhưng không sử dụng hết dẫn đến thừa và để... quá hạn sử dụng.

Việc đấu thầu thuốc sử dụng trong BV cũng được lãnh đạo các BV đem ra buổi giao ban để mổ xẻ. BS Thân - Phó giám đốc BVĐK Bồng Sơn băn khoăn: "Đấu thầu thuốc ở BV thì chúng ta có lợi gì, có nên hay không trong khi 85% thuốc BV đều mua từ Công ty Dược - Trang thiết bị y tế tỉnh". Còn BS Nguyễn Đồng - Phó giám đốc BVĐK tỉnh lại cho rằng: "Đấu thầu là một trong những biện pháp nhằm làm giảm các tiêu cực trong độc quyền giá thuốc. Tuy nhiên, phải cân nhắc thật kỹ nên đấu thầu theo hình thức nào". Thực tế việc đấu thầu thuốc trong BV đã được Bộ Y tế quy định năm 1997 nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất và có nhiều bất cập. Nếu đấu thầu theo từng mặt hàng thì các công ty chỉ tập trung vào các nhóm thuốc có số lượng lớn và lãi suất cao (vì không phải công ty nào cũng có đủ các mặt hàng).

Giám đốc các BV cũng kêu "khó" vì không có cơ sở để đảm bảo giá thuốc BV thấp hơn giá thuốc thị trường. Nhiều BV đã chủ động mua thuốc tận gốc để giảm chi phí "lòng vòng" nhưng vẫn phải nằm dưới sự giám sát của cơ quan thuế. Trong khi đó, thuốc thị trường lại không được quản lý "đầu ra, đầu vào", mặc sức được tung hứng tạo nên sự mất cân bằng trong cạnh tranh.

Bên cạnh đó, việc tổ chức cấp phát thuốc đến tận khoa lâm sàng lại bị giám đốc các BV cho là quá sức, thiếu nhân sự thực hiện. BS Phạm Thị Chức - Phó giám đốc TTYT Quy Nhơn cho biết: "Hiện nay, biên chế khoa Dược của BV rất mỏng. Cả khoa dược chỉ có duy nhất một dược sĩ đại học có quyền phân phối thuốc về tất cả các khoa phòng nên sẽ không đảm trách nổi". Đối với BV tuyến tỉnh cũng chỉ có 6 dược sĩ đại học. Trước đây, việc lĩnh thuốc là của số đông y tá, nay tập trung cho một vài nhân viên khoa dược. Bên cạnh đó, vai trò của Hội đồng thuốc hầu như rất mờ nhạt nên vấn đề thông tin thuốc trong BV chưa thật sự được quan tâm đúng mức.

Song có lẽ "nhức nhối" nhất vẫn là tình trạng vi phạm nghiêm trọng Quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn. Quy chế này được ban hành năm 1995 nhưng đã bị "coi thường". Đến năm 2003, Bộ Y tế lại ra quyết định chỉ cần lưu đơn với các thuốc gây nghiện, vô hình chung tiếp tay cho các BS được… phóng bút kê toa. Mặt khác, việc các BS tiếp tay cho trình dược viên hay chính mình làm trình dược viên tại BV gần đây đã được bàn đến như chuyện thường ngày. Dù Sở Y tế đã có văn bản cấm các hoạt động trình dược tại BV cách đây vài năm nhưng thống kê không chính thức, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 40 trình dược viên hoạt động chưa có báo cáo, chưa có thẻ hành nghề trình dược. Nói chung là không được quản lý bài bản. Bác sĩ làm việc tại BV kiêm nghề trình dược viên đã tạo thành gọng kìm chẹt người bệnh bằng giá thuốc cao ngợp mắt.

Sự thật càng trở nên bức bách hơn khi chính BS Nguyễn Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở phải cay đắng xác nhận: "Trong danh sách các bác sĩ BV làm trình dược viên do Bộ gởi về thì Bình Định có số lượng rất nhiều, bao gồm cả trưởng, phó khoa".

* Sở sẽ học tập nếu có mô hình mới!

Phải làm sao đảm bảo đủ thuốc chủ yếu theo danh mục, phải triệt tiêu "nạn" bác sĩ, cán bộ, công nhân viên BV làm tiếp thị thuốc thì mới mong đưa giá thuốc trở lại nhịp độ bình thường. Đó là ý kiến chung của các giám đốc BV. Theo chủ trương của ngành y tế, đối với các quy định trong Chỉ thị 05, dù có khó khăn cũng phải thực hiện. Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Ngọc Trọng khẳng định: "Bình ổn giá thuốc là chuyện phải làm xong trong năm 2004. Nếu giám đốc nào thấy khó, làm không được thì nên từ chức, để người khác làm".

Với tinh thần đó, BS Nguyễn Thị Thanh Bình phát biểu: "Nếu có BV nào phát hiện được mô hình mới, Sở sẽ cử người đi học tập ngay để về triển khai". Có nghĩa là ngành y tế đang "khôi phục" lại trách nhiệm quản lý của mình đối với mặt hàng thuốc tân dược.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xung quanh việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Y tế ở Bình Định: Không dễ triển khai   (19/05/2004)
Người thờ Bác Hồ trong vùng địch   (19/05/2004)
Ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định tại diễn đàn Quốc hội khóa XI  (18/05/2004)
Cây đại thụ của đường Hồ Chí Minh  (18/05/2004)
Thi tốt nghiệp tiểu học năm học 2003-2004: Vì Luật nên... phải thi  (18/05/2004)
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công tác giáo dục, nghĩ về nền giáo dục hiện nay   (17/05/2004)
Để trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng   (17/05/2004)
Chuyện ghi ở Trung tâm giáo dục lao động - xã hội Bình Định  (16/05/2004)
Những người sống cạnh… người chết  (14/05/2004)
Công nhân nhảy xưởng  (13/05/2004)
Thông tin thêm về vụ một học sinh tự tử tại An Lão: Tiếng nói của những người trong cuộc   (12/05/2004)
Công tác quy hoạch cán bộ: Những kết quả bước đầu   (12/05/2004)
Lấn chiếm đất đai ở Phú Hậu - S.O.S  (11/05/2004)
An toàn giao thông đường thủy: Còn quá nhiều nỗi lo!   (10/05/2004)
Một công dân ở Cát Chánh bị đánh "hội đồng"   (10/05/2004)