Phẫu thuật nội soi qua liên bản sống điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
(BĐ) - Chiều 30.8, Hội đồng KH&CN tỉnh tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi qua liên bản sống điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tại BVĐK tỉnh”, dưới sự chủ trì của Giám đốc Sở KH&CN Lê Công Nhường.
Đề tài do BS CKII Đào Văn Nhân (BVĐK tỉnh) làm chủ nhiệm. Qua 30 bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng được phẫu thuật nội soi qua liên bản sống tại khoa Ngoại Thần kinh Cột sống (BVĐK tỉnh), chủ nhiệm đề tài rút ra nhiều kết luận. Cụ thể, về đặc điểm lâm sàng và hình ảnh cộng hưởng từ ở bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Nhóm tuổi hay gặp nhất 31 - 60 tuổi (chiếm 76,7%); tuổi thấp nhất là 18 và cao nhất là 68 (giới nam chiếm 56,7%, nữ chiếm 43,3%) và nhóm lao động nặng chiếm 66,7%... Hình ảnh cộng hưởng từ cho thấy tầng thoát vị L4 - L5 chiếm 40%, L5 - S1 chiếm 50%; thoát vị bên phải chiếm 30%, bên trái 70%; thoát vị lệch bên 73,3% và thoát vị mảnh rời 53,4%.
Quang cảnh Hội đồng KH&CN tỉnh tổ chức nghiệm thu đề tài. Ảnh: AN
Kết quả điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng phẫu thuật nội soi qua liên bản sống, chủ nhiệm đề tài lập luận: Thời gian phẫu thuật trung bình 61,5 ± 13,4 phút (45 - 100 phút). Thời gian nằm viện trung bình 2,2 ± 0,9 ngày (1 - 6 ngày). Mức độ hài lòng khi tái khám sau mổ 6 tháng rất tốt là 29 trường hợp (chiếm 96,7%) và tốt (chiếm 3,3%); không có biến chứng sau mổ. Bên cạnh đó, chủ nhiệm đề tài cũng cụ thể hóa kết quả nghiên cứu về quy trình ứng dụng phẫu thuật nội soi qua liên bản sống điều trị bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (chỉ định phẫu thuật, chống chỉ định phẫu thuật, quy trình kỹ thuật, theo dõi và điều trị sau phẫu thuật, xử trí tai biến và biến chứng).
Từ kết quả nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài kết luận: Bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng không chỉ gây đau, giảm khả năng hoạt động, sinh hoạt mà bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị, hoặc điều trị không đúng như tổn thương hệ thần kinh; rối loạn cảm giác; rối loạn bài tiết, đại tiểu tiện không tự chủ; teo cơ chi; yếu liệt… Vì vậy, việc nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh là điều cần thiết. Cụ thể, cần thường xuyên bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là canxi để tăng sức đề kháng cho xương khớp (người cao tuổi). Tập luyện thể dục đều đặn, phù hợp với cơ thể như các bài tập: Thái cực quyền, đạp xe, bơi lội, yoga, đi bộ… tăng cường sự dẻo dai cho khớp. Duy trì trọng lượng cơ thể cân đối với vóc dáng. Làm việc đúng tư thế (ngồi thẳng lưng, không cúi cổ quá thấp. Sau khoảng 1 tiếng phải đứng dậy đi lại, vận động nhẹ nhàng, hạn chế ngồi lì một chỗ. Tránh mang vác, nâng vật nặng quá sức. Khi bê đồ vật cần đúng tư thế tránh gây áp lực cho cột sống khiến đĩa đệm bị tổn thương. Hạn chế hút thuốc, sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn vì đây cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng… Kết quả của đề tài đem lại nhiều giá trị thực tế trong công tác chẩn đoán và điều trị một bệnh lý thường gặp. Vì vậy, chủ nhiệm đề tài kiến nghị cần chuyển giao và triển khai áp dụng phẫu thuật thường quy tại bệnh viện tuyến tỉnh.
Kết luận buổi nghiệm thu, Hội đồng KH&CN tỉnh đánh giá cao nỗ lực của chủ nhiệm đề tài và khẳng định kết quả nghiên cứu đạt được những mục tiêu đề ra. Hội đồng nghiệm thu tiến hành bỏ phiếu nghiệm thu đề tài loại xuất sắc.
AN NHIÊN