Mã QR cho cây bonsai
Thay vì những bảng tên truyền thống, ông Trung Kiên ở TP Quy Nhơn đã có sáng kiến gắn mã QR cho cây, bước đầu cho thấy sự thành công khi 2 tác phẩm sam bonsai mini trưng bày tại Triển lãm và Hội thi Sinh vật cảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên mở rộng năm 2023 đã nhận được nhiều quan tâm từ người dân, du khách.
Với mã QR mà ông Kiên gán cho cây, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, ai cũng có thể tìm hiểu thông tin cơ bản về 2 tác phẩm bonsai mini độc đáo này. “Điều đó tạo thuận tiện cho người dân khi tìm hiểu tên, chủng loại, đặc tính sinh trưởng và một số thông tin khác về tác phẩm mà chủ cây/người tạo mã muốn gởi vào đó”, ông Kiên chia sẻ.
Mã QR không còn là chuyện lạ, nhưng với cây cảnh nghệ thuật, bonsai thì chưa phổ biến. Lâu nay các nghệ nhân thường sử dụng bảng ghi tên truyền thống để giới thiệu ghi chủng loại cây, tác giả, số điện thoại, địa chỉ… để giới thiệu, quảng bá tác phẩm, sản phẩm. Tuy nhiên, xét trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, cách làm mới rõ ràng có nhiều ưu thế hơn…
Tác phẩm sam bonsai mini được ông Trung Kiên gắn mã QR. Ảnh: T.LỢI
Còn nhớ trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Chuyển đổi số trong lĩnh vực NN&PTNT” được Bộ NN&PTNT tổ chức vào giữa năm 2021, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có chia sẻ: “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và ngành nông nghiệp chủ động bước lên toa tàu đổi mới để không bị bỏ lại phía sau; chuyển đổi số hiểu một cách đơn giản là giúp nông dân dựa vào dữ liệu để sản xuất, dựa vào công nghệ kết nối để bán hàng. Chuyển đổi số giúp nông dân không bị bỏ rơi trên cánh đồng tri thức”. Như vậy, có thể xem việc gắn mã QR cho tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, bonsai là bước chân đầu tiên trên đoàn tàu sinh vật cảnh hiện đại; minh bạch hóa nguồn gốc, quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Sự tán thưởng của người hâm mộ chừng mực nào đó cho thấy càng minh bạch bao nhiêu, mức độ tín nhiệm của người mua hàng tăng bấy nhiêu, từ đó đưa tới nhiều giá trị phái sinh khác.
T. LỢI