CHỊ ĐỒNG THỊ ÁNH, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH XUẤT NHẬP KHẨU ÁNH VIỆT:
Tôi cố làm là để chia sẻ với người khó hơn mình...
8:10', 22/12/ 2007 (GMT+7)

Hơn 50 tuổi chị vẫn đẹp, một vẻ đẹp khỏe khoắn, giản dị và phúc hậu. Có lẽ thế mà khi về xã Canh Hòa (Vân Canh) làm từ thiện, một phụ nữ miền núi không quen biết đã đến ôm chầm lấy chị xuýt xoa, bày tỏ sự ngưỡng mộ rồi về nhà mang hũ mật ong rừng biếu chị... Tôi vốn không thích những nhân vật có cuộc đời suôn sẻ, viên mãn nhưng với chị Ánh, tôi thích cái triết lý sống của chị: làm ra là để cho những người nghèo khổ hơn mình! Và chính điều ấy đã giúp chị nhận được nhiều thứ từ cuộc đời...

 

Chị Đồng Thị Ánh đang tặng quà cho trẻ em khó khăn ở vùng cao.

 

* “Bông hồng vàng”

Trung tuần tháng 12.2007, chị Đồng Thị Ánh tất bật hơn khi phải làm “diễn viên chính” cho bộ phim “Những Bông hồng vàng” do Trung tâm Hợp tác báo chí truyền thông quốc tế thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thực hiện. Các đạo diễn đã “quay” chị như con thoi, lúc thì yêu cầu chị “sắm vai” giám đốc chỉ đạo sản xuất ở nhà máy lúc lại “sắm vai” người mẹ, người vợ hiền với sự thuần thục trong công việc chợ búa, cơm nước... Theo công văn giới thiệu của Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn thì đây là bộ phim giới thiệu những doanh nhân nữ của Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế. Phim là tài liệu cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền nhân dịp năm mới 2008. Sẽ có 70 nước trên thế giới được giới thiệu bộ phim này bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc...

* Cảm giác của chị khi trở thành một trong số gần chục “Bông hồng vàng” làm “diễn viên” bộ phim “Những Bông hồng vàng”?

- Công việc cuối năm rất bận rộn nhưng tôi rất vui và vinh dự vì được trở thành  một trong số ít các nhân vật được chọn để thực hiện bộ phim. Làm việc với anh Đoàn Đình Thịnh cùng ê kíp đoàn làm phim rất thú vị. Họ gần như quên ăn quên ngủ vì công việc nên mình cũng bị cuốn hút theo.

* Tiêu chí của “Bông hồng vàng” là: doanh thu của doanh nghiệp năm sau phải cao hơn năm trước; luôn quan tâm đổi mới công nghệ, trang thiết bị; coi trọng đào tạo nhân lực; đảm bảo mức thu nhập bình quân cho người lao động tối thiểu 2 triệu đồng/người/tháng; kim ngạch xuất khẩu cao, thương hiệu nổi tiếng… Trong những tiêu chí ấy, theo chị đâu là ưu tiên số 1?

- Các tiêu chí này có quan hệ hữu cơ với nhau, cái này có thể là nguyên nhân hoặc hệ quả của cái kia song với doanh nghiệp xuất khẩu như của chúng tôi, việc tìm cái mới, đi tắt đón đầu để đa dạng hóa sản phẩm, tìm hiểu và mở rộng thị trường trên thế giới là những tiêu chí sống còn. Vì thế mà hàng năm, chúng tôi đã tham gia rất nhiều hội chợ triển lãm trong nước cũng như quốc tế để tìm kiếm khách hàng, quảng bá thương hiệu của mình và học tập kinh nghiệm từ phía đối tác. Việc mạnh dạn đầu tư nhiều máy móc, thiết bị mới nhằm đảm bảo năng suất cũng như chất lượng sản phẩm cũng là để tạo sự tín nhiệm đối với khách hàng...

* Trong nhiều lần nói chuyện và ngay cả trong bản tham luận nhan đề “Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trước vận hội đất nước gia nhập WTO” trình bày tại Đại hội XVII Hội LHPN tỉnh, chị hay nhắc đến cụm từ “nỗ lực để đảm bảo chữ “tín” đối với khách hàng”, thực sự thì chị đã nghĩ gì về chữ “tín” ấy?

- Kể bạn nghe một câu chuyện nhé. Có lần một đối tác nước ngoài đến làm việc với công ty và họ đã hỏi một câu làm mình hết sức bất ngờ: “Công ty của chị có bao nhiêu nhà tắm, nhà vệ sinh?”. Từ câu hỏi này mình hiểu rằng khách hàng đường hoàng chỉ muốn làm ăn với những đơn vị biết quan tâm đến đời sống con người. Họ muốn chiếc bàn, chiếc ghế... mà họ đưa đến người tiêu dùng phải có xuất xứ rõ ràng và được làm ra bởi những người thợ được sống tử tế... Chính vì thế nên lãnh đạo một công ty hơn 1.200 công nhân mà quá nửa là công nhân nữ, điều mà mình đặt lên hàng đầu là đời sống và phúc lợi của họ. Công ty chúng tôi là một trong những công ty ngoài quốc doanh đầu tiên có tổ chức công đoàn. Qua tổ chức này, chúng tôi không chỉ lo đầy đủ từ nơi ăn, chỗ sinh hoạt ở khu sản xuất mà cũng đã tìm hiểu để biết được những hoàn cảnh đặc biệt của gia đình công nhân để giúp đỡ họ... Tôi nghĩ chữ “tín” không chỉ là giao hàng bảo đảm chất lượng, đúng hẹn... mà nó là cả một quá trình làm ra sản phẩm với sự rõ ràng, minh bạch.

 

Chị Đồng Thị Ánh và gia đình.

 

* Làm là để cho...

Từ ngày Hội LHPN Bình Định thành lập CLB Nữ doanh nhân (2004) đến nay,  dù là ở cương vị Phó chủ nhiệm hay Chủ nhiệm (như hiện nay), chị Đồng Thị Ánh đều để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm khảm của nhiều người dân khó khăn, hoạn nạn. CLB Nữ doanh nhân ngoài các hoạt động thuộc về nghiệp vụ kinh doanh đã dành nhiều thời gian và tâm lực cho hoạt động từ thiện. Chị Đồng Thị Ánh chính là người đã “xâu đầu mối” tổ chức được nhiều chuyến đi thăm và tặng quà từ thiện. Từ đợt tặng 5 triệu đồng cho trẻ em có hòan cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nhiễm chất độc da cam đến việc hỗ trợ hơn 50 triệu đồng xây dựng nhà tình thương cho phụ nữ nghèo; rồi lạc quyên gần 20 triệu đồng giúp tiểu thương chợ Lớn trong đợt cháy chợ; thăm và tặng quà cho trẻ em dân tộc thiểu số ở miền núi, trẻ em khuyết tật ở Trung tâm Bảo trợ xã hội; tặng quà Trung thu cho trẻ em nghèo... không lần nào là thiếu bóng chị Ánh.

Chứng kiến cảnh 8 mẹ con  mí Nhạc ở xã Bok Tới phải sống trong túp lều không vách, gió mưa thông thốc, chị đã gửi tiền nhờ địa phương mua gạch xây vách nhà cho mí. Ở Vĩnh An, thấy cảnh thiếu mặc của các cháu người dân tộc thiểu số, chị đã nhờ địa phương lên danh sách, ghi rõ độ tuổi rồi cầm ra chợ mua áo quần về phân phát cho các em...

* Nhiều giám đốc doanh nghiệp cũng làm từ thiện song thường là qua hoạt động từ thiện để quảng bá thương hiệu nên họ chỉ chi tiền qua một tổ chức từ thiện nào đó chứ ít khi lại trực tiếp đi gặp gỡ dân nghèo như chị...

- Tôi không làm từ thiện vì mục đích quảng bá doanh nghiệp. Việc chia sẻ, giúp đỡ người nghèo khó hơn mình có trong máu huyết của tôi từ thuở nhỏ, khi tôi còn nghèo khổ. Hồi còn học trung học, tôi là người hăng hái nhất cầm thùng lạc quyên đi dạo chợ hoặc đứng ngã tư đường để quyên góp giúp đỡ người hoạn nạn. Tôi may mắn hơn nhiều người khi có được cuộc sống đủ đầy nên muốn được chia sẻ cho người khó khăn hơn mình. Làm ra được nhiều tiền là để cho những người khó khăn hơn mình, tôi tâm niệm như vậy!

* Chỉ thấy chị mặc toàn đồ đen, đồ màu trơn, cả trang trí nhà cửa cũng rất dung dị, có vẻ chị không thích màu mè?

- Sự lòe loẹt chỉ làm mình cách biệt với người khác, nhất là những người nghèo khó. Tôi thích màu đen và màu trơn bởi ăn mặc những màu như thế tôi thấy mình tự tin và luôn được gần gũi với mọi người...

* Chị có một người chồng biết cảm thông và chia sẻ với những việc làm của chị; chị có hai cháu học rất giỏi và đang du học ở nước ngoài; doanh nghiệp của chị đang “ăn nên làm ra”... chị còn ước ao gì nữa?

- Có lẽ nhờ chăm “làm phước” mà trời đã cho tôi nhiều thứ. Tôi may mắn hơn nhiều người nhưng tôi sẽ luôn cố gắng... Tôi xuất thân từ một nhà giáo, yêu nghề giáo và mong ước một ngày nào đó sẽ trở về nghề của mình!

* Xin cảm ơn chị, chúc chị được toại nguyện!

  • Quang Khanh

Chị Đồng Thị Ánh sinh ngày 1.1.1956 tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Cử nhân kinh tế ngành quản trị kinh doanh.

Đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, ủy viên BCH Hội LHPN tỉnh khóa 15, 16 và 17; ủy viên Ủy ban MTTQVN tỉnh khóa 7, khóa 8; ủy viên BCH Hội Chữ thập đỏ tỉnh khóa 5, khóa 6; ủy viên BCH Hội Khuyến học tỉnh khóa 1; ủy viên BCH Hội Hữu nghị Việt Pháp tỉnh Bình Định; Chủ nhiệm CLB Nữ doanh nhân...

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (1998-2000); Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2005; 4 Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam; Nữ doanh nhân tiêu biểu các năm 2006, 2007; Cúp Bông hồng vàng (nữ doanh nhân thành đạt tiêu biểu năm 2006); Cúp Vàng (“Doanh nhân Tâm Tài” lần thứ I năm 2007);  Cúp Thánh Gióng (“Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2007); Bằng lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐVN năm 2005...

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ tích eo nín thở  (17/12/2007)
Bồng Sơn - Dân hiến đất làm đường  (17/12/2007)
Lãng mạn trên cầu Thị Nại  (15/12/2007)
“Sẽ tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ đất Võ”  (08/12/2007)
Thăm lại Nam Lào  (04/12/2007)
Bác sĩ pháp y  (03/12/2007)
“Tòa cao ốc Kim Thạnh là tâm huyết của chúng tôi”  (01/12/2007)
Đi lại chốn kinh thành ánh sáng  (01/12/2007)
Bài 2: Cả nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng bị thiệt hại   (27/11/2007)
Bài 1: Gas sang chiết lậu tràn ngập thị trường   (26/11/2007)
Từ cậu bé làm thuê đến vị giáo sư hóa học nổi tiếng   (24/11/2007)
Nơi cơn lũ đi qua   (19/11/2007)
Trò chuyện với một tình nguyện viên quốc tế  (17/11/2007)
Phế hưng Ghềnh Ráng  (12/11/2007)
Điều quan trọng là mục tiêu học tập  (10/11/2007)