Nguyên Ngọc từng ví những con người Tây Nguyên quanh năm lang thang phiêu bạt như ngọn gió, như con nước, nơi nào vui thì đến, thích thì ở, chán thì đi… Với Tản mạn nhớ và quên, Nguyên Ngọc là người vẽ gió. Ngọn gió lang thang, ngọn gió vĩnh cửu của Tây Nguyên mang trong nó sức sống âm thầm mà bất tận của vùng đất bí mật và kỳ vĩ này.
Những ngọn gió ấy, như Y Vơn, như những người nghệ sĩ trời sinh từ trong máu, chỉ say sưa múa hát và đẽo tượng gỗ… đã là một phần rất quan trọng trong con người Tây Nguyên, rừng núi Tây Nguyên và văn hóa Tây Nguyên. Mà hẳn, ngay trong mỗi người Tây Nguyên, trong mỗi tâm hồn Tây Nguyên nào lại không có một ngọn gió? Và cũng không chỉ với người Tây Nguyên, cả Ông già trên đỉnh Hòn Nghệ, rồi Thào Mỹ trong Trở lại Mèo Vạc cũng như những ngọn gió lang thang, mà ẩn trong mỗi kiếp người như vậy, lại có biết bao điều thú vị cần khám phá.
Nguyên Ngọc cũng là một ngọn gió. Ngọn gió ấy, có hàng chục năm lăn lộn nơi chiến trường Tây Nguyên, lang thang khắp Tây Nguyên suốt một thời đánh Pháp, làm đủ thứ việc từ vận động quần chúng, tổ chức du kích, vũ trang tuyên truyền… Và hẳn nhiên, cả rong chơi la cà trong khắp các buôn làng Ê đê, Giarai, M'nông, Sêđăng, Triêng Dẻ, Cor… Tâm hồn Nguyên Ngọc bởi vậy đã thấm đẫm chất Tây Nguyên, đẫm tâm hồn Tây Nguyên, hiểu Tây Nguyên từ trong máu. Hẳn với ông, Tây Nguyên đã là tất cả. Có thể dùng chính điều ông đã viết về nhà văn Trung Trung Đỉnh để nói về ông: "đối với anh Tây Nguyên là tất cả. Là cuộc đời anh, là nỗi ám ảnh, là sự mê hoặc, là sự rơi chìm, nhấn chìm, trùm lên toàn bộ cuộc đời anh, mê mẩn suốt đời, không cách gì rứt ra, thoát ra được, cho đến chết... Tây Nguyên đã làm ra anh, con người anh, cuộc đời anh, số phận anh, kiếp người anh".
Từ những chuyến đi như vậy và cả những cuộc trở về sau ngày hòa bình, ông đã gặt hái, bằng Đất nước đứng lên, bằng Rừng xà nu, bằng Tháng Ninh Nông (tên những tác phẩm của Nguyên Ngọc)… Nhưng vẫn còn những câu chuyện, những điều lẩn vẩn trong trí nhớ, nhưng chưa hiện lên thành những trang viết, cả những điều ông tưởng đã bỏ quên trong chiều sâu ký ức nay đã trở lại và đến với bạn đọc qua những trang viết của Tản mạn nhớ và quên.
Điều chúng ta có thể tâm đắc nhất với Nguyên Ngọc trong cuốn sách này không ở cách hành văn. Dẫu chỉ có cách hành văn của một người có chữ mới có thể làm ta đọc những trang viết về những đề tài xa lạ, tưởng là khô khan này một mạch một cách hấp dẫn, say sưa đến vậy. Càng không vì những câu chuyện ly kỳ, lạ lẫm về Tây Nguyên, vì điều này thì ta dễ dàng gặp trong nhiều phóng sự, bút ký viết về Tây Nguyên gần đây. Cái chính là với những bài viết này, ta có dịp được tiếp cận một mảng, một phần tâm hồn Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên và từ đó, gợi trong ta những suy tư về đất và người nơi này.
Không thấu hiểu văn hóa Tây Nguyên, Nguyên Ngọc đã không thể vẽ nên bằng ngôn từ những con người Tây Nguyên, như Yvơn, như anh hùng Núp, hay cả như nhà thơ Ngọc Anh…. càng không thể có Tượng gỗ rừng già, Lễ thổi tai và rượu cần, Tản mạn nhớ và quên, Rừng trong văn hóa Tây Nguyên, Nhà rông, Hồn của làng. Đọc, suy ngẫm, ta hiểu thêm và lý giải được rất nhiều điều về văn hóa Tây Nguyên đã đành, và qua đó, ta suy chiếu để thấy những bất cập ngay trong những phong trào đang được tiến hành rầm rộ hiện tại, như xây dựng nhà rông văn hóa, nhà văn hóa xã… Nguyên Ngọc đã viết, thật chí lý: "Mới hay những ý định tốt chưa là gì cả, nếu không cơ sở trên những hiểu biết đúng đắn. Hiểu biết chiều sâu văn hóa thâm thúy của những điều tưởng rất bình thường".
Hẳn nhiên, những bài viết khác trong cuốn sách này, từ Ông già trên đỉnh hòn Nghệ, Trở lại mèo Vạc, Tản mạn Hội An, Còn một Hà Nội, ở phía sau… cũng là những ghi chép nhặt dọc trong hành trình nhớ và quên, ấp ủ theo đó không biết bao tâm huyết của Nguyên Ngọc. Càng không thể không nói đến những thiên ký sự, như Có một con đường mòn trên Biển Đông, rồi Cát cháy như một khía cạnh khác của cây bút Nguyên Ngọc.
Hãy đọc "Tản mạn nhớ và quên" để mong muốn xiết bao một lần hội ngộ Tây Nguyên, Hội An, Điện Bàn, Đồng Văn, Mèo Vạc…. Nơi ấy, dẫu có thể ta chưa một lần qua, nhưng sau khi đọc những trang sách này bỗng thân quen lạ. Dường như, ta cũng đã bỏ lại ở đó, trên những địa danh này, một nỗi nhớ không nguôi.
. Lê Viết Thọ
(*) Nhân đọc Tản mạn nhớ và quên của Nguyên Ngọc, Nxb. Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, quý I - 2005.
|