Để sân khấu truyền thống không xa lạ với giới trẻ
17:35', 10/7/ 2003 (GMT+7)

Theo dự kiến, từ tháng 9 đến tháng 12 năm nay, Dự án Sân khấu học đường (DA SKHĐ) chính thức được triển khai tại Bình Định. Đây là một con đường để đưa sân khấu truyền thống (SKTT) tiếp cận giới trẻ.

* Đưa SKTT vào học đường

Hát bội đang dần xa lạ với lớp trẻ

Theo PGS-TS Đặng Cảnh Khanh (Viện Nghiên cứu Thanh niên- TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), hiện đang tồn tại mối lo lắng về sự xa lánh của con người hiện đại đối với các hình thức văn hóa- văn nghệ dân gian, đặc biệt với thế hệ trẻ. Điều tra xã hội học của Viện Nghiên cứu Thanh niên tiến hành trên 800 hộ gia đình cho thấy: những người thích chèo chỉ còn 48,8%; những người không thích và không quan tâm là 51,2%; tỷ lệ này với loại hình cải lương là 43,4% và 56,6%; quan họ là 56,5% và 53,5%; tuồng là 79,4% và 20,6%; múa dân gian là 75,9% và 24,1%. Với lớp trẻ, sự say mê này giảm sút ghê gớm. Loại hình văn hóa dân gian duy nhất còn cuốn hút được giới trẻ là múa rối nước cũng chỉ còn chiếm 37,9% người ham thích so với 62,2% không thích và không quan tâm.

Nhưng vấn đề không còn là trả lời câu hỏi "có hay không", hay lo lắng chỉ để mà lo lắng, vấn đề cốt yếu là phải nhanh chóng "tiếp thị" nghệ thuật truyền thống với giới trẻ, để các em, ngay từ thời thơ nhỏ của cuộc đời, không còn cảm thấy xa lạ với những bộ môn nghệ thuật dân tộc.

Đưa SKTT vào học đường, dạy âm nhạc dân tộc và vốn âm nhạc địa phương cho các em… không chỉ nhằm khơi dậy ý thức tự hào của các em, mà còn giúp các em hiểu và yêu thích những môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc và quê hương.

DA SKHĐ là một trong những bước đi tích cực đầu tiên của hướng đi này. Năm 2003 này, Bình Định sẽ là một trong 5 tỉnh trong cả nước được chọn để triển khai DA. Tuy có muộn màng so với các địa phương khác, nhưng việc triển khai DA mở ra thật nhiều hy vọng cho những người nặng lòng với các bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Theo dự kiến, DA sẽ được thực hiện trong ba tháng, từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2003, với tổng kinh phí khoảng gần 100 triệu đồng cùng việc đầu tư thêm một số thiết bị âm thanh, ánh sáng khác.

* Triển khai DA SKHĐ tại Bình Định: nhiều thuận lợi

Đó là khẳng định của NSƯT Hòa Bình, Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Quả vậy, ngoài việc là một cái nôi của nghệ thuật Tuồng, với những người dân rất yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống này thì ở Bình Định đã bước đầu đưa SKTT vào học đường từ hơn 5 năm nay với mô hình Câu lạc bộ Em yêu tiếng hát dân ca và tuồng (CLB) tại Trường THCS Quang Trung.

Lúc đầu, CLB này chỉ có khoảng 50 em học sinh khối 8, sinh hoạt một tuần một giờ đồng hồ vào ngày thứ năm, chủ yếu học hát dân ca ba miền. Sau đó, CLB mời một số diễn viên của các đoàn nghệ thuật truyền thống trong tỉnh hướng dẫn cho các em và thử nghiệm đưa làn điệu tuồng vào dạy. Trưng Nữ Vương đề cờ là trích đoạn đầu tiên được tập thử nghiệm và thành công đến bất ngờ. Các nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng tỏ ra ngạc nhiên: "Các diễn viên học trong nhà trường chính quy, cần những hai, ba năm để có thể trình diễn một trích đoạn tuồng, vậy mà các em…". Từ trích đoạn đầu tiên Trưng Nữ Vương đề cờ, đến nay, 7 trích đoạn tuồng đã được các em biểu diễn khá thành công. Cách xử lý làn điệu dân ca, điệu bộ khi diễn tuồng của những nghệ sĩ nhỏ tuổi này, chắc chắn là chưa thể so với các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Chỉ biết chắc chắn một điều: các em đã đến với nghệ thuật truyền thống bằng một sự trân trọng, say mê với nghệ thuật truyền thống dân tộc. Từ những đội viên CLB làm nòng cốt, phong trào hát tuồng và dân ca đang phát triển trong toàn trường. Theo nhận xét của nhạc sỹ Nguyễn Hữu Thuần, một trong hai người phụ trách CLB: "Việc học hát tuồng và dân ca khi đã bố trí phù hợp thì hoàn toàn không ảnh hưởng mà ngược lại, còn giúp cho việc học của các em. Thành viên của CLB hiện nay, chủ yếu là học sinh khá, giỏi trong học tập".

Kinh nghiệm bước đầu của việc tiếp thị SKTT với giới trẻ của CLB là rất quý để triển khai DA SKHĐ thời gian tới. Theo dự kiến, DA SKHĐ sẽ được triển khai tại ba trường THCS trên địa bàn tỉnh. NSƯT Hòa Bình cho biết, sẽ lựa chọn các trường tại các địa phương có phong trào hát Tuồng và người dân yêu thích Tuồng, và tiêu biểu cho các vùng địa lý đặc trưng của tỉnh, Tại mỗi trường, sẽ tuyển chọn một nhóm từ 15 đến 20 học sinh lớp 8, yêu thích nghệ thuật truyền thống và Nhà hát Tuồng Đào Tấn sẽ chịu trách nhiệm về nội dung giảng dạy, truyền thụ bộ môn nghệ thuật Tuồng đến với các em.

DA sẽ tiến hành theo ba bước. Đầu tiên, các nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Đào Tấn sẽ đến nói chuyện về nghệ thuật Tuồng, và biểu diễn minh họa một số trích đoạn, giao lưu với các em bằng cách đặt ra các câu hỏi để các em trả lời. Từ đó, giúp các em có những hiểu biết ban đầu về nghệ thuật Tuồng và sẽ diễn vở diễn dài, trong đó đã bao gồm các trích đoạn mà các em sẽ tập trong thời gian tới. Bước 2: sẽ tổ chức tuyển chọn tại mỗi trường một nhóm từ 15 đến 20 em yêu thích nghệ thuật truyền thống và triển khai dạy các trích đoạn. Các trích đoạn được chọn phải có nhiều hành động, ít hát. Bước 3 sẽ tổ chức báo cáo, tổng kết DA. Sau khi kết thúc DA, không chỉ hiểu, yêu thích nghệ các em có thể diễn được các trích đoạn.

Tuy nhiên, với một DA chỉ tiến hành trong 3 tháng, với một số lượng học sinh tham gia rất hạn chế thì chỉ có thể xem là một bước khởi đầu trên con đường dài tiếp thị SKTT với giới trẻ. Thời gian chỉ ba tháng, có chăng, cũng chỉ đủ để khơi gợi trong các em niềm yêu thích, say mê với nghệ thuật truyền thống. Sau khi DA kết thúc, vấn đề là phải tiếp tục nhân rộng và duy trì hình thức tiếp thị SKTT này với thế hệ trẻ. Để rồi, từ những hạt nhân ban đầu như vậy, SKTT sẽ tìm lại được người xem của mình.

Hơn thế, biết đâu, trong số những "nghệ sĩ" nhỏ tuổi hôm nay, sẽ có những em lóe sáng tài năng, và trở thành người kế thừa ngày mai của SKTT.

. Lê Viết Thọ 

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhìn lại bóng đá Bình Định mùa giải năm 2003  (09/07/2003)
Khai quật mộ chum 2000 tuổi  (08/07/2003)
Làng văn hóa Hà Ri  (06/07/2003)
Trong tương lai không xa, cờ tướng Bình Định sẽ phát triển mạnh  (04/07/2003)
Người hâm mộ nói gì khi đội bóng đá Bình Định đăng quang?  (02/07/2003)
Bên lề sân cỏ  (02/07/2003)
Luciano – Người đứng sau vinh quang của đội bóng  (02/07/2003)
Bóng đá và một trang nhật ký viết chung  (02/07/2003)
Trong niềm vui ngất trời  (02/07/2003)
Hai hay và một chưa hay  (02/07/2003)
Bóng đá Bình Định- Hành trình đến vinh quang   (02/07/2003)
Bình Định đoạt Cúp quốc gia   (03/07/2003)
Xây dựng nhà rông văn hóa - Nhu cầu bức thiết   (02/07/2003)
Đôi nét về hai cổ vật Chămpa đưa đi triển lãm tại Áo và Bỉ  (30/06/2003)
HLV Dương Ngọc Hùng: Chúng tôi đang có cơ hội rất thuận lợi  (30/06/2003)