Sau già nửa thế kỷ trong hành trình chinh phục cái đẹp, dấu chân in trên mọi nẻo đường Tổ quốc, đạt rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, đến nay do tuổi già sức yếu, lão nghệ sĩ Võ An Ninh đã thực sự nghỉ ngơi. Di chuyển khó khăn, mắt đã mờ nhưng trí tuệ cụ Võ còn rất mẫn tiệp. Trải qua hầu hết những thăng trầm của lịch sử đất nước thế kỷ 20, năm 2005 này, cụ Võ An Ninh bước vào mùa xuân thứ 100 của cuộc đời.
1.
|
Trên chiếc xe lăn, NSNA Võ An Ninh vẫn đến quảng trường Nhà hát thành phố nghe nhạc và... mua bóng bay - ảnh Nhân Dân |
Năm 1930 nhờ sự bảo trợ của nhà hàng Godart, anh thanh tra kiểm lâm Võ An Ninh được mua trả dần chiếc máy ảnh Đức tuyệt vời lúc bấy giờ hiệu Zeiss Ikon sản xuất năm 1928 giá 32,5 đồng, một số tiền rất lớn khi ấy. Chiếc máy ảnh này là "người tình chung thủy" theo Võ An Ninh đến tận ngày nay. Năm 1933 Võ An Ninh đã có mặt ở Sa Pa và có ảnh, năm 1956, 1960 cụ lại lên, nhưng đến 1961 mới có tấm ảnh ưng ý. Chính bức ảnh Đôi nét thủy mặc Sa Pa này đã đem đến cho cụ bằng khen triển lãm ảnh quốc tế BIFOTA (Berlin) 1965. Cũng giống trường hợp trên, năm 1943 cụ đã có ảnh Thiếu nữ Êđê, năm 1981 cụ lại chụp Thiếu nữ Êđê, cụ bảo chỉ cần nhìn ảnh là thấy được sự đổi đời của các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh Võ An Ninh có chất thơ, có tính sử thi là như vậy. Cụ rất tự hào về năng khiếu bẩm sinh của mình, nhất là về hội họa. Từ mấy năm nay Võ An Ninh có thời gian ở nhà và ngồi soạn phim, ảnh để chuẩn bị cho ra đời cuốn sách ảnh thứ hai bởi vì còn nhiều ảnh quý lắm, nếu không in ra thì sẽ thất lạc hoặc hư hỏng. Hai mảng ảnh lớn là Phóng sự ảnh về hoạt động của Hồ Chủ tịch 1945-1946, Phóng sự ảnh về thanh niên và nhân dân Sài Gòn đấu tranh chống Mỹ (1950). Những tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh, cùng bộ ảnh tư liệu duy nhất về nạn đói năm 1945 vẫn chưa có trong cuốn sách đầu.
Trong một chuyến đi săn ảnh với 9 anh em ở vùng quê tại Nam Định, Võ An Ninh dám "chấp" anh em chọn cảnh chụp trước, còn mình chọn những góc mà anh em... không thèm để ý. Dẫu vậy, tác phẩm của Võ An Ninh lúc đó khiến đồng nghiệp kinh ngạc. Theo cụ, cái quan trọng nhất của người nghệ sĩ là phải đi nhiều. Đi và thu lại trong ống kính của mình những hình ảnh và sự kiện, bởi chỉ "quanh quẩn xó nhà" rồi cũng sẽ nhàm. Sức đi của cụ khiến mọi người kinh ngạc. Để "chinh phục Sa Pa", cụ đã lên đó không dưới 40 lần, từng đứng lên yên ngựa, vươn qua hàng rào thưa chọn góc độ đẹp để bấm máy, hoặc ngồi "rình" cả tuần liền để "chớp" được khoảnh khắc cả Sa Pa trong biển mây trắng bồng bềnh.
Cụ Võ được anh em đồng nghiệp gọi là người luôn "đầu têu" ra đề tài mới: người đầu tiên giới thiệu Sa Pa với công chúng; người phát hiện ra những cái đẹp "một đi không trở lại" của thời đại như cảnh chợ hoa ngày Tết, vẻ đẹp của các cô thiếu nữ thời những năm 30, những ông đồ nho bày mực tàu giấy dó viết câu đối xuân, đưa bút hất lên nét cong sống động... Các nhà phê bình nghệ thuật Pháp đã gọi cụ Võ là "con người của phong cảnh". TỔ QUỐC trong tác phẩm Võ An Ninh đẹp như những áng thơ giàu chất sử thi. Hỏi cụ có bí quyết riêng gì khi cầm máy, cụ sôi nổi: "Thực ra cũng là cảnh ấy nhưng chỉ cần nhích máy lên cao một chút hoặc thấp xuống một chút, sang trái một chút hoặc sang phải một chút... là bức ảnh đã khác. Phải "bới" chỗ đó ra bằng mắt để chộp được cái đẹp".
2.
Phụ nữ luôn là đề tài hấp dẫn cho các nhà nhiếp ảnh. Ảnh phụ nữ so với khối lượng tác phẩm của cụ Võ không nhiều, song đều rất ấn tượng, khắc họa được cái đẹp đằm thắm rất riêng của phụ nữ Việt ở mỗi vùng đất, qua mỗi thời kỳ. Rất nhiều ảnh phụ nữ cụ Võ chụp đã bị hủy hoại bởi... những cơn ghen của người vợ quá cố. "Vợ của tôi ghen lắm! Ghen ơi là ghen! Mà tôi thì rất "nhát": nhiều phụ nữ theo đuổi nhưng không khi nào dám "dây" vào. Niềm say mê cầm máy là tất cả đối với tôi. Bạn bè thường đùa: cổng nhà thằng Ninh phải dán chữ: nhà có vợ dữ! Vâng, quả thật là đã có lúc bà ấy lấy kim chọc... thủng mắt phụ nữ trong các tấm phim mà tôi đã chụp. Chuyện này cũng đã được nhiều bài báo quốc tế nhắc đến". Nhiều người biết tính bà vợ ghen nên càng trêu chọc. Mà trêu rất "ác". Trong một buổi chợ, có bốn cô gái đi du xuân thấy hai vợ chồng anh chàng nhiếp ảnh bèn cố ý vẫy chàng đầy... tình ý. Lập tức bà xã sôi sục: "Kìa! Ra với các mẹ đi không có lại bất hiếu". Khi chàng nghệ sĩ bị tai nạn, phải cưa nửa bàn chân, vài phụ nữ vào viện thăm cũng bị vợ ngấm nguýt, dằn vặt.
Gần 70 năm cầm máy, khối lượng phim ảnh của cụ Võ thật đồ sộ. Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước muốn nghiên cứu về các tác phẩm của cụ, nhưng gia đình không thể giở hết những kho phim ảnh ấy ra được. Con cái cụ có ý định lập cho cụ một bảo tàng cá nhân trên mảnh đất của gia đình ở quận 2. Nhưng không may, mảnh đất ấy rơi vào khu quy hoạch "treo" từ nhiều năm nay. Gia đình yêu cầu được đổi lấy mảnh đất khác để có thể mở bảo tàng, đó cũng là nguyện vọng của Sở Văn hóa, Hội Nhiếp ảnh TPHCM và những người yêu kính cụ Võ, nhưng vẫn phải chờ... quy hoạch. "Chờ thì chờ đến bao giờ? Nếu tôi chết đi, kho tư liệu này hỏng rồi mọi người mới tiếc rẻ thì đã quá muộn", cụ Võ than thở.
3.
Sinh năm 1907 (Đinh Mùi), nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh sống gần trọn thế kỷ 20 và đã nhận giải thưởng lớn đầu tiên năm 1935 (giải ngoại hạng của Hội Mỹ thuật kỹ nghệ Việt Nam cho tác phẩm Buổi sớm trên đê sông Hồng), gắn bó với nhiếp ảnh cả cuộc đời, ở các cột mốc 70, 80, 90 tuổi, Võ An Ninh được Nhà nước và nhân dân trao cho những phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng nhì (1984), Sách ảnh Võ An Ninh do TTXVN in tặng (1991), Huân chương Độc lập hạng ba, Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1-1996). |
Võ An Ninh gần như đã đi khắp Đông Dương, nếu biết từ năm 1937 cụ đã mất một bàn chân sau một tai nạn giao thông và di chuyển chủ yếu bằng xe đạp thì ta càng khâm phục nghị lực và tình yêu thiên nhiên của cụ. Thật sự theo đuổi thú chơi ảnh (cho đến bây giờ cụ vẫn chưa bao giờ làm ảnh dịch vụ) chính cụ và gia đình đã phải chịu nhiều gian nan. Nhiều phim chụp các thiếu nữ khi phơi gió bị cụ bà lấy kim chọc mắt, rồi tiền bạc để mua gạo thành tiền mua phim, lo nghĩ buồn phiền cụ bà đã mất khi mới 32 tuổi (1952). Người vợ thứ hai biết chẳng thể cản được thú chơi ảnh nên chịu lo toan thay chồng để ông yên lòng mà theo đuổi nghiệp ảnh. Không chỉ biết ơn người nhà, để có được những ảnh đẹp về Sa Pa, cụ Võ không thể quên ơn chính quyền và nhân dân Sa Pa, anh Thái - người đã dắt ngựa để cụ vào tận Lao Chải chọn góc chụp (1961), ăn ở với dân cả tuần đợi sương mù, đợi mây để tạo ra một bài thơ Sa Pa tuyệt vời mà đến nay dù đã có hàng vạn ảnh Sa Pa được công bố, song Sa Pa của Võ An Ninh vẫn đặc sắc một vẻ riêng. Chẳng quên ơn nghĩa ấy, tháng 12 năm 1994 Võ An Ninh lại leo tàu hỏa đi Sa Pa để gặp người cũ mà cảm ơn và tặng sách ảnh của mình. Cả một đời hiến trọn cho nhiếp ảnh, toàn bộ ảnh của Võ An Ninh đã công bố hay sắp công bố là một trang sử sống động của Việt Nam gần suốt thế kỷ 20. Đó là cái giá quý nhất Võ An Ninh dành cho chúng ta.
Ảnh Võ An Ninh cũng là những tư liệu lịch sử quý giá, lưu giữ những gì đã mất đi không cưỡng lại được bởi thời gian, chiến tranh và cả sự hủy hoại của con người. Những bức ảnh cụ chụp ở Tây Nguyên những năm 40 của thế kỷ vừa qua đi là sử liệu quý cho công việc nghiên cứu Tây Nguyên. Ngày nay chúng ta không còn gặp được những người dân tộc Êđê, Bana... như trong ảnh nữa, cũng như sẽ không còn tìm thấy những bản làng, những thớt voi Tây Nguyên như trong ảnh cụ hơn 60 năm trước. Và mãi mãi là một hoài niệm hình ảnh những cụ đồ gò lưng viết câu đối Tết trên phố Hà Nội năm 1940, mãi mãi không tìm lại được hình ảnh cô thôn nữ khăn mỏ quạ, áo tứ thân lả mình trên đống rơm trong tác phẩm Hương lúa chụp năm 1950 ở Hà Đông; hay những cô thiếu nữ Sài thành hoa lệ trong tà áo dài và kiểu tóc đặc trưng thập niên 50 được cụ Võ chụp trước Lăng Ông Bà Chiểu.
Có thể nói ở chủ đề Tổ quốc, chưa tác giả nhiếp ảnh nào làm được như cụ Võ. Và không chỉ ghi chép Tổ quốc rộng dài qua ống kính, cụ Võ còn tô đậm những hình ảnh đất nước bằng chất thơ trữ tình của một nghệ sĩ lớn, bằng tâm hồn của một bậc minh triết.
. Kiều Phong (biên soạn)
|