Bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh:
Nhìn từ 2 công trình khoa học
17:37', 29/1/ 2008 (GMT+7)

Trong năm  qua, những đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực bảo tồn văn hóa và chữ viết các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã được đánh giá cao về tính khoa học và hiệu quả xã hội sâu sắc.

 

Nghệ nhân sử dụng nhạc cụ dân tộc- một nét đẹp văn hóa phi vật thể cần được giữ gìn và phát huy. Ảnh: Hoàng Vân

 

* Những công trình tâm huyết

Trong năm 2007, Hội đồng khoa học chuyên ngành tỉnh đã tiến hành nghiệm thu 2 đề tài “Xây dựng và hoàn chỉnh chữ viết, biên soạn sách phục vụ dạy và học tiếng Bơh Hnar Kriêm, Hrê, Chăm Hroi ở Bình Định” do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lợi, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Ngôn ngữ thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, làm chủ nhiệm đề tài và “Văn hóa làng Bơh Hnar Kriêm”, công trình nghiên cứu của tác giả Yang Danh, nguyên Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.

Trong đề tài “Xây dựng và hoàn chỉnh chữ viết, biên soạn sách phục vụ dạy và học tiếng Bơh Hnar Kriêm, Hrê, Chăm Hroi ở Bình Định”, lần đầu tiên các ngôn ngữ Bơh Hnar Kriêm, Hrê, Chăm Hroi trên địa bàn tỉnh ta được khảo sát, nghiên cứu tương đối toàn diện và hệ thống bằng phương pháp hiện đại. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện các cuộc điền dã để thu thập tư liệu về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp trong ngôn ngữ của người Bơh Hnar, Hrê, Chăm Hroi. Sau đó, tư liệu được chuyển vào máy tính dưới dạng số hóa bằng các chương trình chuyên dụng phân tích tiếng nói. Kết quả phân tích tư liệu cho phép kiểm tra và xác định những đặc trưng ngữ âm học của từng từ để phiên âm, miêu tả, xác định cách viết cho mỗi từ, và xây dựng hệ thống chữ viết cho mỗi ngôn ngữ.

Trong khi đó, công trình “Văn hóa làng Bơh Hnar Kriêm” nghiên cứu về văn hóa của cộng đồng người Bơh Hnar Kriêm tại Bình Định. Công trình nghiên cứu này cho thấy cộng đồng người Bơh Hnar Kriêm Bình Định có một nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc. Mặc dù đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng văn hóa tinh thần của họ rất phong phú. Điều đó được thể hiện qua các loại trang phục truyền thống đa dạng và đặc sắc; các loại nhạc cụ dân gian, thể loại múa dân gian và văn học dân gian, các lễ hội dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc riêng biệt của người Bơh Hnar Kriêm Bình Định.

Hai đề tài này đều được hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc vì tính khoa học, hiệu quả xã hội và tâm huyết của những người nghiên cứu đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số Bình Định.

* Gìn giữ bản sắc cho đời sau

Ở Bình Định hiện nay có nhiều dân tộc thiểu số, nhưng đông nhất và lâu đời vẫn là các dân tộc Bơh Hnar Kriêm, Chăm Hroi, Hrê. Đồng bào ở đây đang có nhu cầu cấp thiết về một chữ viết cho dân tộc mình. Việc hoàn thiện chữ viết và tiếng nói của ba dân tộc này không chỉ là nguyện vọng tha thiết của bà con các dân tộc mà còn góp phần bảo tồn chữ viết, bảo tồn các giá trị văn hóa và phát triển các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội trong cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.

GS-TS Nguyễn Văn Lợi cho biết: “Do sự tác động của nhiều yếu tố, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số đang bị mai một dần trong chính cộng đồng của mình. Trong quá trình đi điền dã, thu thập dữ liệu, chúng tôi nhận thấy, ngay trong cộng đồng dân tộc, cũng chỉ một số ít người lớn tuổi có thể đọc và viết thành thạo chữ viết của dân tộc mình, còn lớp trẻ đa số chỉ biết nói mà không viết được. Đây là một thực tế đáng buồn vì tiếng nói, chữ viết là một tài sản vô giá”. Từ trước đến nay, đã có nhiều nghiên cứu chữ viết của ba ngôn ngữ này. Nhóm nghiên cứu đã kế thừa, tập hợp lại, và chọn lọc những từ ngữ đặc trưng, phổ biến nhất để biên soạn hoàn chỉnh các sách ngữ vựng đối chiếu giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ trên. Với những bộ sách này, người học có thể dễ dàng học ba ngôn ngữ trên với những bài học được chia theo từng ngữ cảnh và từng đối tượng người học cụ thể.

Khác với những công trình nghiên cứu trước đây của Yang Danh, “Văn hóa làng Bơh Hnar Kriêm” được ông đăng ký thành công trình nghiên cứu khoa học, với mong muốn đưa ra một cái nhìn bao quát, toàn diện về nền văn hóa của dân tộc mình. Tác giả Yang Danh tâm sự: “Với tôi, bản sắc văn hóa của dân tộc mình đã ăn sâu vào tiềm thức. Dẫu vẫn còn đan xen giữa cái tốt và cái chưa tốt, nhưng những cái hay về truyền thống văn hóa dân gian sẽ mãi được giữ gìn và phát huy. Tôi hy vọng tinh thần và hoạt động văn hóa từ cộng đồng làng bản sẽ mãi được lưu truyền cho con cháu, và nối tiếp những đời sau. Mai này, khi thế hệ người già không còn nữa, không còn ai để kể về những tinh hoa của dân tộc mình, thì con cháu Bơh Hnar Kriêm vẫn có thể tìm thấy những điều này trong sách”.

Văn hóa và chữ viết là những bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Với 2 công trình khoa học này, lần đầu tiên, văn hóa và chữ viết của mỗi dân tộc được chọn lọc sắp xếp một cách có hệ thống. Những công trình này có thể xem như một bước khởi đầu trong hành trình dài sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân gian và chữ viết của các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta.

  • Mai Hồng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Theo dấu Vườn cam Nguyễn Huệ  (29/01/2008)
Hắn và nàng và em bé bán vé số  (29/01/2008)
Đời thường - đời thơ Xuân Diệu  (29/01/2008)
Thơ  (29/01/2008)
Câu đối  (29/01/2008)
Nhịp cầu nhân ái: Nơi kết nối những yêu thương  (29/01/2008)
Những thành tích phá án của Đội 3  (28/01/2008)
Những sự kiện đáng chú ý của tỉnh trong năm 2007  (28/01/2008)
10 sự kiện nổi bật trong nước năm 2007  (28/01/2008)
10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2007  (28/01/2008)
Xuân nào vang tiếng bài chòi…  (28/01/2008)
Khát vọng xanh  (28/01/2008)
Tầm sư học võ  (28/01/2008)
Chú tiểu Hiến và hành trình “tiếp thị” võ Việt  (28/01/2008)
Bóng đá Bình Định chờ ngày “thái lai”  (28/01/2008)