Đi tìm vật thờ tự trong các tháp Chăm
9:33', 2/2/ 2007 (GMT+7)

Hiện nay, có ý kiến đề nghị việc tái lập không gian thờ tự tại các tháp Chăm. Tuy nhiên, vật thờ tự tại các đền tháp Chăm như thế nào? Đây là một vấn đề lịch sử - văn hóa phức tạp, cần được nghiên cứu cẩn trọng, thấu đáo.

 

Linga Mỹ Sơn (Quảng Nam). Ảnh: H.C.L

 

Trong các đền tháp Chăm, vị thần được thờ phổ biến nhất là Siva và vật thờ phổ biến nhất là Linga. “Linga” có nghĩa là sinh thực khí nam, bởi lẽ, do cùng mang bản sắc dương tính, nên sinh thực khí nam và thần Siva được đồng nhất với nhau. Do vậy, thờ Linga cũng tức là thờ thần Siva.

Thờ sinh thực khí là tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Càng nông nghiệp điển hình bao nhiêu thì tín ngưỡng này càng mạnh bấy nhiêu. Người du mục không có truyền thống thờ sinh thực khí.

Người Chăm thuộc khu vực nông nghiệp, nghĩa là trước khi Bàlamôn giáo xâm nhập, đã có tục thờ sinh thực khí rồi. Miền Trung là vùng mang tính cách thiên về dương tính, cho nên điều dễ hiểu là tục thờ sinh thực khí nam càng phổ biến hơn. Khắp nơi trong địa bàn cư trú của người Champa, ta đều có thể gặp Linga ở trên bệ thờ trong tháp, ở những vị trí có tính cách trang trí, cả trên đỉnh tháp như tháp Bà (Nha Trang).

Về hình dáng, Linga Chăm có 3 loại. Một loại Linga chỉ có hình trụ tròn. Loại này ở Ấn Độ không thấy có, nó mang dấu ấn đậm nét của tính cách bản địa Chăm. Loại thứ hai có cấu tạo hai phần, phần trên vẫn là hình tròn, phần dưới là một vật thể to hình tròn, mô phỏng cái cối giã gạo. Kiểu này cũng không có ở Ấn Độ. Như vậy, loại Linga thứ hai này là một tổng thể âm dương hài hòa, mang dấu ấn rất rõ nét của truyền thống văn hóa nông nghiệp khu vực. Loại Linga thứ ba có cấu tạo ba phần. Ngoài phần hình trụ tròn ở trên và phần hình vuông ở dưới, còn có thêm một đoạn hình bát giác nằm giữa. Phần hình vuông (âm tính) ở dưới ứng với thần Brahma sáng tạo, khúc hình bát giác ở giữa mang tính chuyển tiếp ứng với thần Visnu bảo tồn, còn phần hình trụ tròn (dương tính) ở trên tương ứng với thần Siva phá hủy. Trong trường hợp này, Linga đã không còn là Linga theo nghĩa “sinh thực khí nam” nữa. Nói vậy để thấy rằng chất dương tính, tính cách bản địa Chăm - đã lấn át như thế nào.

Ngoài các Linga thông thường, trong các đền tháp Chăm, ta còn gặp Linga hình mặt người (Mukhalinga). Đó là một khối lượng hình Linga mà nửa phần trước tạc tượng hình vua với những dấu hiệu rõ rệt của Siva như hình bò Nanđin. Sự đồng nhất Siva với Linga và vua trong Mukhalinga càng cho thấy sự hòa quyện ba yếu tố: bản địa, khu vực, Ấn Độ trên cơ sở tính cách bản địa dương tính đã đạt đến mức nhuần nhuyễn.

Linga tháp Mẫm (Bình Định). Ảnh: H.C.L

Dòng dương tính và chất bản địa không chỉ thể hiện bằng vô số tượng Linga, mà còn thể hiện qua các tượng Siva. Trong số tượng hình người thể hiện các vị thần, thì tượng thần Siva cũng chiếm đa số. Ở nhiều pho tượng Siva, chất ngoại lai chỉ còn nơi tên gọi, người được thể hiện hoàn toàn là một người Chăm, với những đặc điểm nhân chủng mặt vuông, môi xếch, môi dày. Chất dương tính thậm chí còn thể hiện cả ở tượng phụ nữ. Ta có thể thấy rõ điều này qua tượng vũ nữ tạc ở bệ tượng Trà Kiệu (Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng). Tượng thể hiện cái đẹp phụ nữ một cách dương tính với bầu vú căng tròn, cặp đùi thon, hông rộng, những cổ tay tròn lẳn… Cái đẹp của hình khối chính là cái đẹp của một thế võ: chân khuỳnh là thế đứng tấn, một tay che phía dưới là thế tự vệ, tay kia co lại đưa lên cao như để chuẩn bị tấn công.

Chất dương tính còn thể hiện ở cả trong chất liệu của điêu khắc. Tuyệt đại bộ phận các tác phẩm điêu khắc Chăm đều bằng đá. Trong khi người nông nghiệp khu vực thờ đất, thì cho đến nay, dọc theo dải đất miền Trung, người dân vẫn có tục thờ đá.

Bên cạnh đó, trong văn hóa Chăm lại còn một dòng âm tính mạnh mẽ không kém với những bầu vú căng đầy, những tượng và hình tượng mẫu thần. Những bầu vú căng đầy, tạc thành từng dãy bao quanh bệ tượng, đó chính là biểu tượng của nữ thần Uroja hay Poyan Ina Nưga. Người Chăm thờ Po yan In na Nưga ở tháp Bà Nha Trang dưới hình ảnh phồn thực của một bà mẹ bản địa bụng thon, vú căng tròn.

Vậy là cho dù xã hội Ấn Độ vốn theo phụ hệ thì xã hội Chăm từ xưa đến nay vẫn là mẫu hệ. Những ảnh hưởng của Bàlamôn giáo, Ấn Độ giáo không thể thay thế được nếp tôn vinh người phụ nữ - người mẹ, trong truyền thống văn hóa ngàn đời của người Chăm và cư dân nông nghiệp Đông Nam Á.

Sự tồn tại hai dòng âm và dương tính này chính là sản phẩm trực tiếp của sự song hành giữa một bên là dãy Trường Sơn cao vút với một bên là biển Đông sâu thẳm trong thiên nhiên miền Trung.

  • TS. Đinh Bá Hòa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sưu tầm những giá trị truyền thống của văn hóa Chăm H’roi  (01/02/2007)
Tết Đinh Hợi 2007: Sôi nổi với các hoạt động mừng xuân  (01/02/2007)
Đợt phim mừng Đảng mừng xuân Đinh Hợi  (31/01/2007)
Thư viện huyện, cơ sở: Còn nhiều cái khó  (30/01/2007)
Xây dựng bộ phim “Bình Định - Tiềm năng du lịch sinh thái biển”   (26/01/2007)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt đạt Giải đặc biệt xuất sắc nhất Châu Á  (25/01/2007)
Tháng Chạp mùa này rét lắm  (23/01/2007)
Lạc vào thế giới gốm Việt  (23/01/2007)
Ru con...  (21/01/2007)
Đọc “Nhân vật Bình Định” của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch  (19/01/2007)
“Thượng đế” ngày càng có nhiều sự lựa chọn  (18/01/2007)
Không đổi mới tư duy nghệ thuật thì cầm bút mãi để làm gì?  (18/01/2007)
Hai vở diễn mới của sân khấu truyền thống  (16/01/2007)
BTV đoạt ba giải bạc  (15/01/2007)
Song kiếm đệ nhất miền Trung  (14/01/2007)