* Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ
Trời bớt lạnh sau Giáng sinh nhưng mưa dữ dội. Mẹ con Nhân ngồi trong gian bếp nhỏ trông chừng chảo gừng rim. Mắt mẹ ngời ngợi những nét vui và đôi má ửng hồng dẫu lửa thật nhỏ. Lửa rất liu riu. Lửa để rim gừng mà lại.
Nhà Nhân bao giờ cũng lo Tết sớm và món mứt mẹ làm đầu tiên bao giờ cũng là gừng. Mẹ cười: “Có miếng mứt cay cho hớp trà thêm thấm. Làm sớm đặng có mà nhóp nhép sớm. Mắc gì?”. Mẹ thường vét sạch chút cặn cọt trong chảo gừng rim để đó. Thêm chút vụn vặt của thơm rim, bí đao rim… làm sau, tạo thành một thứ mứt cây rất đặc biệt. Thấy cũng đâu có khó gì. Thì trộn đều các thứ xà bần mứt đã rim lại rồi lăn đều với bột dẻo, không quên chạy thêm một lớp bột khô làm áo và xắt ra những miếng nhỏ khi ăn. Đó là loại mứt mẹ đem theo cách làm từ dưới quê lên và là một đặc sản Tết rất riêng. Bởi đâu thấy ai làm và đâu dễ nhà nào có. Mẹ ghiền trà, ưa mứt và thích Tết ở vùng cao dẫu đã ăn Tết tứ xứ. Mẹ nói có Tết ở Trung, Tết Bắc, Tết ở đảo, Tết trong Nam gì cũng không bằng cái Tết trên mình. Cái Tết núi thiệt… nghiệt nghe. Nếu có Phương ngồi cạnh thì ngay lập tức: “Và em. Em cũng rất… nghiệt à nghe!!!” sát một bên tai Nhân. Nói như thở. Nói kiểu đó tim sao khỏi lay và tai, chịu gì nổi.
Mẹ chọn trên này để ở vì thích những con dốc, sương buổi sớm, thích nhạc, thích thơ... Thì mẹ vốn có tâm hồn nghệ sĩ mà lại! Mẹ bảo, ở vùng cao ăn sướng uống sướng ở sướng và thơ mộng sướng. Mẹ thuộc làu làu nhiều bài thơ, những bản nhạc từ thuở còn là nữ sinh. Khi ấy, mẹ thường theo bạn bè xuống đường biểu tình chống chiến tranh… Nhân hỏi: Sao mẹ “gấu” thế? Thì... hòa bình ai mà chẳng yêu? Mẹ thích Nhân là con gái nơi này để có thể được một ai đó hát cho nghe: “…Ở đây buổi chiều quanh năm mùa Đông… Anh khách lạ đi lên đi xuống. May mà có em đời còn dễ thương…”. Muốn là muốn vậy nhưng chừng thương, trái tim chỉ biểu Nhân phải thuộc về một người không thèm biết có bài này chứ đừng nói chi biết hát. Và không phải là khách nữa chứ! Bởi đó, đâu cần đi tới đi lui, trải dài bước chân trên từng con dốc, loanh quanh phố núi thấp cao… Cứ việc giảm ga, kìm thắng để xe tự chạy. Thẳng một hơi tới trước cửa nhà Nhân. Mẹ cười: “Cũng nghiệt nữa. Bạn trai của con. Một cách yêu. Một kiểu chạy xe. Nghiệt... Nghiệt thật! Nghiệt như cái Tết vùng cao”.
Những sớm tháng chạp, mẹ hay dậy sớm nấu nước, pha trà. Mẹ nấu cơm bằng bếp điện, nấu đồ ăn bằng bếp ga, rim mứt bằng than hoa và nấu nước bằng củi. Củi đầy vườn bỏ chi uổng thêm nữa có lửa bùng, lửa đỏ mới dễ ấm lòng và còn phải kiếm chút khói cho mắt cay nữa chứ ! Và như thế đó, khói lãng đãng trong gian bếp nhỏ của mẹ và sương giăng đầy ở ngoài trời. Mẹ ngồi đó. Những sớm tháng chạp ở phố núi. Nhấp những ngụm trà nóng đậm và chờ Tết đến, chậm từ… Từng người thân của Nhân rồi cũng lần lượt trở về nhà ăn Tết. Có thể bắt xe ôm, có thể đi tắc xi, có thể cuốc bộ. Có thể đủng đỉnh, có thể vội vàng. Nhưng ai cũng có thói quen không đi cửa trước mà từ cổng đi lút xuống sân sau, bọc theo khu vườn và vào gian bếp của mẹ trước.
Nhà đông vui dần vì có thêm người và khu vườn thêm tươi thắm bởi hoa nở rộ. Mẹ thích ăn rau và trái cây nhưng lại không chịu ươm trồng. Nhà chỉ có hoa. Hoa đủ các loại. Mùa nào hoa đó. Hoa có để bán lai rai cả năm và rộ nhất là vào dịp Tết. Chẳng cần bưng bê đi những đâu đâu. Cũng không cần chọn chỗ, kiếm sạp và hoa nhà Nhân cũng không cần góc chợ, vỉa hè để khoe sắc, tỏa hương. Hoa ở vườn nên khỏe cho người bán nhưng lại mệt cho kẻ mua. Đã nói, con dốc xuống nhà Nhân là dốc tuột. Dốc như thể một con đường. Đường đứng mới gay. Phương nói ngày mấy dạo xe anh phải xổ con dốc này nên cái thắng mau mòn. Nói rồi chu môi: “Nhưng tình yêu người cao nguyên thì nào có vậy”. Phương tự cho mình là dân ở đây và từ lâu lắc, phố núi đã tuôn chảy vào trong anh. Và như vậy chẳng lẽ thành phố này dành cho Nhân mới có năm năm và sáu cái Tết? Sáu cái Tết được cùng mẹ đi qua những tháng chạp trong tâm trạng ngóng chờ.
Mẹ đã ở cùng khắp trước khi dọn về nơi đây. Mẹ yêu vùng cao, đã hẳn và theo cái cách của mình. Còn Nhân? Sao thương nơi này dữ vậy? Thương cao nguyên và thương Phương trong thứ tình yêu ngọt ngào phố núi. Chiều luôn đến thật nhanh mà con dốc cứ bắt hai đứa bước chậm. Chiều như thế nên đêm sập xuống rất mau. Hai đứa từ nhà đi là chiều mà lên phố đã đêm. Phố bên trên dốc. Phố ở trên vườn. Khu vườn Tết này tím, đỏ, hồng, trắng… những sắc màu mai thạch thảo. Mùa qua, mẹ đã cho Phương đem đến những loại hoa mình thích ươm trồng nơi vườn nhà. Mẹ cười: “Để kịp cho các con bán Tết”. Cái lạnh biến mất khi hai đứa ì ạch đẩy xe lên dốc nhưng qua được rồi cái lạnh ập đến rất nhanh. Lạnh tràn phố đêm làm ấm thêm một chỗ đứng co mình bên nhau. Phố núi đẹp quá giữa khi Tết đang về. Khi mà mỗi sớm chiều khu vườn nhà Nhân luôn rộn rã. Chỉ rộn rã thôi. Cái rộn rã ở cao nguyên rất nghiệt. Không có nét hối hả khốc khô như ở những thành phố khác. Mà là háo hức. Một thứ háo hức rất đằm thắm dịu dàng. Rất phố núi. Rất cao nguyên. Mẹ bảo ở đây mẹ ít muốn nổi giận và ghiền uống trà.
Mưa như thế mà mẹ con Nhân cũng có khách. Rất may là không phải người mua hoa. Trời thế này mà phải đội mũ, khoác áo đưa khách ra vườn chọn hoa thì ngao ngán lắm. Đất đỏ bầy nhầy dưới chân khiến lấm bẩn và những cành hoa ướt sũng té nước lên hết áo quần. Người khách là một phụ nữ khoảng tuổi của mẹ. Mẹ mời người khách lên nhà trên uống nước nhưng bà ấy xin được ngồi với mẹ con Nhân nơi gian bếp nhỏ. Mùi gừng rim sực nức. Người khách hít hà:
- Thích quá!
- …
- Lại trời mưa nữa chứ! Chị chịu khó thật. Giờ mấy người chịu làm mứt bánh.
- Có gì đâu. Làm siêng một chút để mà được hưởng.
- Đâu phải chỉ hưởng có mỗi một chuyện ăn há chị?
- Đúng đó! Ăn không thì nói làm gì. Hay ghê nghe! Cái Tết ở nơi khác ít xúi biểu mình rim mứt chứ trên này…
- Và mùi gừng rim ở mấy nơi khác cũng ít nồng hơn, thơm hơn, đậm hơn… thì phải.
- Dạ. Có vậy thiệt. Tôi ăn mấy cái Tết ở đây. Mấy lần rim gừng nên tôi biết.
- Còn tôi. Xa phố núi mấy cái Tết nên cũng biết quá mà.
Người khách chiều đó nói mùi gừng rim thoảng bay đến tận đầu con dốc khiến bà ta chịu không nổi phải lục tìm cho ra. Mùi bánh mứt được làm ở đây cũng như những cái Tết ở cao nguyên là rất đặc biệt. Khoảng thời gian gần Tết lại càng đặc biệt hơn. Không giống với bất cứ nơi đâu. Không lẫn với một chỗ nào. Lạ lắm nghe chị! Bà ấy nói vậy và cứ gật gù hoài. Nếu như là mẹ thì sẽ được thế bằng một câu. Một câu rất quen và Nhân được nghe hoài mà vẫn thấy thích. Thích hơn nếu có Phương ngồi cận kề. Nhân nhìn ra bên ngoài. Vẫn mưa. Tết đang dần đi tới. Thêm những nụ hoa mới vừa kịp bung nở ngoài vườn. Hẳn là kịp bán Tết… |