Một buổi chiều chập choạng, trong sân ngôi cổ tự có hàng cây đại thụ cao vút, tôi bắt gặp Vadim trong bộ võ phục đang thi triển một bài kiếm thật lạ mắt. Kiếm pháp như có thần, thân pháp thật điêu luyện, ánh kiếm loang loáng sáng lóa trong màn hoàng hôn đang từ từ buông xuống.
|
Vadim |
Chàng trai Nga tên Vadim say mê võ Việt đến lạ lùng. Anh đã nhiều lần đến và viếng thăm khắp các địa danh nước Việt. Những nơi lưu dấu các dòng võ dân tộc nổi tiếng như Bình Định, Huế, Thanh Nghệ..., bước chân anh đều đã từng đặt tới. Nghe anh nói rành rẽ lịch sử từng môn võ, người am tường về võ cũng phải ngạc nhiên.
Vadim xuất thân trong một gia đình thể thao chuyên nghiệp. Dòng máu ấy chảy trong huyết quản của anh. Lên 8 tuổi,Vadim đã được người nhà dẫn đến câu lạc bộ tập luyện. Bước vào trung học, anh là tay đập có hạng của đội bóng chuyền nhà trường. Tốt nghiệp đại học thể dục - thể thao, làm giáo viên chuyên huấn luyện điền kinh và bóng rổ phong trào, anh cứ tưởng đâu định mệnh đã an bài...
Cho đến một ngày các võ sư VN "đổ bộ" ào ạt vào thành phố Minsk của Belarus dạy võ theo một hợp đồng dài hạn. Những thông tin quảng bá trên báo chí cùng hình ảnh các võ sư thi triển võ công đã thu hút nhiều người, trong đó có anh. Vadim nhớ lại: "VN đối với tôi vừa gần gũi vừa xa lạ. Khi lớn lên, dư âm về cuộc chiến VN chỉ còn trong câu chuyện kể. Lúc ấy có nhiều, người VN đến học tập và làm việc trên đất Nga chúng tôi. Thú thật, thế hệ chúng tôi không thân thiện với họ như thế hệ cha anh mình. Khi trở thành môn đồ của môn phái võ Việt, tôi đã có cái nhìn khác về con người và đất nước các bạn".
Đó là vào năm 1990, Vadim khăn gói đến tận xứ sở Bạch Nga theo học môn Thanh Long võ đạo do đích thân võ sư Lê Kim Hòa truyền dạy. Võ thuật có sức cuốn hút lớn - Vadim gác lại mọi việc, theo thầy chuyên tâm khổ luyện. Do có tư chất, Vadim tiến bộ rất nhanh.
Với anh, các môn võ phương Đông không còn nằm trong sách vở hay phim ảnh nữa, mà thật sự anh đang từng ngày, từng giờ chiêm nghiệm nó. Anh cảm nhận được sức mạnh kỳ lạ của võ thuật có thể phát huy những khả năng vô tận tiềm ẩn trong mỗi con người, điều mà các môn thể thao hiện đại không bao giờ làm được.
Qua những bài quyền, những lời thiệu phải thuộc nằm lòng, như mưa dầm thấm lâu, anh trở nên nhập tâm từ lúc nào các bài học về những nhân vật lịch sử VN với bao chiến công lừng lẫy. Cho đến ngày anh thấu hiểu đâu là sức mạnh tinh thần của võ cổ truyền, anh mới ngộ ra hai chữ cơ duyên của người học võ.
Võ sư Lê Kim Hòa rất hài lòng về người học trò "ruột" của mình. Mỗi lần qua VN, Vadim đều đến ở tại nhà ông ở Thủ Đức. Vùng ngoại ô còn yên tĩnh này thật lý tưởng cho việc luyện võ.
Một thầy một trò, Vadim từ từ lĩnh hội được khẩu quyết và đi vào lối học tâm truyền để bước qua cảnh giới cao hơn của võ thuật. Hai thầy trò tình cảm thân thiết như vậy, nhưng thầy vẫn rất mực nghiêm khắc trong việc xác định đẳng cấp. Đằng đẵng 14 năm khổ luyện, Vadim cũng chỉ mới được phong chuẩn võ sư cấp 17.
Đẳng cấp tuy còn khiêm tốn nhưng Vadim được thầy tin cậy ủy quyền quản lý tất cả các võ đường Thanh Long võ đạo ở Nga và một số nước cộng hòa cũ. Đến nay Thanh Long võ đạo phát triển 12 võ đường và bốn chi nhánh ở khắp nước Nga mênh mông, với hơn 1.500 môn sinh các dân tộc thường xuyên tập luyện.
. Theo Tuổi trẻ chủ nhật
|