Hiểm họa độc hại từ thực phẩm khô chứa chất bảo quản
11:6', 25/11/ 2011 (GMT+7)

Những con cá khô màu sắc, bắt mắt chưa hẳn đã đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Những con cá chỉ vàng đỏ au, tôm khô hồng, cá vàng nhạt hay màu xanh lục.. bắt mắt và thu hút người mua. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng lại không biết rằng, chính những loại thực phẩm khô đó có thể gây nhiều bệnh cho người sử dụng.

Trời càng lạnh, thực phẩm khô càng đắt hàng

Chỉ cần dạo quanh bất cứ chợ dân sinh nào tại Hà Nội, người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng mua các loại cá khô mà mình cần tìm từ cá ruội, cá mai, cá lục, cá chỉ vàng… Đặc biệt, tại chợ đầu mối Long Biên, các bà nội trợ còn được mua giá rẻ hơn từ 1.000-2.000 đồng/lạng so với các nơi khác. Không chỉ bán cá khô, tôm khô, mực khô…

Hương (sinh viên ĐH Mỏ) đang lựa chọn một loại cá khô để mua về ăn dần nói: “Mình rất thích ăn cá khô hấp gừng, đặc biệt thời tiết càng lạnh, không có gì ngon tuyệt bằng món này”.

Còn theo một số người bán hàng,  người tiêu dùng còn có thể chế biến cá kèm với hành, gừng, cà chua… món ăn vừa nhanh lại vừa ngon nên đồ khô rất hút khách.

Chị H (bán hàng tại chợ Long Biên) cho biết, so với thời điểm mấy tháng trước, hiện cá khô bán khá đắt hàng, do trời lạnh, nhu cầu mua hàng khô để dự trữ của người tiêu dùng tăng. Thông thường, tại quán chị một ngày có gần chục lượt khách mua buôn đến lấy hàng.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV, tại các quầy thực phẩm khô chủ yếu được để trong những hộp carton, không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Tại các chợ dân sinh, thực phẩm khô lại thường được để trong những túi nilon lớn và bày bán.

Khi được hỏi về nguồn gốc mặt hàng này, các chủ cửa hàng đều khẳng định lấy hàng từ Thanh Hóa hoặc Thái Bình, Nam Định… và tỏ ra rất khó chịu.

Đồ khô để cả năm không sợ hỏng

Một anh bạn quê ở Thái Bình thắc mắc, tại sao cá khô ở Hà Nội để lâu thế mà không hỏng, trong khi ruồi bọ bâu vào, chưa kể thời tiết lúc nắng, lúc mưa, ẩm mốc… Anh cũng khẳng định, mỗi lần nhà anh phơi cá khô chỉ có thể để được nhiều nhất là 3 tháng nếu thời tiết thoáng mát, còn nếu để kín, lâu ngày không dùng đến thì chỉ 2 tuần có thể bị mốc ngay.

Đem thắc mắc này hỏi một số người bán hàng khô, hầu hết các chủ cửa hàng khô đều khẳng định, đồ khô thì làm sao hỏng nhanh được.

Tại chợ đầu mối như chợ Long Biên, lúc nào các cửa hàng cũng chứa hàng chục bao tải thực phẩm khô để bán cho khách thì liệu có thể tránh được việc cá không bị hỏng?

Trong vai một người mới vào nghề bán đồ khô, thắc mắc liệu cá khô để bao lâu thì hỏng để còn xác định số lượng mua về bán. Một chủ cửa hàng khẳng định, thời tiết này cá chỉ ẩm một chút, nhưng chịu khó mở bảo tải cho không khí vào thì cá sẽ nhanh khô lại.

Chị cũng cho biết, cá khô có chất bảo quản rồi có thể để cả năm cũng không lo hỏng, nếu hàng mốc em có thể mang ra rửa rồi phơi lại, như vậy lại có thể bán tiếp!?

Theo quan sát của PV, một số loại cá khô như: cá ruội, bống không có mùi tanh hoặc mùi thơm của nắng mà lại hơi ẩm ướt, có mùi hơi hắc rất khó chịu của chất bảo quản hay một chất hóa học nào đó. Các chủ cửa hàng khẳng định, đó là cá được phơi khô quá nên mới có mùi như thế!?

Theo các bác sỹ, thực tế các loại động vật khi chết sau một giờ đã bị phân hủy, đạm bị phân hủy sẽ tạo ra histamine (thường xuất hiện với cá biển), nếu bảo quản không tốt thì lượng histamine càng nhiều, tạo độc tố cao, con người ăn vào sẽ bị dị ứng ngay. Hơn nữa, trong quá trình phơi sấy, vi sinh, nấm mốc phát triển làm cá khô bị phân hủy, tạo ra “gói độc chất” rất nguy hiểm. Chất này có thể không gây dị ứng ngay tức khắc mà tác hại lâu dài trong 5-10 năm sau, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể con người.

Bên cạnh đó, các bác sỹ cũng cho rằng, ngay cả đối với những hóa chất được dùng trong chế biến, bảo quản thực phẩm do Bộ Y tế cấp phép cũng vẫn phải khống chế hàm lượng. Nếu sử dụng quá liều sẽ gây ngộ độc thực phẩm, nguy hiểm hơn là gây bệnh ung thư. Tuy nhiên, thực tế khi các sản phẩm tôm, cá kém chất lượng, thì nhà sản xuất phải cho nhiều chất bảo quản nếu không khó có thể giữ được sản phẩm trong một thời gian dài và gây nhiều bệnh tật về lâu về dài cho người sử dụng.

. Theo Báo Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Báo động trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc nam  (24/11/2011)
Google khai tử tiếp 7 dịch vụ  (24/11/2011)
Cây xạ đen ngăn ngừa ung thư  (23/11/2011)
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tán sỏi ngoài cơ thể  (23/11/2011)
Phối hợp y tế công- tư trong phòng, chống bệnh lao  (23/11/2011)
Bộ Y tế hướng dẫn việc công bố dịch  (23/11/2011)
Trung Quốc 'trả giá vì ô nhiễm'  (23/11/2011)
Bệnh tay chân miệng có xu hướng giảm  (21/11/2011)
Phát triển đô thị thân thiện để bền vững  (21/11/2011)
Phụ nữ xứ dừa làm tốt công tác hậu phương quân đội  (19/11/2011)
Kim loại nhẹ nhất thế giới  (18/11/2011)
Baidu quyết loại Google ra khỏi Trung Quốc  (18/11/2011)
Giao lưu trực tuyến công tác quản lý nhà nước về TT-TT  (17/11/2011)
Xăng sinh học ế  (17/11/2011)
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em tăng trở lại  (16/11/2011)