Nghệ sĩ Hoàng Minh: Chân hia, chân đất
9:2', 11/3/ 2005 (GMT+7)

Nguyễn Hoàng Minh sinh năm 1967, quê ở thôn An Hòa, xã Phước An, huyện Tuy Phước. Lớn lên ở vùng đất có truyền thống hát bội với những danh ca nổi tiếng như chánh ca Đựng, chánh ca Nhì, phó ca Thơm, bầu Sa, Thập Ân, nên thuở nhỏ, cậu thiếu niên Hoàng Minh đã rất đam mê tiếng trống chầu, đắm đuối với bộ sắm vai của người cô ruột là Võ Thị Ngọc Cầm, người anh rể là ông bầu Ngọc Cẩm trong các vai kép như Lữ Bố, Địch Thanh...

Nghệ sĩ Hoàng Minh sắm vai Cao Hoài Đức trong vở tuồng Đào Tam Xuân loạn trào.      

Với chất giọng trời phú và lòng say mê nghệ thuật hát bội, anh đã vào học Trường trung học Văn hóa - Nghệ thuật của tỉnh từ năm 1979 đến năm 1983. Sau đó về Nhà hát tuồng Đào Tấn. Những vai diễn mà Hoàng Minh đã sắm như Quan Công, Trương Phi trong vở Tam Quốc, Võ Tam Tư trong vở Hộ sanh đàn, Cao Hoài Đức trong vở Trảm Trịnh Ân (Đào Tam Xuân loạn trào) và các vai trong truyện tiểu thuyết như Hoàng Thanh Phong trong vở Cây đắng sanh trái ngọt, Diệm Thiên Hùng trong vở Tam hùng kiệt... đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Đến năm 1987, Hoàng Minh xin về địa phương tham gia Đoàn tuồng Đồng Ấu của xã cho đến năm 1998. Thời gian này Đoàn hát bội ở Phước An có sự thay đổi, một số diễn viên lâu năm phải bỏ nghề vì thu nhập nghiệp hát không đủ cho cuộc sống, trưởng đoàn đã giải tán đoàn hát và đi lập nghiệp nơi khác. Nguyễn Hoàng Minh đã đứng ra nhận trọng trách này, khôi phục lại đoàn hát và làm trưởng đoàn cho đến nay.

Đoàn hát bội ở Phước An sau đổi tên là Câu lạc bộ Tuồng Phước An, một trong mười câu lạc bộ tuồng không chuyên của tỉnh, đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật truyền thống của bà con trong tỉnh, vùng lân cận, nhất là việc thực hiện hát án tại các đình, đền thờ, lăng tẩm nhân ngày lễ hội, khánh thành...Trong những năm qua, sân khấu nghệ thuật hát bội, bài chòi cổ nói riêng có những bước thăng trầm, khó khăn song với tinh thần yêu nghề, mến mộ nền nghệ thuật truyền thống, Đoàn hát bội ở Phước An với trọng trách tập hợp lực lượng của bầu Minh, đã khắc phục khó khăn, đi biểu diễn mọi nơi cả những vùng sâu vùng xa nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống của nhân dân.

Vợ anh, nghệ sĩ Ngọc Hương, cũng là diễn viên chính của Câu lạc bộ Tuồng Phước An. Cuộc sống gia đình của anh còn nhiều vất vả. Với hai sào ruộng, ba sào đất thổ và hơn một sào đất vườn nhà, ngày thì làm đồng, chăm sóc vườn cây, đêm đến làm giá đậu xanh, diễn tuồng để mưu sinh. Hát bội như đã thấm vào máu thịt, vào hơi thở của nghệ sĩ Hoàng Minh.

Hoàng Minh đã đạt giải huy chương Bạc trong hội diễn kịch ngắn toàn quốc năm 1996 tổ chức tại Quảng Ngãi, giải nhì tại Liên hoan sân khấu truyền thống không chuyên tỉnh Bình Định năm 2003 tổ chức tại thành phố Quy Nhơn.

. Nguyễn Văn Ngọc

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những hình ảnh chưa biết về cuộc chiến tranh Việt Nam   (10/03/2005)
Tập luyện chuẩn bị Lễ hội kỷ niệm 30 năm giải phóng Bình Định  (09/03/2005)
Nỗi niềm di sản   (09/03/2005)
Cảm hứng về thân phận người phụ nữ trong thơ ca hiện đại  (08/03/2005)
Một bé gái Việt Nam 12 tuổi đoạt giải "Thơ vì hòa bình" quốc tế   (08/03/2005)
Tao ngộ với những giấc mơ  (07/03/2005)
Kết quả giải VTV - Bài hát tôi yêu lần III  (07/03/2005)
NSND Trọng Bằng nhận giải thưởng hòa bình quốc tế  (07/03/2005)
Michelangelo - một thiên tài nghệ thuật  (07/03/2005)
Thơ: Nguyễn Khắc Tuấn, Hồ Thế Phất   (04/03/2005)
Gặp Hải Âu trên đường xuyên Việt   (04/03/2005)
Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh và ước mơ tuổi 100   (03/03/2005)
"Nhớ và quên" với Nguyên Ngọc (*)   (03/03/2005)
''Mùa len trâu'' sẽ đi dự Oscar  (03/03/2005)
Folklore Tây Sơn: "Kho báu" đang chờ "vừng ơi..."  (01/03/2005)