Quản lý bộ máy tổ chức công tác dân số cơ sở:
Cần sớm có mô hình phù hợp
19:25', 9/12/ 2011 (GMT+7)

Năm 2008, khi Ủy ban DS-GĐ&TE giải thể, bộ phận DS-KHHGĐ được sáp nhập vào ngành Y tế. Nhưng, qua thực tế hoạt động, mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ và cán bộ chuyên trách dân số không do Trung tâm DS-KHHGĐ quản lý toàn diện đã bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng nhiều tới kết quả công tác dân số của địa phương.

Nhiều bất ổn

Trước hết là công tác tham mưu cho UBND huyện về quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của chương trình DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện phải qua Phòng Y tế huyện; nhưng nhiều cán bộ Phòng Y tế chưa am hiểu hết nghiệp vụ về DS-KHHGĐ nên gần như “thả nổi” công việc. Việc giải quyết các mối quan hệ giữa Trung tâm DS-KHHGĐ với các cơ quan tham mưu khác của huyện, các tổ chức trong hệ thống chính trị gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, khả năng huy động nguồn lực, nhất là kinh phí hỗ trợ đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ từ nguồn ngân sách cấp huyện cũng không dễ.

 

Công tác DS-KHHGĐ hiện nay không còn đơn thuần là vận động giảm sinh nên cần có sự huy động cộng đồng.

- Trong ảnh: Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn truyền thông tại bến thuyền.

 

Huyện Vân Canh có 7 xã, thị trấn thì mới có 2 xã Canh Liên và Canh Hòa chuyển giao công tác DS-KHHGĐ về cho trạm; 5 xã, thị trấn còn lại vẫn chịu sự chỉ đạo của xã, y tế làm nhiệm vụ chấm công và trả lương. Bà Trần Thị Ngọc Như, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vân Canh, cho biết: Theo quy định, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã là viên chức của trạm y tế xã, vừa chịu sự chỉ đạo trực tiếp của trưởng trạm y tế, vừa chịu sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện. Kết quả, nhiều nội dung tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ tại địa phương bị hạn chế do trưởng trạm y tế không thực sự am hiểu về DS-KHHGĐ.

Điều đáng nói là Thông tư 05 chưa gắn trưởng trạm vào công tác dân số nên trưởng trạm chưa nhận phần việc này mà nếu có thì chỉ coi là việc nhận thêm. Nhiều nơi cán bộ dân số được phân công thêm các công việc khác của trạm, thậm chí “được” phân công trực ngoài giờ trong khi không có chuyên môn về y tế.

Một bất ổn khác là công tác quản lý, điều hành. Lương và các chế độ chính sách khác đối với cán bộ chuyên trách dân số xã do Trung tâm Y tế huyện chi trả. Dù Trung tâm DS-KHHGĐ được quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ dân số xã nhưng do không nắm “đồng tiền bát gạo” nên không tránh khỏi tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.

Cần sớm có mô hình phù hợp

Công tác DS-KHHGĐ là một công tác mang tính xã hội hóa rất cao, rất cần thiết phải huy động được nguồn lực của toàn xã hội. Bài học rút ra từ sự thành công của công tác DS-KHHGĐ trong nhiều năm qua, đó là nơi nào được các cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thì nơi đó mới thật sự thực hiện tốt công tác xã hội hóa về dân số, mới thật sự huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho công tác DS-KHHGĐ.

 

Cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ cho người dân vùng biển xã Nhơn Lý.

 

Bà Trần Thị Ngọc Như cho rằng, thực hiện công tác DS-KHHGĐ hiện nay không còn đơn thuần là vận động giảm sinh, mà phải tiến hành song song các giải pháp nâng cao chất lượng dân số. Để giải quyết “bài toán” dân số, bên cạnh những giải pháp về chuyên môn y tế (sinh đẻ, chữa bệnh…) cũng cần có những giải pháp mang tính xã hội (vận động thực hiện KHHGĐ, chất lượng dân số, phân bổ dân cư…). “Để thực hiện công tác truyền thông thay đổi hành vi, ngoài những “bí quyết” chuyên ngành, cơ quan hữu quan từ tỉnh đến cơ sở phải thực hiện thật tốt công tác phối hợp để thông tin diện rộng, thông tin “bề nổi” song song với tuyên truyền, vận động, giáo dục trực tiếp tại cộng đồng tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của người dân. Ngoài ra, việc quản lý hệ cơ sở dữ liệu dân cư đòi hỏi phải có người “thạo việc””, bà Như nói.

Nhiều lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thành phố đề xuất giải pháp khắc phục sự bất ổn này theo hướng mô hình tổ chức Trung tâm DS-KHHGĐ thuộc UBND cấp huyện, còn cán bộ chuyên trách dân số cấp xã là viên chức thuộc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện nhưng làm việc tại xã. Nếu áp dụng mô hình nói trên thì Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cũng như cán bộ dân số xã mới thật sự chủ động phát huy hết năng lực trong công tác tham mưu, điều phối chương trình DS-KHHGĐ ở mỗi cấp. Đồng thời, giúp Trưởng Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ phát huy tối đa sự tham gia phối hợp từng thành viên trong Ban chỉ đạo, thật sự gắn kết nhịp nhàng, đồng bộ, đảm bảo việc triển khai thực hiện chương trình.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII của Đảng đã chỉ rõ huy động lực lượng của toàn xã hội tham gia công tác DS-KHHGĐ, đồng thời phải có bộ máy chuyên trách đủ mạnh để quản lý theo chương trình mục tiêu, bảo đảm cho các nguồn lực nói trên được sử dụng có hiệu quả và đến tận người dân. Vì vậy, trong hệ thống tổ chức bộ máy cần được sắp xếp lại cho phù hợp, thống nhất, đáp ứng được các yêu cầu của công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn hiện nay. Trung ương nên sớm tổng kết, đánh giá lại hiệu quả của từng mô hình, kết hợp trưng cầu ý kiến những cán bộ đang trực tiếp làm công tác dân số cơ sở, từ đó chọn ra mô hình tổ chức tối ưu.

  • MINH ĐỨC-VĂN CHÁNH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nga sản xuất da nhân tạo chữa bỏng và bệnh mắt  (09/12/2011)
Sữa nhiễm phóng xạ không có mặt ở Việt Nam  (09/12/2011)
Sẽ xử lý nghiêm vi phạm về ATVSTP trong dịp Tết  (08/12/2011)
Ngày càng thu hẹp   (07/12/2011)
Thực trạng và trăn trở   (07/12/2011)
Chủ động phòng, chống dịch cúm mới xuất hiện  (07/12/2011)
Sách giáo khoa điện tử sẽ thế chỗ sách truyền thống  (07/12/2011)
Gạo Việt Nam không chứa chất biến đổi gien  (06/12/2011)
Chỉ có 28,9% người dân biết được các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường  (05/12/2011)
Điều trị bớt sắc tố HORI bằng laser  (05/12/2011)
Đa dạng mẫu mã, giá tăng   (05/12/2011)
Công nghệ lốp không hơi  (05/12/2011)
Nga công bố thuốc chữa được AIDS  (04/12/2011)
Bữa cơm gia đình  (03/12/2011)
Nghĩa tình hòa giải   (03/12/2011)