Trong những năm qua, đời sống của người dân huyện miền núi Vĩnh Thạnh đã từng bước được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã vượt qua được đói nghèo vươn lên khá giả. Có được kết quả đó là sự quan tâm giúp đỡ của các hội đoàn thể trên địa bàn huyện, trong đó có Hội Nông dân.
|
Thu hoạch mía tại Vĩnh Quang, Vĩnh Thạnh |
Huyện Vĩnh Thạnh hiện có trên 5.464 hộ dân, trong đó có trên 85% số hộ làm nông nghiệp. Diện tích đất khá lớn nhưng do trình độ sản xuất của nông dân còn nhiều hạn chế, nhất là ở các xã vùng cao, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để giúp nông dân tháo gỡ những khó khăn trên, Hội Nông dân đã phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn huyện vận động nông dân các địa phương tích cực hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của UBND tỉnh; dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai của từng địa phương và nhu cầu tiêu thụ của thị trường để hướng dẫn cho nông dân sử dụng các giống cây, con mới đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, xây dựng nhiều mô hình trình diễn các loại giống cây, con để nông dân được "mắt thấy tai nghe" về hiệu quả kinh tế để rồi từng bước nhân rộng mô hình. Đối với những hộ gia đình, gặp khó khăn về vốn thì được Hội tạo điều kiện để được vay vốn để đầu tư sản xuất. 6 tháng đầu năm nay, đã có 15 nông dân ở các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hảo được vay 25 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ vốn của hội và 54 nông dân khác được vay 434 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách huyện để đầu tư nuôi bò lai, dê, trồng điều…
Bằng những hoạt động thiết thực, Hội Nông dân đã tạo được lòng tin trong nhân dân và thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia vào sinh hoạt hoạt hội. Đến nay, Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh đã có trên 5.300 hội viên, trong đó có 1.516 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp. Phần lớn các hội viên đều đã biết định hướng trong sản xuất. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất lúa nước để tạo nguồn lương thực tại chỗ, nhiều hội viên đã tiến hành cải tạo vườn rừng để phát triển kinh tế trang trại, sản xuất hàng hóa. Tiêu biểu như hộ ông Đinh Zol ở xã vùng cao Vĩnh Sơn đã trồng được 2 ha cà phê, 1 ha quế, 500 cây bời lời, 500 cây sầu riêng, 16 ha ruộng nước thu nhập 16 triệu đồng/năm. Ông Lê Kim Anh ở thôn An Nội, xã Vĩnh Thịnh cải tạo 12 ha đất đồi rừng xây dựng trang trại nuôi cá, trồng cây lâu năm, chăn nuôi bò lai, thu nhập trên 30 triệu đồng/năm…
Ông Phan Thanh Lịch, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh cho biết: "Trong những năm qua, các hoạt động trọng tâm của Hội như: phong trào nông dân thi đua SXKDG, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thi đua xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã và đang được nông dân các địa phương hưởng hứng mạnh mẽ. Để thu hút nông dân tham gia vào hội, hội sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay, phối hợp với các hội đoàn thể tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, bảo vệ lợi ích chính đáng cho nông dân.
. Phạm Tiến Sỹ |