Nghĩ về chuyện “giữ lửa”
19:24', 14/2/ 2007 (GMT+7)

Vào đêm 23 tháng Chạp, gần như nhà nào cũng tổ chức cúng đưa ông Táo về trời.

Đã có lễ đưa thì cũng phải có lễ rước. Chiều 30 trong không khí thiêng liêng chuẩn bị đón mừng năm mới, mọi nhà cúng rước ông bà đồng thời cúng rước Ông Táo từ Thiên đình trở lại. Vật phẩm cúng tiễn đưa Ông Táo thường là hương hoa, mâm cơm xôi…và không thể thiếu bộ vàng mã là áo Ông Táo, con cá chép. Cúng ông Táo không phải mỗi năm một lần vào dịp Tết mà còn nhiều lần nữa: Nhân ngày giỗ gia tiên, ngày sóc vọng hàng tháng... Chẳng biết có ai nghĩ rằng việc cúng kính đó là một hình thức chủ nhà hối lộ cho ông Táo để được ông báo cáo sao cho êm tai Thiên đình hay không?

Ngoài việc giám sát, Táo còn giúp việc giữ lửa nữa. Ai cũng biết lửa cần cho cuộc sống của chúng ta. Hồi xưa lửa khó có, khác với bây giờ ta đánh cái que diêm, bật cái quẹt ga là có được ngọn lửa. Bà nội trợ làm bếp xong, vùi cái than hồng hay ủ lớp trấu hồng dưới lớp tro bếp để dành lửa cho bữa nấu ăn sau. Nhà có lửa là nhà ấm cúng, bếp có lửa là bếp của nhà có ăn, trái lại nhà ai lạnh bếp là nhà thiếu đói. Những người tốt bụng vẫn cầu mong điều tốt lành cho nhau, cho nên lòng họ sướng vui, mắt họ thấy vẻ nên thơ, vẻ đẹp nơi sợi khói lam chiều tỏa lên từ những mái tranh nghèo.

Thuở lên 9 - 10 của tôi, mỗi khi cha mẹ đi vắng nhà, đi làm đồng, tôi vẫn ở nhà giữ nhà, trông đàn em nhỏ. Đến giờ nấu cơm, vo gạo xong, bắc nồi cơm lên bếp, tôi bới lớp tro ủ lửa để nhen bếp. Hôm nào tro lạnh, lửa không còn, thế là tôi phải bế thằng em nhỏ nhất, chạy sang nhà hàng xóm để xin lửa. Tôi đặt than hồng vào lòng cái gói rơm giống như một cái tổ chim, cầm trên tay ù té chạy về nhà, rồi thổi bùng lên, thành một bếp lửa.

Nhưng về sau, lửa còn có thêm một ý nghĩa tâm linh. Ta có ngôi nhà mới, hôm ta đưa cả gia đình về ngôi nhà mới ở, ta chong ngọn đèn dầu trên trang ông Táo đủ 3 ngày 3 đêm. Nay cuộc sống có nhiều tiện nghi hơn nhưng những lúc như vậy vẫn có một lò than hồng đủ 3 ngày 3 đêm đặt nơi nhà bếp bên cạnh… cái bếp ga. Ta làm cho có lửa, nhưng ngọn lửa có được duy trì hay không, việc đó ta cần đến oai thần và sự phù hộ của ông Táo, vua Bếp, của “Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân”.

Giữ lửa trong nhà là trọng nhưng giữ lửa trong lòng người còn trọng hơn. Chao ôi, lắm người sợ mất lửa bếp, nhưng lại không chút âu lo cho ngọn lửa ở giữa lòng mình, lửa nhiệt tình là những thứ lửa rất quý ở đời? Vì mất lửa nhiệt tình, cho nên ta làm người sống bất cần đời, thiếu trách nhiệm với chính bản thân ta; ta sống lạnh lùng, vô cảm với người chung quanh, với cộng đồng xã hội; ta chấp nhận làm một công chức chây lười, ngại khó, giỏi gian dối và ưa uốn lưỡi nịnh hót rất đáng trách. Vì mất lửa nhiệt tình cho nên người có chức có quyền mới sinh ra thói quan liêu, bệnh thành tích, mất dân chủ, gây bao điều mất lòng dân, chọn cho mình cuộc sống vinh thân phì gia. Cán bộ lãnh đạo lo cho dân ăn Tết, thực hiện: “Tết đỏ lửa” cho người nghèo, người bất hạnh, ấy là còn giữ được ngọn lửa nhiệt tình.

Ai sống có tấm lòng với người, với xung quanh thì dẫu có quên cúng ông Táo, cũng đừng lo ông Táo thiếu đức vô tư, vu oan cho mình, bởi vì ông Táo là “cán bộ” của Nhà Trời.

  • Huỳnh Kim Bửu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hương sắc Tết Hoài Nhơn  (14/02/2007)
QCATV tiếp phát trực tiếp lễ trao giải Oscar  (14/02/2007)
Ngược Bắc, xuôi Nam tìm quý tửu  (14/02/2007)
Tản mạn về tiếng “nẫu”   (13/02/2007)
Hầm Hô đón khách du xuân   (13/02/2007)
Thêm một nghệ sĩ Bình Định được phong tặng nghệ sĩ ưu tú   (13/02/2007)
Rộn ràng vào xuân  (12/02/2007)
Trao giải thưởng cho 25 tác phẩm đạt giải  (12/02/2007)
Tiếp nhận nhà rông Bana do tỉnh Gia Lai tặng  (09/02/2007)
Việc bắn pháo hoa đêm giao thừa sẽ bắt đầu từ 23 giờ 40 phút  (09/02/2007)
Cùng Cusco bay qua những nền văn minh  (08/02/2007)
Tản Đà với “An Nam tạp chí” số Tết  (08/02/2007)
Ngọt ngào tiếng nói quê hương  (07/02/2007)
Nghệ sĩ Nguyễn Thị Hòa Bình được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân  (07/02/2007)
Nhớ lại hội xuân xưa  (06/02/2007)