|
VĐV Trương Ngọc Tuấn |
Suốt mấy ngày nay, người hâm mộ thể thao cả nước đã và đang náo nức về thành tích của các VĐV đoàn thể thao Việt Nam. Trong số những huy chương của thể thao Việt Nam có 1 tấm huy chương cực kỳ quý giá. Đó là tấm huy chương bạc (HCB) bộ môn bơi lội của VĐV Trương Ngọc Tuấn.
Nhắc đến tên Trương Ngọc Tuấn hẳn những người yêu thích bộ môn bơi lội tỉnh nhà đều biết vì anh từng là kình ngư số I của bơi lội Bình Định. Trương Ngọc Tuấn sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống về bơi lội: Cha của Tuấn là ông Trương Ngọc Thành, cựu HLV Đội tuyển Bơi lội Bình Định - một "đại kình ngư" nổi tiếng từng đoạt HCĐ cự ly 100m bướm tại Đại hội Thể thao Ganefor ở Campuchia năm 1966; Mẹ: Quách Kim Dung, vô địch quốc gia cự ly 100m ếch (năm 1964); chú: Trương Ngư, cựu VĐV Đội tuyển Bơi lội quốc gia - HCĐ cự ly 100m tự do tại Đại hội Thể thao Ganefor 1966; anh ruột: Trương Hải Phong, VĐV Đội tuyển Bơi lội quốc gia, từng nhiều năm liên tục giữ kỷ lục các cự ly 50m, 100m, 200m ngửa…
Thừa hưởng "gen bơi lội" của gia đình, ngay từ lúc còn thơ ấu Trương Ngọc Tuấn đã bộc lộ những năng khiếu khá đặc biệt. Mới 4 tuổi Tuấn đã được mẹ tập bơi. Khoảng những năm đầu thập kỷ 80, hàng ngày cậu bé Tuấn được ba, mẹ cho đến tập bơi tại bể bơi Ba Đình và Tăng Bạt Hổ (Hà Nội). Năm 1988 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với "nghiệp bơi" của Trương Ngọc Tuấn. Năm này, Tuấn cùng gia đình chuyển vào TP Quy Nhơn - Bình Định. Ông Trương Ngọc Thành được mời làm HLV còn Tuấn được vào học Trường Năng khiếu TDTT Nghĩa Bình (nay là Bình Định). Mới "chân ướt, chân ráo" vào Quy Nhơn, tháng 7-1988 Tuấn được cử tham dự Giải bơi Vượt sông Truyền thống Bạch Đằng toàn quốc tại TPHCM, được BTC trao "Giải VĐV nhỏ tuổi nhất có nhiều triển vọng". Hai năm tiếp theo (1988, 1989), Tuấn lại được tham dự Giải bơi Trẻ - Thiếu niên - Nhi đồng toàn quốc và Giải bơi Vượt sông Truyền thống Bạch Đằng toàn quốc. Sau những lần "thử nước" nói trên, năm 1991, tại Giải bơi Trẻ - Thiếu niên - Nhi đồng toàn quốc (tổ chức tại Đà Nẵng), Trương Ngọc Tuấn đã xuất sắc đoạt 1 HCV, 1 HCB cự ly 200m và 100m ngửa. Đây là 2 tấm huy chương đầu tiên trong sự nghiệp của Tuấn.
Ngay năm sau (1992), Tuấn trở thành "ngôi sao nhỏ" của bơi lội Việt Nam. Tại Hội Khỏe Phù Đổng (HKPĐ) toàn quốc lần thứ III, mỗi VĐV chỉ được quyền đăng ký dự thi 3 cự ly bơi thì cả 3 cự ly 50m, 100m, 200m ngửa Tuấn đều đoạt HCV, phá 1 kỷ lục HKPĐ ở cự ly 100m ngửa (thành tích 1phút, 11 giây) và nêu 2 kỷ lục mới ở cự ly 50m (ngửa: 33 giây 02, 200m ngửa: 2 phút 34 giây). Với thành tích này, Tuấn được bầu chọn là 1 trong 4 VĐV xuất sắc nhất HKPĐ.
Kể từ năm 1994, Trương Ngọc Tuấn trở thành "ngôi sao" trên đường đua xanh. Đầu năm này, cùng với 2 VĐV Trần Duy Mỹ và Nguyễn Trọng Nghĩa, Tuấn được chọn vào Đội Dự tuyển bơi lội Việt Nam đi tập huấn tại Hungari. Chỉ trong một thời gian ngắn tập luyện, Tuấn đã tiến bộ nhanh chóng. Tháng 8-1994, tại Giải bơi lội quốc gia Hungari tổ chức tại Budapes, Tuấn đã xuất sắc phá 3 kỷ lục quốc gia (KLQG) của Việt Nam ở các cự ly 200m tự do, 100m và 200m ngửa. Trong đó, cự ly 200m tự do Tuấn bơi đạt thành tích 2 phút 06 giây 69, phá kỷlục của Đặng Anh Tuấn (An Giang) lập tháng 4-1993 và cự ly 100m ngửa, Tuấn bơi đạt 1 phút 3 giây 31, phá kỷ lục của anh trai Trương Hải Phong lập tháng 11-1992 (1 phút 04 giây 34).
Thế rồi, chỉ khoảng 1 năm sau, Trương Ngọc Tuấn đã xuất sắc vươn lên chiếm lĩnh 5 KLQG ở các cự ly 100m ngửa (1 phút, 2 giây 24), 200m ngửa (2 phút 13 giây 9), 200m hỗn hợp (2 phút 16 giây 53), 100m tự do (56 giây 53) và 200m tự do (2 phút 3 giây 53). Trong số 5 KLQG của Tuấn, kỷ lục 100m tự do có thể xem là "Kỷ lục vàng" vì đây là kỷ lục mà đại kình ngư Tô Văn Vệ thống lĩnh suốt 15 năm trời (1980).
Với kết quả đạt được qua chuyến tập huấn ở Hungari, Trương Ngọc Tuấn được Tổng cục TDTT (nay là Ủy ban TDTT) và Hiệp Hội thể thao Dưới nước chọn vào Đội Tuyển bơi lội quốc gia dự SEA Games 18. Tại ChiangMai (Thái Lan), Tuấn là VĐV bơi lội duy nhất của Việt Nam được lọt vào vòng chung kết. Đáng tiếc, tại SEA Games này, Tuấn và Đội Tuyển bơi lội Việt Nam đã không giành được tấm huy chương nào. Tuy nhiên, ngay sau khi về nước, Trương Ngọc Tuấn tiếp tục tham dự Giải bơi lội cúp các VĐV xuất sắc toàn quốc (12-1995). Tại giải này Tuấn tiếp tục phá tiếp 2 KLQG cự ly 200m tự do và 200m hỗn hợp mà mình lập ở Hungari và được BTC Giải trao "Cúp VĐV xuất sắc nhất".
Tiếp đó, cùng với Duy Mỹ, Tuấn là 1 trong 2 VĐV của Việt Nam được chọn tham dự Giải Vô địch bơi lội châu Á, tổ chức tại Thái Lan. Tại đây, Tuấn tiếp tục rút ngắn thời gian bơi cự ly 100m tự do xuống còn 56 giây 13 (kỷ lục cũ Tuấn lập tại SEA Games 18 là 56 giây 33). Với kết quả này, năm 1996, Tuấn là nam VĐV bơi lội duy nhất của Việt Nam được chọn tham dự Thế vận hội Olympic Atlanta 96….
Trong suốt nhiều năm liền, Trương Ngọc Tuấn là kình ngư số I của bơi lội Việt Nam. Điều đáng nói, nếu như các VĐV bơi lội khác hầu như chỉ "chuyên" một vài cự ly bơi nào đó thì Tuấn là một VĐV khá hoàn hảo. Hầu hết các kỹ thuật bơi (sải, bướm, ngửa, hỗn hợp, tự do…) Tuấn đều tỏ ra thành thạo. Bên cạnh ưu thế về chiều cao, thể hình, sải tay dài, Tuấn là VĐV bơi có tốc độ cao, ổn định và sức bền tốt. Bấy giờ, nhiều chuyên gia bơi lội của Hungari, Trung Quốc đã nhận định: Trương Ngọc Tuấn sẽ là kình ngư tương lai của Việt Nam. Thế nhưng, vì những lý do "tế nhị" trong suốt nhiều năm qua Trương Ngọc Tuấn bị "treo giò". Nhiều giải đấu quan trọng của quốc gia, khu vực anh không được chọn tham dự. Song, Tuấn không hề nản chí. Hàng ngày, anh vẫn âm thầm tập luyện. Ở độ tuổi 27 như Tuấn, trong khi những người cùng thời như Duy Mỹ, Trọng Nghĩa… đều đã "giã từ đường bơi" thì Tuấn vẫn miệt mài tập luyện.
Chuẩn bị cho SEA Games 22, mặc dù đã lớn tuổi, Trương Ngọc Tuấn vẫn được gọi vào Đội Dự tuyển bơi lội Việt Nam. Với những quyết tâm trong tập luyện, Tuấn được chính thức đứng trong đội hình Đội tuyển Bơi lội Việt Nam dự SEA Games 22. Và rồi, những quyết tâm, nỗ lực của Tuấn đã được đền đáp. Ở cự ly 200m ngửa, Trương Ngọc Tuấn đã lọt vào vòng chung kết với thành tích 2 phút 12 giây 58 (xếp thứ 5 trong số 10 VĐV). Đặc biệt, ở VCK, Tuấn đã vượt lên về đích thứ nhì, với thành tích 2 phút 04 giây 11, phá KLQG và xuất sắc đoạt HCB. Đây là tấm HCB cực kỳ quý giá đối với bơi lội Việt Nam và Tuấn nói riêng. Xin chúc mừng Trương Ngọc Tuấn!
VIẾT HIỀN
|