Tất nhiên bàn về “tiếng nẫu” thì “nẫu” đã nói quá nhiều rồi nhưng không phải vì thế mà tiếng quê mình trở thành đề tài xưa cũ. Khi xa quê, tôi đã trăm ngàn lần nói về tiếng nẫu với bạn bè phương xa để giới thiệu quê hương, với đồng hương để nguôi đi nỗi nhớ nhà luôn thường trực. Và qua những câu chuyện không đầu không cuối ấy, một 8X đang nhiễm nặng ngôn ngữ chát chít trên mạng như tôi bỗng dưng muốn nói về thứ ngôn ngữ “nguồn cội” của mình.
|
Dừa Tam Quan - Ảnh Ngọc Tuấn
|
Dẫu sinh ra và lớn lên ngay trên đất Bình Định đi chăng nữa thì tôi vẫn phải thừa nhận một điều là tiếng Bình Định không hay. Người Bình Định cũng tự nhận mình là giọng “củ mì”: thật thà, chất phác. Người Bình Định lên truyền hình quốc gia nói thì đến người Bình Định cũng phải ôm bụng cười chứ đừng nói đến thiên hạ. Người Bình Định nói không có thói quen uốn lưỡi, cứ gặp phải từ nào phải uốn lưỡi thì một là tránh, hai là làm cho nó cứng đơ luôn. Chả trách vì thế mà thằng cháu học lớp 1 của tôi cứ một mực viết “ông quại- bà quại” chứ không chịu theo chính tả. Khổ nhất là hỏi tên người khác rồi viết vào giấy: “Cháu tên Quàng- Quàng đế í!( Hoàng)” “Em nó tên Quá- Bác ơi nói lại!- Tên Quá- Toán lý quá đấy mày không biết à?!”( Té ra là Hóa). Thế nên mới có cái câu kinh điển trêu người Bình Định: “Chú bộ đậu, đậu cái mũ cấu…” (Chú bộ đội, đội cái mũ cối…). Người trong tỉnh còn bó tay chứ nói chi người ngoài!
Tôi có anh bạn vừa tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội bị tật nói lắp nhưng lại biện hộ cái tật của mình bằng việc đổ thừa thiên hạ vì không nghe được giọng Bình Định khiến anh phải nhắc lại một từ nhiều quá nên đâm ra lắp bắp luôn (!). Ông bà ta bảo “chém cha không bằng pha tiếng” nhưng sau mấy lần lạc đường vì không diễn đạt được ý muốn nói cho người miền Bắc hiểu được bằng giọng Bình Định tôi quyết định chỉ “không pha tiếng” khi về nhà chứ ra thiên hạ, nói sao mà giao tiếp được là… được rồi. Để “giao lưu” với thiên hạ thì mình đổi là đổi một số tiếng địa phương sang phổ thông chứ giọng Bình Định vẫn là Bình Định. Người Bình Định ở xa chủ yếu nhận nhau qua giọng nói để rồi một ngày không xa chợt nhận ra một điều tưởng chừng quá cũ là: “tiếng Bình Định không hay nhưng tôi nghe thấy rất quen thuộc, ấm áp vì đó là giọng điệu của quê nhà”!
Quanh năm tha phương kiếm sống, kiếm chữ nhưng tết về vẫn cố gắng mọi cách để trở về ăn tết ở quê. Ngày xuân đoàn tụ bên gia đình, vui vầy bên bè bạn. Chỉ mấy ngày đầu còn ảnh hưởng vài từ “đất khách” chứ đến ba ngày Tết đã thấy rặt tiếng Bình Định . Ai cũng cố nói cho thật nhiều, thật “đã” tiếng mẹ đẻ của mình vì chỉ ở đây ngôn ngữ của mình mới được tất cả mọi người “thấu hiểu”!
Tôi đã được đọc Blog của một anh chàng 8X người Tây Sơn có câu slogan rất độc: “Tin tui đi! Tiếng Bình Định không phải là ngoại ngữ!”. Xin lược kể ra đây để góp thêm chuyện vào “tiếng nẫu”. Anh đang dạy tiếng Việt cho ba người bạn Hàn Quốc ở cùng và thấy rất nhiều chi tiết thú vị. Anh kể mình không biết giải thích sao khi “học trò” thắc mắc: “Thầy dạy “một tý” sao cô bán hàng lại nói “một ích”! Và điều thú vị nhất là anh dần dần phát hiện ra mình có ba đồng hương mới bởi một lẽ đơn giản: tiếng Việt Nam của ba người bạn Hàn Quốc kia mang giọng Bình Định!
Câu chuyện về “tiếng nẫu” của tôi xin tạm khép lại tại đây.
|