Tản mạn:
Trùng phùng 30 năm
10:15', 3/3/ 2005 (GMT+7)

Mỗi năm vào dịp Tết, cô bạn từ Canada mà tôi quen từ thuở còn cắp sách đến trường lại về nước. Mỗi năm, bạn bè lại già thêm một tuổi, chẳng còn xốc nổi như những ngày còn trẻ. Mỗi năm, nỗi khao khát trở về quê hương của cô bạn càng lớn hơn. Cô nói: "Những người không ra đi hạnh phúc hơn nhiều".

Cái hạnh phúc của cô muốn nói đến khi đã có bao nhiêu năm kiếm sống ở xứ người chính là thứ văn hóa Việt của người Việt thấm đẫm trong lòng người. Ra đi, gặp vận may có thể có bạc tiền theo xã hội xứ người. Nhưng ngẫm lại mà xem cuộc sống được gì? Quay cuồng với những chuyến bus, những chiếc kim đồng hồ trong cuộc kiếm sống. Ăn không kịp ăn, ngủ không tròn giấc. Gặp mặt bạn bè còn khó hơn bất cứ điều gì? Còn nữa, rồi thói quen sòng phẳng, ăn bữa ăn ở quán cũng cộng lại chia ra là thói quen. Là thói quen để chiếc đồng hồ báo thức bên mình khi ngủ, cả thói quen cho xe chạy một tốc độ quy định trên con đường quen thuộc mỗi ngày. Có thể khi tuổi đã lớn, sự bon chen kiếm sống bên xứ người đã làm cho bước chân người heo hắt. Nỗi nhớ quê như là nỗi nhớ tình yêu cứ thấm sâu vào lòng những người con xa xứ sau 30 năm kể từ ngày 30-4-1975 đã hằn vào trái tim những người ra đi vào ngày ấy - khi họ chỉ ở tuổi đôi mươi.

Ừ, ba mươi năm đối với cuộc đời chỉ là vài dòng trong sử sách. Nhưng ba mươi năm của đời người là ba mươi mùa nắng mưa với biết bao nhiêu cuộc đổi dời. Đối với cô bạn may mắn của tôi còn có ba mươi chuyến về trong mùa xuân. Còn có bao nhiêu người khi tờ lịch rụng đến trang cuối cùng của năm, không đủ điều kiện để có một chỗ ngồi trên chuyến bay trở về trùng phùng, để rồi ngồi cùng nhau ở một căn phòng nào đó mà nhớ quê.

Đều đặn như thế cả hơn 10 năm trời tôi vẫn rủ cô bạn xa xứ đi uống cà phê mỗi khi cô trở về. Mỗi năm tưởng lâu nhưng thật ra mau tới. Nếu có tấm gương soi quá khứ sẽ bật dậy giật mình: "Đầu mình chớm bạc hết rồi ư?". Và nữa, mỗi lần cô về lại nghe tin một người bạn đã chết. Lần lượt những cuộc chia tay mà không có thể nào thắp cho nhau một nén hương tưởng nhớ. Tôi nói với cô: "Chỉ cần ngồi ở bất cứ quán cà phê nào bên lề đường, ngắm nhìn người qua lại, nghe được tiếng nói nước mình là vui.". Thật ra thì tôi cũng đã từng có cơ hội để ra đi, rồi tôi không chọn cách tha phương.

Ba mươi năm từ ngày đất nước trùng phùng, Bắc Nam nối liền một dải - có rất nhiều bạn bè tôi ra nước ngoài. Họ làm đủ nghề để mưu sinh ở đủ mọi nước trên thế giới. Lúc đầu họ chê trách tôi là "không lo cho tương lai con cái", vì ở xứ người con cái có điều kiện học hành hơn. Giờ đây đứa con lớn của tôi đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp, con gái nhỏ cũng chỉ còn một năm nữa hoàn tất chương trình đại học. Vậy thì cần gì phải ra đi để lo tương lai cho con cái? Bạn bè tôi nói thế, nhưng tâm trạng tìm bạn mỗi chuyến về của họ rất quý. Thỉnh thoảng chuông điện thoại nhà tôi réo dục vào lúc 10, 11 giờ. Tiếng bên kia đầu dây luôn tha thiết: "Tao mới về. Ra quán X ngồi uống một ly nước nhá." Vậy là đi.

Mỗi lần về, cô bạn của tôi lại ngạc nhiên khi nhìn thấy sự đổi thay của đường phố, đổi thay cách sống của con người. Cô nói: "Có lẽ phải về thôi, nhất định phải về." Chắc chắn là khi đời đã mỏi những chuyến bay theo cách nói của tôi: "Mình ở trong nước, dù tiền bạc kiếm không được như ở xứ người nhưng mình cảm thấy lòng vui và bình an. Nhất là mỗi năm không phải tìm về."

Cuộc trùng phùng kỳ diệu của đất nước kể từ ngày 30-4-1975 đã 30 năm. Những đứa trẻ sinh vào năm ấy giờ đây cũng đã chững chạc nhận những trọng trách trong xã hội. Sống trong hòa bình, sống trong một đất nước bình yên, không ngừng đổi mới và xinh đẹp. Cũng từ thời điểm ấy, rất nhiều người ở miền Nam ra đi bằng nhiều phương tiện khác nhau bởi họ "sợ" không sống nổi với chế đội mới. Điều cũng dễ hiểu là vào thời điểm đất nước chia đôi bởi nhịp cầu Bến Hải, miền Nam sống bởi nguồn viện trợ của Mỹ, người dân miền Nam đâu biết gì về miền Bắc. Cuộc ra đi như thế dai dẳng cả 20 năm với nhiều hình thức khác nhau. Và giờ đây, những chuyến ra đi kết thúc, ngược lại là những chuyến về.

Không kể đến chuyện những người nổi danh như tướng Nguyễn Cao Kỳ, nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Duy Quang… chỉ nói đến những người bình thường, đang làm đủ mọi nghề ở xứ người, mà nơi đông đảo nhất chính là thành phố Cali, Mỹ. Người đi làm biển, người lái taxi, đưa thư, mở nhà hàng… Cũng không hiếm người thành đạt, có học vị và có cương vị. Có thể không là tất cả, nhưng những người tôi đã gặp đều mang trong lòng nỗi ham muốn trước khi nhắm mắt xuôi tay, được trở về quê hương. Nỗi khát khao trở về ấy đã từng được thổ lộ trong một bài thơ của Du Tử Lê, bài "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển":

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

đời lưu vong không cả một ngôi mồ

vùi đất lạ thịt xương e khó rã

hồn không đi sao trở lại quê nhà

 

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi

bên kia biển là quê hương tôi đó

rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

 

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi

cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối

biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi

30 năm đất nước nối liền một dải. Ba mươi năm là những cuộc trùng phùng. Tôi tự hào vì đã sống trọn đời mình trên quê hương mà không ngóng những chuyến về nao nức như bạn bè tôi.

. Khuê Việt Trường

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
CLB Nhiếp ảnh nữ Hải Âu sáng tác tại Bình Định   (01/03/2005)
Mối tình thơ vượt lên số phận  (28/02/2005)
Kết quả giải Oscar 2005  (28/02/2005)
Từ tiết Trùng cửu đến ngày thơ Nguyên tiêu  (28/02/2005)
Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác và "Thượng Kinh ký sự"  (27/02/2005)
Những kỷ niệm với nhà thơ Huy Cận   (25/02/2005)
Thơ: Lệ Thu, Phan Thành Minh, Giao Yên  (25/02/2005)
Hạnh phúc không giản đơn  (28/02/2005)
Thêm mấy cây bút nữ đáng chú ý  (24/02/2005)
Đêm thơ Nguyên tiêu nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ ba  (24/02/2005)
Chùm thơ nhân ngày Nguyên tiêu của Mai Thìn  (23/02/2005)
Nguyên Tiêu Bình Định  (23/02/2005)
Lưu diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ và nhân dân miền biển  (23/02/2005)
Ngày hội thơ năm nay: Ấm cúng và thiêng liêng  (23/02/2005)
Một nghệ sĩ VN làm giám khảo 2 cuộc thi piano quốc tế  (22/02/2005)