Khắc phục "thẻ vàng" IUU vì tương lai nghề cá bền vững
Trong buổi làm việc với ngành Nông nghiệp Bình Định ngày 27.7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định vi phạm IUU không phải là vi phạm của một cá nhân, một con tàu hay một địa phương mà nó ảnh hưởng tới toàn bộ nghề cá và ngành thủy sản Việt Nam.
Với Bình Định, sản phẩm thủy sản chủ lực là cá ngừ đại dương và tôm thẻ chân trắng.
Đến nay, Bình Định có 3.270 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên khai thác xa bờ, trong đó có 1.450 tàu cá được cấp phép hoạt động ở vùng khơi - chủ yếu là đánh bắt cá ngừ đại dương, với tổng sản lượng khoảng 12.000 tấn/năm (chiếm hơn 50% sản lượng cá ngừ đại dương của cả nước). 6 tháng đầu năm 2022, khai thác cá ngừ đại dương của Bình Định đạt trên 7.216 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ.
Với con tôm, Bình Định có khoảng 3.990 ha ao hồ, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ 2.490,5 ha, sản lượng tôm nước lợ năm 2021 khoảng 10.000 tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng tôm đạt trên 5.264 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác và chế biến thủy sản Bình Định đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó vi phạm IUU trở thành thách thức cho toàn ngành trong định hướng phát triển bền vững.
Ngành hàng khai thác và chế biến cá ngừ đại dương của Bình Định đối diện với nhiều khó khăn do vi phạm IUU. Ảnh: THU DỊU
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: “Hiện ngư dân gặp khó khăn, trên biển thì ngư trường dần cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, thiếu hụt trầm trọng lao động nghề biển; trên bờ thì áp lực chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng chưa tốt. Bình Định có 3 cảng cá được công bố cảng cá loại II, gồm: Cảng cá Quy Nhơn, Cảng cá Đề Gi và Cảng cá Tam quan. 3 cảng này được phép xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, tuy nhiên do chưa hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nên việc xác thực nguồn gốc thủy sản phục vụ các DN xuất khẩu còn vướng. Thêm vào đó, với những cảnh báo của Liên minh châu Âu về vi phạm IUU khiến ngành hàng thủy sản khó chồng khó”.
Chất lượng cá ngừ đại dương của các tàu cá Bình Định chưa đạt tiêu chuẩn!
“Mục tiêu của công ty là xuất khẩu hàng cá ngừ đại dương sashimi nhưng phần nhiều chất lượng cá ngừ đại dương của các tàu ở Bình Định đánh bắt chưa đạt tiêu chuẩn. Công ty Mãi Tín - Bình Định đã đầu tư 2 tàu cá đánh bắt cá ngừ đại dương để tự phục vụ. Nhưng 2 năm vừa qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên 2 tàu này chưa hoạt động được. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn ngành chức năng Bình Định hỗ trợ cho 2 tàu cá của Công ty Mãi Tín Bình Định có điều kiện đi khai thác cá ngừ đại dương bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu tươi để phục vụ cho hoạt động của công ty”.
Ông KOSABURO KIMURA, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín - Bình Định
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám Công ty CP Thủy sản Bình Định chia sẻ: Xuất khẩu thủy sản ở Bình Định sang thị trường EU đang gặp khó do việc ngư dân đánh bắt xa bờ vi phạm vùng biển nước ngoài. Khi EU áp dụng cảnh báo IUU, chúng tôi linh hoạt tìm hướng xuất sang thị trường Mỹ. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này của chúng tôi đạt 90 triệu USD. Năm 2022 phấn đấu đạt hơn 100 triệu USD, riêng 6 tháng đầu năm đã được hơn 70 triệu USD. Sau đại dịch Covid-19, mức tiêu dùng của thị trường Mỹ giảm khá nhiều, tuy nhiên điều đáng lo là tới đây, phía Mỹ có thể cũng sẽ áp dụng cảnh báo IUU, việc xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là cá ngừ đại dương sẽ càng thêm khó khăn.
Theo ông Trần Văn Phúc, trước những khó khăn này, ngành Nông nghiệp Bình Định nỗ lực xây dựng các giải pháp cụ thể thay đổi tình thế. Với cá ngừ đại dương, hiện Sở giao Chi cục Thủy sản phối hợp với Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín xây dựng Dự án chuỗi liên kết khai thác, mua gom, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương chất lượng cao từ 30 tàu cá của Bình Định. Đã triển khai thực hiện 2 mô hình sử dụng công nghệ tạo bọt khí nano (Ultra Fine Bubble - UFB) trong bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương để làm cơ sở triển khai thực hiện Dự án và nhân rộng chuỗi liên kết trong toàn tỉnh. Quy hoạch khu nuôi tôm công nghệ cao ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ để thúc đẩy nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh áp dụng công nghệ cao. Đồng thời, Sở tham mưu UBND tỉnh nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp.
Nói về những thách thức và khó khăn của ngành khai thác, chế biến thủy sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, phải nói chính xác là không có tàu cá vi phạm IUU mà chỉ có người điều khiển con tàu đó vi phạm. Như vậy mấu chốt ở đây là ở con người. Ta cứ “neo” vào đó để tuyên truyền, vận động kết hợp nhiều cách để tìm ra giải pháp phù hợp. Không chỉ tuyên truyền ngăn ngừa vi phạm IUU mà còn phải tuyên truyền về sự liên kết, hợp tác với nhau để tạo nên sức mạnh tổng thể, thích ứng với thay đổi, hướng tới lợi ích toàn cục, lâu dài; khi đó mới có thể tính đến phát triển nghề cá bền vững.
“Phải tuyên truyền nhiều hơn nữa để ngư dân nào cũng thấm thía hậu quả việc vi phạm đánh bắt IUU là không chỉ ngư dân bị mất thu nhập, mà cả DN thủy sản cũng gánh chịu hậu quả. DN có thị trường ổn định, việc mua nguyên liệu tốt hơn, lúc đó ngư dân cũng được hưởng lợi, đó là mấu chốt của việc cộng đồng trách nhiệm của nhà nước - DN - ngư dân. Tạo được liên kết này thì mới giải quyết dứt điểm được vấn đề vi phạm IUU hiện nay”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở.
Phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức của ngư dân
Ảnh: THU DỊU
“Khắc phục IUU phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức của ngư dân. Không có cách nào hay hơn là ngư dân trò chuyện cùng ngư dân, tâm tình với nhau để hiểu nhau và cùng thay đổi. Bình Định có những lão ngư như anh Sáu Ninh (Bùi Thanh Ninh) là những người có thể đồng hành cùng với chính quyền địa phương trong ngăn chặn vi phạm IUU. Đừng nghĩ đó là việc của ai khác, là việc của chính quyền mà hãy nghĩ đó là việc chung để lên tiếng. Bây giờ chúng ta sợ nhất không phải là lời nói của kẻ xấu mà là sự im lặng của người tốt”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT LÊ MINH HOAN
Ngư dân cần được hỗ trợ nhiều hơn để tự tin làm chủ con tàu
“Nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, ngư dân mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết, thiếu hợp tác dẫn đến việc vi phạm IUU. Thời đại mới, công nghệ mới rồi, ngư dân đi biển cũng áp dụng được công nghệ để vận hành. Do vậy, tôi mong muốn bộ, ngành Trung ương và tỉnh có chính sách cụ thể về đánh bắt thủy sản để bảo vệ nguồn lợi; trang bị công nghệ, hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng để ngư dân tự tin làm chủ con tàu, liên kết với nhau vừa đánh bắt vừa giữ gìn chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.
Ngư dân BÙI THANH NINH, Ủy viên Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn)
THU DỊU