Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác- Lênin với tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, được nâng cao và làm phong phú thêm từ thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. 74 năm qua, Tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng và của dân tộc.
Thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới", Bình Định đã tổ chức đợt tuyên truyền, giáo dục sâu rộng Tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời tổ chức Hội thi Báo cáo viên giỏi về Tư tưởng Hồ Chí Minh từ cơ sở đến tỉnh, tạo ra được phong trào mang tính xã hội sâu rộng góp phần thống nhất nhận thức, củng cố niềm tin tuyệt đối đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đối với tư tưởng và sự nghiệp của Người. Nhiều cấp ủy đảng, các ngành, các đoàn thể đã phát động phong trào hành động cách mạng đưa Tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn; làm theo tư tưởng, đạo đức, lối sống cao đẹp của Người; nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; khắc phục những biểu hiện tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, liên hệ vận dụng đúng đắn, sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, của ngành, đoàn thể, đơn vị, đối với bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên.
Tuy nhiên, để cho chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống chính trị tinh thần của xã hội ta, trong thời gian đến chúng ta cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả một số công việc chủ yếu sau đây:
Trước hết, phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh một cách thường xuyên, lâu dài, liên tục, đảm bảo tính khoa học, gắn với thực tiễn, nói đi đôi với làm. Sinh thời, Bác Hồ dạy cán bộ, đảng viên "nói thì phải làm". Người cán bộ, đảng viên không chỉ có nói được mà quan trọng hơn là phải làm cho bằng được thì nhân dân mới tin yêu và đi theo, điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm gương trong công tác, lao động và học tập. Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu, là sự thống nhất giữa tư tưởng và hoạt động thực tiễn, giữa nói và làm.
Hai là, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, tự giác của mỗi người, của các cấp, các ngành trong việc vận dụng đúng đắn, sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết những vấn đề thực tiễn của địa phương, đơn vị mình. Học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh để hành động tốt hơn và rèn luyện bản thân mình cao đẹp hơn. Học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao nhận thức, biết được những điểm mới, điều hay trong tư tưởng của Bác là rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn là hành động và rèn luyện con người theo tư tưởng của Bác. Vì vậy phải gắn việc học tập với liên hệ trách nhiệm chính trị và rèn luyện đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên tạo chuyển biến mới trong mỗi tổ chức, cá nhân.
Ba là, phải đẩy mạnh giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhà trường, đây là vấn đề hết sức cơ bản trong chiến lược nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh. Để cho chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh có được sức mạnh mới, sức sống mới trong các thế hệ học sinh, sinh viên hôm nay và mai sau phải bắt đầu từ nhà trường. Khi ra trường học sinh, sinh viên sẽ vận dụng tri thức, quan điểm đã được học để hành động. Chúng ta biết rằng những tư tưởng lớn của loài người sở dĩ còn đến ngày nay là nhờ đi vào nhà trường và từ nhà trường đi vào cuộc sống.
Cuối cùng, là phải hết sức coi trọng tuyên truyền, giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua phương tiện văn hóa thông tin, văn hóa nghệ thuật. Bởi vì, một hệ tư tưởng có sức sống mạnh nhất, lâu bền nhất là khi nó chuyển qua tồn tại dưới trạng thái văn hóa. Một bài thơ, một bộ phim, một vở kịch, một ca khúc về Bác… luôn có sức lay động trong tâm hồn con người và từ đó lan tỏa đến người khác.
. Nguyên Hùng |