Để chuẩn bị cho “đêm đối tửu” giữa ba loại rượu danh tiếng ba miền: Bàu Đá - Gò Đen - làng Vân tại TP Quy Nhơn vào mùng 4 Tết, những ngày này, Nguyễn Vĩnh Hảo- chủ nhân Nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành, đã cất công ngược Bắc, xuôi Nam, tìm các loại danh tửu ở các lò thủ công.
|
Ông Nguyễn Vĩnh Hảo (trái) đang tìm hiểu về kỹ thuật nấu rượu Gò Đen tại lò rượu nhà bác Tám Minh. Ảnh: K.N
|
Mỗi vùng miền đến tìm quý tửu, Nguyễn Vĩnh Hảo đều phải lân la qua nhiều nguồn bằng hữu, tư liệu, cốt tìm sao cho ra đúng loại rượu “đỉnh”, để giới thiệu với bạn bè, du khách trong đêm đối tửu. Hỏi sao anh không mua những thương hiệu rượu bán đầy rẫy ngoài thị trường? Vĩnh Hảo lắc đầu nguầy nguậy: “Thời buổi bây giờ đi lại dễ dàng, chỉ cần gọi điện thoại cũng có thể đặt được loại rượu mình muốn tìm. Nhưng đó chỉ là cái tên, còn chất lượng rượu thì không biết được, dễ mua nhầm hàng giả hoặc hàng kém chất lượng như chơi”. Anh Hảo giải thích thêm: “Nấu rượu thủ công, không phải mẻ rượu nào cũng giống nhau. Vì mỗi khi ủ men gặp nhiệt độ, thời tiết, lúc nấu gặp lửa khác nhau, lại cho ra chất lượng rượu khác nhau chứ không ổn định như sản xuất theo công nghệ. Tôi chọn những loại rượu từ lò thủ công vì muốn tìm những cái tinh túy trong sự ngẫu nhiên của nó”.
“Của một đồng, công một nén”, mỗi chuyến đi tìm được đúng lò rượu danh tiếng quả không đơn giản, mà phải qua dò hỏi, thẩm định khá kỹ mới quyết định chọn mua. Như rượu làng Vân, để tìm được những loại rượu dân dã, chính hiệu, Nguyễn Vĩnh Hảo đã lặn lội ra tận đất Bắc Giang đến làng Vân (xã Vân Hà, huyện Việt Yên). “Hai vợ chồng tôi đi từ Hà Nội, xuống Bắc Giang, dọc triền đê sông Cầu, phải qua sông trên con đò chèo nhỏ xíu, mới đặt chân đến làng Vân. Chỉ nói đường đi thôi cũng đủ có nhiều cảm xúc thú vị, khó tả. Đường vào làng nhỏ hẹp, những bức tường gạch cũ kỹ, được ghép bằng nhiều mảnh gạch ngói vỡ quanh co uốn lượn trông thật lạ mắt. Có những mảng tường đã bị thời gian bào mòn, phảng phất nét cổ kính và đặc biệt là đâu đâu cũng nghe mùi rượu thoang thoảng”- Vĩnh Hảo kể. Đến làng Vân, anh lân la dò hỏi và tìm đến lò rượu nổi tiếng nhất làng của cụ Tom - một bà cụ nay đã 90 tuổi, người đã theo nghề nấu rượu từ năm 17 tuổi. Tuổi đã già, nhưng nghề nấu rượu đã được cụ truyền lại cho những người con với 7 trai, 2 gái cùng các cháu chắt. Hiện thương hiệu rượu của lò cụ Tom vẫn sản xuất những loại rượu nếp ngon nhất làng Vân.
Xuôi về phương Nam, anh chọn rượu Gò Đen làm quý tửu cho buổi tiệc rượu ba miền. Đến Bến Lức, vào Gò Đen, anh may mắn gặp được anh Phạm Hồng Chương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rượu Việt Nam, một người có tâm huyết với rượu Gò Đen và hiện là chủ nhà máy sản xuất rượu cũng theo phương pháp cũ nhưng vận dụng kỹ thuật hiện đại. Cuộc trò chuyện giữa hai người diễn ra khá thú vị. Anh Chương đích thân giới thiệu cho Nguyễn Vĩnh Hảo một trong những lò rượu nổi danh nhất của vùng Gò Đen là của bác Tám Minh, một lò rượu đã trải qua 4 đời theo nghề.
Đường vào lò rượu cũng nhỏ hẹp, quanh co, khi đường đá sỏi, lúc ven bờ kinh, khi dọc những dãy kiểng Nam bộ đang vào độ Tết. “Tầm” rượu, lại được nghe bác Tám Minh kể về kỹ thuật nấu rượu truyền thống, dẫn đi tham quan lò nấu rượu của Gò Đen, lại được thưởng thức những chén rượu nồng nàn, được nấu từ nếp tẻ, khi ra lò có vị nhẫn nhẫn hơi chớm đắng của bột nếp, vương mùi nơi đầu lưỡi, mà nói như anh Hảo là nếm vào như một “chất gây nghiện... dễ thương”. Dọc Quốc lộ, những dãy rượu Gò Đen bày bán la liệt, đâu cũng đề bảng hiệu Gò Đen chính gốc, nhưng ôm trên tay can rượu mua từ lò bác Tám Minh, anh Hảo tự tin, hớn hở vì không chỉ có trong tay quý tửu phương Nam đãi bạn hiền, mà còn kết giao được với những người bạn, những lão nông Nam bộ hào sảng của vùng đất rượu Gò Đen.
Còn quý tửu miền Trung, hẳn nhiên là Bàu Đá sẽ hiện diện trong cuộc đối tửu ba miền. Vậy là hành trình đi tìm rượu đã đạt kết quả, Nguyễn Vĩnh Hảo đang chờ đợi để đón tiếp các bằng hữu và tất cả những ai muốn thưởng thức hương vị nồng nàn của rượu Làng Vân, cay đậm của Bàu Đá và nhẹ nhàng sâu lắng của Gò Đen trong ngày đối tửu.
|