Folklore Tây Sơn: "Kho báu" đang chờ "vừng ơi..."
15:13', 1/3/ 2005 (GMT+7)

Trong lịch sử vận động của folklore (văn hóa dân gian, trí tuệ dân gian) Việt Nam, folklore Tây Sơn có một vị trí riêng. Với diện không gian rộng, phong phú, folklore Tây Sơn thực sự là một "trữ lượng" lớn. Tiếc thay, kho vàng ấy đến nay chưa được sưu tầm, nghiên cứu một cách quy mô, bài bản...

Theo GS Vũ Ngọc Khánh, hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và phong trào nông dân Tây Sơn trong cảm quan folklore vốn không chỉ đậm đặc ở trên quê hương Bình Định mà thôi. Từ vùng sông nước Tiền Giang - Nam Bộ cho tới biên giới Việt - Trung, từ miền Tây Sơn thượng đạo cho đến đất Phú Xuân, ta đều có thể bắt gặp những chuyện kể, câu ca về nhân vật lịch sử này.

Biểu diễn nhạc võ Tây Sơn (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Nếu trên đất Tây Sơn, nơi sinh thành của ba anh em nhà Tây Sơn, ta gặp những câu chuyện về cây me cũ, giếng trầu xưa trong khu vườn nhà cũ, chuyện Nguyễn Huệ mang hài cốt thân sinh bỏ vào miệng rồng, chuyện về kế chúa Tây Sơn tự ngồi trong cũi để lọt vào hang ổ địch… thì lên Tây Sơn thượng đạo, ta được nghe kể những câu chuyện về vực Muồng, nơi Nguyễn Huệ từng xuống bơi lội, có rồng ngũ sắc bơi theo làn nước xanh, rồi chuyện ngựa trắng hiện hình, chuyện về vườn cam bà Xuân, hay cây trầm bên dòng sông Đắc Đa chỉ tỏa hương khi Nguyễn Huệ đến... Rồi những câu chuyện xoay quanh núi ông Bình, ông Nhạc, đồng cô Hầu… vốn rất đậm đặc trên đất An Khê.

Nhưng cũng không chỉ văn học dân gian, mà ở nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác, ta đều có thể bắt gặp hình ảnh Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn. Này là điệu trống trận Tây Sơn với những bài khai trường, xuất quân, hành quân, hãm thành và khải hoàn; cả những bài thơ võ, vốn được xem là đặc sản Bình Định; đến những môn quyền thuật như Hùng kê quyền tương truyền do Nguyễn Lữ sáng tạo…

GS Vũ Ngọc Khánh: Đối với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, chúng tôi cho rằng có một sự kiện văn hóa dân gian, có thể mệnh danh là folklore Tây Sơn. Và sự kiện này cũng có những nét đặc trưng của nó so với toàn cục. Lâu nay, giới nghiên cứu cũng đã từng tiến hành những cuộc sưu tầm, khai thác, thường nặng về văn học dân gian. Song sự thực, đúng như bản sắc và tính chất văn hóa dân gian vốn là một tổng thể và đa dạng, folklore Tây Sơn có một phạm vi rộng lớn và phong phú hơn nhiều. Hơn nữa, còn có thể nêu thêm một nhận định folklore Tây Sơn có một vị trí riêng trong lịch sử vận động folklore Việt Nam. (Hành trình vào thế giới folklore Việt Nam)

 

Trữ lượng folklore Tây Sơn như vậy là phong phú, có diện phân bố rộng. Tiếc thay, việc sưu tầm, nghiên cứu hiện mới dừng ở những bước đi đầu tiên. Số lượng công trình về folklore Tây Sơn vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. Công trình Văn học Dân gian Tây Sơn (Nxb Trẻ, 1999) là một trong những bước đi đáng ghi nhận. Công trình do Nguyễn Xuân Nhân biên soạn, là kết quả của 10 năm sưu tầm trên đất Bình Định, cả nhiều cán bộ giảng dạy và tất cả sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Quy Nhơn từ khóa I đến khóa X. Tiếc thay, công việc ấy đã không được tiếp tục. Hơn thế, bản thân công trình này mới chỉ tập trung vào thơ ca dân gian và truyền thuyết lịch sử trong văn học dân gian, và cũng chỉ ở hai huyện Tây Sơn và An Khê mà chưa bao trùm hết đầy đủ không gian Tây Sơn. Ngay trong không gian đó, việc sưu tầm cũng chưa hẳn đã đủ đầy, nhất là với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên rất cần sự tiếp bước.

Nghiên cứu, sưu tầm folklore Tây Sơn là một việc làm cấp thiết. Ngoài ý nghĩa một sự tôn vinh, việc nghiên cứu sẽ góp phần làm rõ thêm bản chất của kho tàng văn hóa dân gian xung quanh chủ đề giữ nước, tôn vinh anh hùng dân tộc. Nên chăng, cần sớm có một chương trình sưu tầm, nghiên cứu, quy tụ những nhà nghiên cứu tâm huyết với đề tài này.  

. Khải Nhân

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trùng phùng 30 năm  (01/03/2005)
CLB Nhiếp ảnh nữ Hải Âu sáng tác tại Bình Định   (01/03/2005)
Mối tình thơ vượt lên số phận  (28/02/2005)
Kết quả giải Oscar 2005  (28/02/2005)
Từ tiết Trùng cửu đến ngày thơ Nguyên tiêu  (28/02/2005)
Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác và "Thượng Kinh ký sự"  (27/02/2005)
Những kỷ niệm với nhà thơ Huy Cận   (25/02/2005)
Thơ: Lệ Thu, Phan Thành Minh, Giao Yên  (25/02/2005)
Hạnh phúc không giản đơn  (28/02/2005)
Thêm mấy cây bút nữ đáng chú ý  (24/02/2005)
Đêm thơ Nguyên tiêu nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ ba  (24/02/2005)
Chùm thơ nhân ngày Nguyên tiêu của Mai Thìn  (23/02/2005)
Nguyên Tiêu Bình Định  (23/02/2005)
Lưu diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ và nhân dân miền biển  (23/02/2005)
Ngày hội thơ năm nay: Ấm cúng và thiêng liêng  (23/02/2005)