Nức danh quà bánh xứ Dừa
7:13', 22/1/ 2011 (GMT+7)

Họ hàng nhà tôi có nhiều con cháu lấy vợ, ưng chồng người Hoài Nhơn. Những dịp tết nhất, giỗ chạp, đằng sui xứ Dừa đến thăm bên kia, quà biếu quen thuộc là các loại bánh đặc sản. Mỗi lần thăm sui lại thấy vài món bánh mới so với năm trước. “Bên đây” thắc mắc: “Quê chị có bao nhiêu món bánh truyền thống mà ăn hoài không nhớ hết vầy hè?”, bà sui bên kia cười hiền, giấu niềm tự hào trong mắt: “Nhiều gì đâu chị, chừng... vài chục loại!”.

 

Bánh Hoài Nhơn nức danh nhờ bàn tay những phụ nữ lành nghề và tâm huyết với tổ nghiệp.

 

1. Bánh Hoài Nhơn có điểm chung là được làm từ các nguyên liệu có sẵn ở vùng nông thôn nói chung, địa phương Hoài Nhơn nói riêng. Đó là nếp, các loại đậu, khoai mì, khoai lang và đặc biệt là dừa. Bánh được làm thủ công, nấu bằng than củi, sấy khô để bảo quản bằng nắng trời, tạo hương bằng vị gừng, tạo màu bằng lá dứa.

Về các phố bánh, làng bánh, xóm bánh Hoài Nhơn những ngày cuối năm, chày cối khua rộn ràng, nếp, đậu, lá, giấy điều đỏ... phơi đầy trong nắng chạp, thôn xóm rải rác nhen lửa lò bánh, hương thơm làm dùng dằng những bước chân hối hả cuối năm.

Ngoài “thủ phủ” Tam Quan Bắc, làng bánh Hoài Nhơn có mặt ở thị trấn Bồng Sơn, Tam Quan Nam... Có thể kể ra đây những món bánh phổ biến nhất của Hoài Nhơn, được làm từ các nguyên liệu có sẵn của địa phương để phần nào thấy được sự đa dạng, phong phú của sản phẩm làng nghề truyền thống: bánh in, bánh thuẫn chay - mặn, bánh đậu xanh ướt (tươi)- khô, bánh đậu đen, bánh hồng, bánh tổ, bánh phu thê, bánh dừa, bánh bột linh, bánh dừa nướng, bánh khoai mì nướng...

Chị Võ Thị Thu Nga, 42 tuổi, ở khối 3, thị trấn Bồng Sơn, đã gắn bó với nghề làm bánh đậu xanh, hạt sen, bột linh... trên 10 năm nay. Hàng năm, cứ khoảng đầu tháng Chạp lò bánh nhà chị lại bắt đầu đỏ lửa, càng giáp Tết bánh bán càng chạy, chị huy động cả chồng con, họ hàng đến phụ giúp.

Cái tên mè xửng Bà Điền đã trở thành thương hiệu từ lâu. Chủ cơ sở mè xửng Bà Điền - bà Nguyễn Thị Ngọc Mai - cho biết: “Cơ sở lấy tên mẹ chồng tôi, để tri ân mẹ đã tạo nghề, truyền nghề cho con cháu. Chúng tôi tiếp quản gia tài mẹ để lại với quyết tâm giữ nghề, giữ hương vị đặc trưng đã được tín nhiệm nhiều năm qua”. Suốt quá trình làm nghề, bà Mai không chỉ gìn giữ bí quyết gia truyền, mà còn tìm tòi đổi mới quy trình sản xuất, cải tiến công nghệ làm bánh để tiết kiệm sức lao động mà vẫn giữ được chất lượng của bánh.

Dù khá nổi tiếng nhưng quy mô sản xuất của các cơ sở này vẫn chỉ dừng lại ở phạm vi hộ gia đình. Các khâu chế biến, sản xuất, bán hàng chỉ thực hiện thủ công trong gia đình. Bà Mai cho biết: “Nhiều người thắc mắc tại sao chúng tôi không mở rộng quy mô sản xuất, tiêu thụ, quảng bá thương hiệu. Nhưng chúng tôi chỉ muốn giữ nghề truyền thống theo đúng ý nghĩa ban đầu. Bánh ngon là nhờ bàn tay lao động của thợ lành nghề, khi mở rộng quy mô thì khó kiếm thợ bánh giỏi, việc quản lý chất lượng sản phẩm không sát sao, dễ đánh mất uy tín với khách hàng”.

 

Bánh quê chinh phục thị trường thành thị.

2. Những năm về trước, đóng bánh in, bánh đậu xanh, đổ bánh thuẫn, ngào rim dừa... là công việc đón Tết quen thuộc của người dân Hoài Nhơn. Giờ đây, Tết không còn là dịp tích trữ món “lương khô” này nữa, người dân cũng ngại làm, họ thường đặt mua cho đỡ mất công, thời gian. Bánh quê, dẫu không còn mang nhiều giá trị kinh tế vẫn là hương vị cổ truyền không thể thiếu trong ngày tết.

Ai bảo bánh quê, quà quê đã dần lỗi thời trong đời sống hiện đại, không chen chân nổi với chocolate, bánh kem tươi, bánh bích quy ngoại..., điều này không hẳn đúng với bánh Hoài Nhơn. Chị Phan Thị Thu Vân, một tiểu thương bán bánh ở chợ Quân Trấn kể, 20 năm trước, khi bánh hồng, bánh khoai mì nướng vào thị trường Quy Nhơn, nhìn ổ bánh “bự chảng” nặng từ nửa ký đến 2 ký, chỉ được bọc nhựa sơ sài, ai cũng ngại mua. Chị phải cắt bánh ra từng miếng hình tam giác nhỏ, bán lẻ hoặc mời khách ăn thử để giới thiệu. “Rất nhanh, vị ngon của bánh đã chinh phục người mua. Giờ thì người ta đến mua bánh hồng, bánh khoai mì nướng cả ổ nửa ký, 1 ký, muốn mua nhiều phải đặt trước mà không phải lúc nào làng nghề cũng cung ứng đủ”.

Những chiếc bánh Hoài Nhơn có mẫu mã thô sơ, đóng gói giản dị, có khi chỉ đơn giản bằng tờ giấy vở học trò, cắn miếng bánh dân dã không chứa bơ, sữa, phô mai, bạn sẽ không có cảm giác ngấy; thêm vào đó, giá trị tinh thần của đặc sản quê hương lại bẩy độ ngon lên thêm. Chẳng thua kém bún Song thằn An Thái, rượu Bàu đá Cù Lâm, nem chua chợ Huyện.., bánh Hoài Nhơn theo chân người Bình Định, du khách đi xa, góp phần quảng bá sản vật Bình Định.

  • Sao Ly
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Có một Quy Nhơn... phở!  (21/01/2011)
Tết vùng cao  (21/01/2011)
Ăn Tết quê mùa  (21/01/2011)
Hội đua thuyền đầm Trà Ổ  (21/01/2011)
“Thanh minh trong tiết tháng Ba”  (21/01/2011)
Vị giác của giêng, hai  (21/01/2011)