NGÀY HỘI THIÊN VĂN CỘNG ÐỒNG LẦN THỨ 3, NĂM 2023:
Khơi gợi đam mê khám phá bầu trời
Tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên được trải nghiệm, sáng tạo và khám phá thiên văn, vũ trụ, Ngày hội Thiên văn cộng đồng lần thứ 3, năm 2023 do Trung tâm Khám phá Khoa học và Ðổi mới sáng tạo (Sở KH&CN) tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua đã khơi gợi sự yêu thích, niềm đam mê khám phá, chinh phục bầu trời cho nhiều bạn trẻ.
Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc Sở KH&CN, Giám đốc Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo, cho biết: Ngày hội Thiên văn cộng đồng năm nay thu hút gần 500 học sinh, sinh viên tham gia. Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động, trong đó có vẽ tranh với các chủ đề về “Em là phi hành gia”, “Em yêu bầu trời”, “Vũ trụ rộng lớn”...; giới thiệu kính thiên văn lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam CDK600 đặt tại Đài quan sát thiên văn Quy Nhơn; triển lãm ảnh thiên văn chụp bằng kính CDK600; cuộc thi tìm hiểu Mặt trời; cuộc thi Hạ cánh lên Mặt Trăng; chế tạo bản đồ các chòm sao; hướng dẫn sử dụng các dụng cụ và ứng dụng hỗ trợ quan sát bầu trời; trải nghiệm quan sát bầu trời qua kính thiên văn.
Hoạt động chế tạo bản đồ các chòm sao là một trong các hoạt động thu hút nhiều bạn trẻ tham gia nhất. Vừa cắt các mảnh giấy để ghép thành các chòm sao, em Bùi Thành Lộc, học sinh lớp 6A3, Trường Tiểu học, THCS và THPT iSchool, thổ lộ: “Hoạt động này giúp em có thêm kiến thức để dễ dàng hơn trong nhận biết vị trí của các chòm sao”.
Học sinh tham gia chế tạo bản đồ các chòm sao. Ảnh: A.N
Artemis 2 là một sứ mệnh phóng tên lửa có người lái bay ngang qua Mặt Trăng mà Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) dự kiến sẽ thực hiện vào tháng 11.2024 bởi hệ thống tên lửa đẩy vũ trụ (SLS). Artemis 2 đánh dấu sự trở lại của con tàu vũ trụ có người lái bay tới Mặt Trăng và vượt ra khỏi quỹ đạo thấp của Trái Đất kể từ sứ mệnh Apollo 17 vào năm 1972. Nhằm tạo sự liên tưởng về chương trình Artemis 2, tăng sự sáng tạo về ý tưởng, phát triển kỹ năng làm việc nhóm, Ban tổ chức Ngày hội Thiên văn cộng đồng lần thứ 3 đã tổ chức Cuộc thi Hạ cánh lên Mặt Trăng, thu hút hơn 500 học sinh, công chúng tham gia.
Em Nguyễn Hồng Anh, học sinh lớp 3D, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) nở nụ cười tươi, cảm thấy hứng khởi sau khi cùng các bạn trong đội thiết kế và hoàn thiện mô hình mô phỏng một khoang đổ bộ dùng để hạ cánh trên Mặt Trăng và đưa một phi hành gia “Trứng” vào bên trong. Sau khi hoàn chỉnh mô hình này, Hồng Anh và các bạn đã dùng bệ phóng cho khoang đổ bộ từ trên cao xuống vạch đích (Mặt Trăng) được ban tổ chức thiết kế sẵn. Kết quả, khoang đổ bộ của đội rơi đúng mục tiêu, phi hành gia “Trứng” bên trong khoang vẫn an toàn.
Các bạn trẻ trải nghiệm cuộc thi Hạ cánh lên Mặt Trăng. Ảnh: A.N
Hoạt động hướng dẫn quan sát và quan sát bằng kính thiên văn đã giúp học sinh, sinh viên có thêm những trải nghiệm thú vị. Th.S Nguyễn Văn Tuệ - chủ nhiệm CLB Thiên văn Bình Định, chuyên viên Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới Sáng tạo (Sở KH&CN), cho hay: Ngày hội lần này có một số khác biệt so với hai lần tổ chức trước. Thay vì gắn với Tuần lễ Thiên văn quốc tế được tổ chức vào tháng 10 hằng năm, năm nay Ngày hội được tổ chức vào tháng 8, xoay quanh chương trình Artemis và các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội đều liên quan đến chương trình này. Hơn nữa, để các bạn trẻ nói riêng và công chúng yêu thiên văn nói chung có thể quan sát, hiểu hơn các chòm sao trên bầu trời một cách dễ dàng, ban tổ chức đã bố trí các bản đồ sao và các app (ứng dụng) quan sát bầu trời. Qua đó, mọi người có thể vừa dùng kính thiên văn để quan sát trên bầu trời, vừa có thể so sánh, đối chiếu kết quả quan sát đó thông qua các bản đồ sao để hiểu hơn về các chòm sao đó.
Em Lê Thị Thiện An, học sinh Trường THPT Quy Nhơn, thổ lộ: “Lần đầu được trải nghiệm kính thiên văn để quan sát bầu trời nên em thấy rất vui, thú vị. Thông qua Ngày hội, em có cơ hội kết nối với những người có cùng niềm đam mê, yêu thích về Thiên văn học, là cơ hội lớn để em được giao lưu học hỏi và gắn kết các mối quan hệ với cộng đồng yêu thích thiên văn trong cả nước”.
AN NHIÊN