Hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển kinh tế
Đề án hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh theo chuỗi do Hội Nông dân cùng với các sở, ngành triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Sau 1 năm thực hiện đề án, đã có những kết quả tích cực.
Năm 2019, ông Nguyễn Ngọc Chương (phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) bắt đầu nuôi chim bồ câu Pháp theo phương pháp chuồng lồng nhiều tầng. Hiện nay, trại của ông có gần 200 cặp chim sinh sản, trừ chi phí mỗi tháng ông thu lãi hơn 8 triệu đồng. Ông Chương cho biết nuôi chim bồ câu Pháp không cần diện tích lớn, công chăm sóc ít, nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn 30 - 50% so với nuôi truyền thống trước đây. Năm 2021, ông tham gia đề án với mong muốn được chia sẻ cách nuôi nhằm nhân rộng mô hình, từ đó góp phần tăng thu nhập cho hội viên nông dân.
Năm 2022, đề án có 46 hộ đăng ký tham gia, sau khi rà soát, đối chiếu các tiêu chí, có 12 hộ đủ tiêu chuẩn được công nhận và nhận hỗ trợ. Theo Ban Quản lý, điều hành đề án, mong muốn lớn nhất của các hộ, hợp tác xã tham gia đề án là được hướng dẫn, tiếp cận các chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước, giúp tiêu thụ sản phẩm và đưa thiết bị, máy móc vào quy trình sản xuất.
Mục tiêu chính của đề án là giúp người nông dân phát huy nội lực, kinh nghiệm, lợi thế đất đai vốn có, kết hợp khoa học công nghệ mới tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, có tính đặc trưng, truy xuất được nguồn gốc, được thị trường đón nhận, hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Ông Đỗ Thiện Chế - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban Quản lý, điều hành đề án cho biết, tuy đề án đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số hạn chế. Vì vậy thời gian tới, các sở, ngành, đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa đề án để chuyển đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hình thức chuỗi giá trị.
Để nâng cao năng suất, tiếp cận thị trường lớn, bền vững thì sản xuất kinh doanh theo chuỗi là một trong những giải pháp cần được nhân rộng. Điều này giúp khắc phục tình trạng sản phẩm nông nghiệp bị ép giá, khó tiêu thụ, từ đó giúp cải thiện đời sống, việc làm tăng thu nhập cho người nông dân.
PHAN TUẤN ( thực hiện)