Quê nhà Bình Định với nhà thơ Quách Tấn:
"Nửa xuân gần gũi, nửa xa xôi"
10:45', 13/3/ 2005 (GMT+7)

Nhà thơ Quách Tấn (1910-1992) sinh quán tại thôn Trường Định, huyện Bình Khê, nay là xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn (Bình Định). Từ năm 1929, sau khi đậu bằng Cao đẳng tiểu học, ông lần lượt được bổ làm việc ở Tòa sứ Huế, Đồng Nai và cuối cùng ở Nha Trang.

Nhà thơ Quách Tấn

Trong khoảng thời gian từ 1945-1954, Quách Tấn cùng gia đình tản cư về Bình Định, làm Ủy viên Ủy ban ủng hộ kháng chiến, và làm thủ quỹ Mặt trận Liên hiệp quốc dân Bình Khê, sau đó dạy học ở các trường phổ thông An Nhơn, Bình Khê, Bồng Sơn. Sau hòa bình lập lại, 1954, ông ở lại Nha Trang làm công chức một thời gian, rồi về hưu từ năm 1965.

Quách Tấn bước vào làng văn với sự giúp đỡ và hướng dẫn của thi sĩ Tản Đà và nhà cách mạng - thi nhân Phan Bội Châu từ năm 1932.  Ngoài việc làm thơ, với 2 tập thơ tiêu biểu được xuất bản: Một tấm lòng (1939), Mùa cổ điển (1941) thì Quách Tấn biết đến với những tập biên khảo về dư địa chí, ca ngợi danh lam thắng cảnh của đất nước, mà cụ thể là: Nước non Bình Định (1968), Xứ Trầm Hương (1969).

Những tập dư địa chí của Quách Tấn, ngoài việc ca ngợi danh thắng của quê hương, đất nước còn ẩn giấu sâu xa tình cảm biết ơn của mình đối với hai quê hương của ông, Khánh Hòa và Bình Định, mà nhất là với Bình Định.

Chính trong "Lời thưa" mở đầu tập biên khảo "Nước non Bình Định" của mình, Quách Tấn đã viết:

"Bình Định là quê hương tôi.

- Ôi! Không đâu đẹp bằng quê hương!

Lời em bé học trường làng ngày xưa mãi vang vọng trong tâm trí. Và cũng như em bé, tôi thấy quê hương đẹp không đâu bằng!

Thấy quê hương đẹp không đâu bằng, vì không yêu đâu bằng quê hương.

Yêu nhau phải nói bằng lời. Cho nên tôi viết về Bình Định. Viết để nói lên những gì biết được và có thể nói được, cho thỏa lòng ấp ủ bấy lâu".

Tấm lòng của Quách Tấn luôn đau đáu về quê hương Bình Định cứ hiện diện mãi trong cuộc sống hằng ngày và trong sâu thẳm tâm linh, khi xuân đến tết về. Tình cờ tôi đọc được tình cảm ấy qua hồi ức dưới đây của ông Quách Giao về người cha của mình, khi nhà thơ đi xa đã 3 năm, trên báo Văn hóa số Xuân 1995, mà tôi muốn chia sẻ với bạn đọc:

"Lễ cúng của gia đình tôi rất đơn giản. Hằng năm cứ đến giao thừa thì ba tôi chỉ thắp nhang và trên bàn thờ chỉ có một đĩa mứt và bình trà.

Trong khi ba tôi lên đèn thì má tôi pha trà và tôi đốt trầm. Khi làm lễ, ba tôi trong chiếc áo dài đen đã bạc màu, trang nghiêm như một nho sĩ thuở còn phong kiến. Trong ánh hồng lạp chập chờn, khói hương trầm nghi ngút, giờ giao thừa lặng lẽ đến với ba tôi.

Lễ xong hai cha con ra đứng ngoài sân ngắm nhìn bầu trời trong sáng. Có lẽ riêng ở Nha Trang thường bầu trời trong đêm giao thừa không gợn một chút mây. Có đôi khi chiều 30 trời lác đác mưa sương, nhưng đến lúc giao thừa bầu trời lại trong sáng, khí trời lại ấm. Khách du xuân đã bắt đầu khởi hành. Hai cha con tôi lại trở vào ăn mứt uống nước trà. Đã từ lâu ba tôi không còn giữ lệ đi xuất hành đầu năm. Thời tiền chiến tôi thường hay theo ba tôi đi Tháp Bà trong đêm giao thừa. Thời hậu chiến dường như ba tôi bỏ hẳn thông lệ này.

Trong khi ngồi ăn mứt trong giao thừa ba tôi thường tâm sự:

Ba tôi luôn có hai quê hương. Một là quê hương Bình Định, nơi chôn rau cắt rốn. Tại quê hương này ba tôi được nuôi dưỡng, đùm bọc bởi bà nội tôi tại Trường Định và ông bà ngoại tôi ở tại Phú Phong.

Một là quê hương Khánh Hòa nơi ba tôi sinh sống từ năm 1935. Tại quê hương này, tràn đầy những kỷ niệm của đời thơ. Trong bài thơ "Nhớ nhà", cha tôi viết:

Nha Trang, Trường Định, Phú Phong

Nước mây chung một nỗi lòng chia ba

Khi hôm mộng trở về nhà

Tỉnh ra chẳng nhớ rõ là về đâu

Cho nên hằng năm ba tôi đều về ăn Tết ở hai nơi: ở Nha Trang với gia đình và ở Bình Định với bà con nội ngoại.

Từ năm 1988, phần mắt kém, phần sức khỏe giảm sút nên ba tôi không về quê hương Bình Định được. Nỗi buồn thương vẫn day dứt trong lòng.

Năm 1991, Tết Tân Mùi, ba tôi có bài cảm thuật:

Tám mươi ba tuổi Tết Tân Mùi

Vợ đã qua đời mắt lại đui

Số vậy thân đành cam chịu vậy

Người vui mình cũng gượng làm vui

Trang lòng dĩ vãng nâng niu nhúm

Bếp lửa ưu tư lặng lẽ vùi

Ngồi tựa bình mai nghe pháo nổ

Nửa xuân gần gũi, nửa xa xôi

Nguyên chiều 30, tôi đi chợ Tết muộn, nhưng lại mua được một nhánh mai nhỏ, nở đầy bông. Tôi cắm nhành hoa trên bàn thờ trong phòng ba tôi. Đêm giao thừa hoa tỏa hương ngát khắp phòng. Ba tôi ngồi lặng lẽ bên bình mai, gò má ướt đầm nước mắt.

Nhiều người đọc câu cuối của bài thơ trên vẫn nghĩ rằng đó là lời than thở của một kẻ bất đắc chí "Nửa xuân gần gũi, nửa xa xôi" chớ không rõ ba tôi rất hạnh phúc khi xuân về, nhưng trong hương mai, trong không khí của mùa xuân lòng vẫn nhớ thương quê hương Bình Định mà thân già, mắt bệnh không bao giờ có dịp trở về thăm trong dịp xuân sang".

. Trần Xuân Toàn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
A Tường vứt xe đạp  (11/03/2005)
Thanh Lam với Nắng lên  (11/03/2005)
Nghệ sĩ Hoàng Minh: Chân hia, chân đất  (11/03/2005)
Những hình ảnh chưa biết về cuộc chiến tranh Việt Nam   (10/03/2005)
Tập luyện chuẩn bị Lễ hội kỷ niệm 30 năm giải phóng Bình Định  (09/03/2005)
Nỗi niềm di sản   (09/03/2005)
Cảm hứng về thân phận người phụ nữ trong thơ ca hiện đại  (08/03/2005)
Một bé gái Việt Nam 12 tuổi đoạt giải "Thơ vì hòa bình" quốc tế   (08/03/2005)
Tao ngộ với những giấc mơ  (07/03/2005)
Kết quả giải VTV - Bài hát tôi yêu lần III  (07/03/2005)
NSND Trọng Bằng nhận giải thưởng hòa bình quốc tế  (07/03/2005)
Michelangelo - một thiên tài nghệ thuật  (07/03/2005)
Thơ: Nguyễn Khắc Tuấn, Hồ Thế Phất   (04/03/2005)
Gặp Hải Âu trên đường xuyên Việt   (04/03/2005)
Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh và ước mơ tuổi 100   (03/03/2005)