Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh tại các huyện miền núi:
Mở rộng đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng dân số
Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh là biện pháp giúp chẩn đoán các bệnh do rối loạn di truyền, từ đó sớm có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời. Ðể tạo điều kiện cho nhiều người dân được tiếp cận dịch vụ, một số trường hợp khó khăn được hưởng chính sách sàng lọc miễn phí, đặc biệt là ở các huyện miền núi.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó trưởng Phòng Dân số, thuộc TTYT huyện Vĩnh Thạnh, từ năm 2020 trở về trước, hoạt động sàng lọc trước sinh (SLTS), sàng lọc sơ sinh (SLSS) có triển khai nhưng đối tượng tham gia chỉ là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Các trường hợp khác như đối tượng bảo trợ xã hội, người dân ở vùng nhiễm chất độc dioxin… dù rất cần được sàng lọc nhưng chưa được hưởng quyền lợi này. Năm 2022, công tác SLTS, SLSS bắt đầu được thực hiện trở lại. Vừa rồi, ngoài các trường hợp ưu tiên đã nêu trên, tại các huyện miền núi, chính sách mới còn bổ sung thêm trường hợp người dân sống tại vùng đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số.
Nhân viên TTYT huyện Vĩnh Thạnh tư vấn về SLTS cho phụ nữ có thai. Ảnh: Đ. THẢO
Từ đó, tạo thêm nhiều thuận lợi trong việc thực hiện sàng lọc, nâng cao chất lượng dân số. Bởi nếu chỉ tính hộ nghèo và cận nghèo thì số trường hợp được thực hiện SLTS, SLSS rất thấp, vì hầu hết hộ nghèo và cận nghèo không còn ở trong độ tuổi sinh sản. Việc bổ sung đối tượng không những vừa mở rộng phạm vi thực hiện mà còn rất phù hợp vì miền núi vẫn còn hiện tượng tảo hôn, việc sàng lọc là vô cùng cần thiết.
Việc triển khai cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; SLTS và SLSS còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức của người dân, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số về lợi ích của chương trình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; SLTS, SLSS còn hạn chế, các nhóm đối tượng chưa chủ động sử dụng dịch vụ. Do vậy, ngoài việc triển khai tại TTYT, qua các cuộc họp hoặc cuộc giám sát chỉ đạo tuyến, nhân viên các TTYT còn phối hợp với đội ngũ quản lý thai ở thôn, làng; chuyên trách sức khỏe sinh sản ở từng xã đẩy mạnh tuyên truyền. Sau đó, đội ngũ này sẽ nắm bắt, tư vấn để phụ nữ có thai đến TTYT khám, tư vấn, sàng lọc tiếp cận các dịch vụ.
Tại huyện miền núi Vân Canh, ý thức tự giác của phụ nữ có thai ngày càng tăng. Họ chủ động đi khám thai tại trạm y tế hoặc TTYT. Theo bác sĩ Đoàn Thị Kim Tuyến, ở Trạm y tế Canh Hòa, khi khám thai tại trạm, ngoài việc tư vấn, tuyên truyền hằng tháng, nhân viên trạm còn tư vấn về việc SLTS và SLSS để người dân biết, nắm bắt và thụ hưởng chính sách ưu tiên, nâng cao chất lượng dân số.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc TTYT huyện Vân Canh, cho biết: Trong việc triển khai các hoạt động y tế xuống cơ sở, đội ngũ cộng tác viên y tế ở các thôn, làng, cán bộ chuyên trách ở các xã giữ vai trò rất quan trọng. Họ là những người nắm tình hình chi tiết nhất, không ngại đến từng nhà, gặp từng người để nhắc nhở, thông báo, trong đó có vấn đề SLTS, SLSS.
Bên cạnh công tác tuyên truyền ở cơ sở, trong quá trình khám thai, khi thai phụ đến TTYT để khám thai, nhân viên y tế sẽ siêu âm. Nếu tuổi thai nằm trong giai đoạn cho phép là 11 - 13 tuần 6 ngày, nhân viên y tế sẽ giải thích cho thai phụ. Sau khi thai phụ đồng ý, nhân viên y tế sẽ tiến hành làm xét nghiệm bằng cách lấy mẫu máu khô và gửi đến Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh của Bệnh viện Trung ương Huế.
Cử nhân điều dưỡng phụ sản Nguyễn Thị Thúy Hương, ở Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, TTYT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Về SLTS, đối tượng là phụ nữ mang thai thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Khi thực hiện sàng lọc, nếu có kết quả bất thường, Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh của Bệnh viện Trung ương Huế sẽ thông báo để Khoa thông báo trực tiếp cho phụ nữ mang thai. Chúng tôi sẽ tư vấn cho thai phụ sắp xếp đến Bệnh viện Trung ương Huế để làm thêm xét nghiệm xác định.
Tại huyện An Lão, sau khi có mẫu sàng lọc và kinh phí, từ tháng 4.2022, ngành Y tế huyện bắt đầu triển khai tuyên truyền để người dân nắm bắt việc thực hiện SLTS và SLSS. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng Trạm Y tế thị trấn An Lão (huyện An Lão), tại trạm y tế còn triển khai các hoạt động như: Quản lý thai (có bảng quản lý thai tại trạm, hộp hẹn, phiếu hẹn); chăm sóc sức khỏe sinh sản thanh niên, vị thành niên; triển khai cấp sổ theo dõi sức khỏe sinh sản bà mẹ trẻ em. Qua đó nắm bắt được đối tượng cần tư vấn thực hiện SLTS, SLSS.
Đến khám thai tại TTYT huyện Vĩnh Thạnh, chị Đinh Thị Duyên (20 tuổi, ở làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: Thai tôi được 9 tuần tuổi, khi đến khám tại TTYT huyện, tôi được tư vấn về việc SLTS nên đồng ý thực hiện. Tôi thấy hoạt động này rất ý nghĩa. Khi thai được 11 tuần, tôi sẽ tham gia sàng lọc.
ÐỖ THẢO