Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 87 và Chỉ thị 814 về Tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng và triển khai Nghị định 11 của Chính phủ, đã có nhiều ý kiến bày tỏ về những vấn đề bức xúc đang đặt ra từ thực tiễn quản lý các dịch vụ văn hóa.
|
Kiểm tra một cơ sở kinh doanh internet. Ảnh: T.X
|
* Kinh doanh internet: vấn đề "nóng"
Hầu hết các ý kiến thảo luận tại hội nghị đều đề cập đến kinh doanh internet - vấn đề có thể được coi là "nóng" nhất trong hoạt động dịch vụ văn hóa trên địa bàn Bình Định hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn, cho rằng: hoạt động kinh doanh internet hiện rất phức tạp và khó quản lý. Tại nhiều điểm internet khách hàng đã truy cập vào các trang web đồi trụy, hoặc học sinh bỏ học vì mê trò chơi điện tử trên mạng. Ông Sơn công bố con số giật mình: năm 2005, thành phố Quy Nhơn có đến hơn 300 em học sinh bỏ học để đi chơi game online. Mặc dù thành phố đã có nhiều biện pháp như: làm việc cụ thể với từng phường, xã; gởi danh sách cụ thể từng em học sinh bỏ học để chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương giáo dục, vận động, nhưng việc học sinh bỏ học vẫn còn tiếp diễn. Và từ đầu năm 2006 đến nay, lại có tới 113 em học sinh bỏ học.
Còn theo ông Trần Hữu Hộ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, thì tại Hoài Nhơn hiện có trên dưới 100 địa điểm kinh doanh internet. Sự phát triển như vậy là nhanh nhưng đi liền với nó là nhiều vấn đề đáng lo ngại. Nhà nước quy định trẻ em dưới 14 tuổi phải có người bảo lãnh khi tới các điểm truy cập internet, nhưng trên thực tế không cơ sở kinh doanh nào áp dụng đúng quy định này và phần lớn khách hàng của các điểm kinh doanh internet là học sinh nhỏ tuổi. Việc kiểm soát nội dung truy cập cũng như phát hiện xử lý vi phạm ở các điểm internet là rất khó, nhất là đối với cấp huyện vốn hãy còn thiếu về nhân lực và kinh phí.
Để khắc phục những tình trạng trên, có đại biểu đề nghị ngành bưu điện cần thường xuyên kiểm tra các đại lý internet. Nếu đại lý nào thực hiện không đúng các quy định thì yêu cầu chuyển địa điểm hoạt động hoặc thu hồi giấy phép. Đồng thời, khi cấp phép đại lý internet cần thông báo cho địa phương biết để tiện việc kiểm tra, xử lý.
* Karaoke: vướng mắc ở trình tự thủ tục
Trong lĩnh vực kinh doanh karaoke, vướng mắc nhất là xung quanh vấn đề cấp, đổi giấy phép kinh doanh karaoke, nhất là theo quy định của Nghị định 11. Theo ông Trần Hữu Hộ, trình tự thủ tục để cho phép hoạt động kinh doanh karaoke hiện chưa cụ thể và còn bất cập. Chẳng hạn, việc đăng ký kinh doanh karaoke thì theo cơ chế "một cửa". Nhưng theo quy định của UBND tỉnh thì trước khi cấp giấy phép cần kiểm tra cơ sở đó có đủ điều kiện kinh doanh karaoke chưa. Điều này là rất khó vì nơi thực hiện cơ chế "một cửa" ở cấp cơ sở thường chỉ có 3 cán bộ, lại đảm đương một khối lượng công việc lớn, nên không có thời gian kiểm tra. Trong khi đó, lại không thể để Trung tâm Văn hóa - Thể thao hay UBND các xã, thị trấn kiểm tra và xác nhận về điều kiện kinh doanh của các cơ sở, vì sợ sẽ vi phạm thủ tục hành chính. Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Nguyễn Minh Phụng cho rằng: quy định UBND huyện cấp giấy phép kinh doanh trước, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh cấp giấy phép hành nghề sau vẫn còn bất cập. Bởi nếu huyện đã cấp giấy phép kinh doanh mà tỉnh không đồng ý cấp giấy phép hành nghề, thì bắt buộc cán bộ huyện phải "năn nỉ" người dân để thu hồi lại giấy phép kinh doanh. Từ đó, các đại biểu đề nghị điều chỉnh thủ tục cấp giấy phép hành nghề, giấy phép kinh doanh karaoke cho phù hợp với tình hình cơ sở.
* "Chống" phải đi đôi với "xây"
Thực hiện "chống đi đôi với xây" là ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình tại hội nghị này. Rõ ràng, bên cạnh việc cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, quan tâm hơn đến hoạt động của các đội 814 ở cơ sở, nhất là trong kinh phí hoạt động; làm tốt hơn công tác tuyên truyền và giáo dục trong người dân; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của những người kinh doanh hoạt động dịch vụ văn hóa... thì một trong những biện pháp quan trọng nhất là phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa về cả chiều rộng và chiều sâu, từ đó, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân theo hướng tích cực. Đây mới là cách "chống" hữu hiệu nhất. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Bình đã nhấn mạnh: "Nhu cầu hưởng thụ văn hóa là một nhu cầu chính đáng của người dân, như vậy trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước là phải đảm bảo môi trường hoạt động dịch vụ văn hóa trong sạch và lành mạnh cho người dân. Việc này tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng càng khó chúng ta càng phải quyết tâm thực hiện cho bằng được…".
|