Đường Nobel Con đường “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam
Nằm bên vách núi, kề dòng sông chảy ra biển, len qua những rừng dừa, hàng cau xanh che bóng mát, con đường Nobel ở Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (TP Quy Nhơn) thật yên bình, gần gũi, không hề... “cao siêu” như cách người ta hay nghĩ khi liên tưởng đến tên đường.
Đây là con đường Nobel thứ 2 trên thế giới được xây dựng, cùng với Đại lộ Nobel (Nobel Laureates Boulevard) đầu tiên tại TP Rishon Lezion (Israel). Con đường Nobel được hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam (1993 - 2023) và 10 năm hoạt động của Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (2013 - 2023).
GS Gerard’t Hooft tản bộ trên con đường Nobel. Ảnh: A.N
Con đường Nobel dài gần 1 km, nằm ở phía Nam khuôn viên Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE). Ven con đường đặc biệt ấy có 18 khối đá tự nhiên khắc tên nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel đã từng đến làm việc, giao lưu học thuật tại ICISE, như: GS Jack Steinberger (Nobel Vật lý năm 1988), GS Gerard’t Hooft (Nobel Vật lý năm 1999), GS Jerome Friedman (Nobel Vật lý năm 1990), GS Takaaki Kajita (Nobel Vật lý năm 2015)… Con đường lượn quanh dãy núi và hướng ra biển, hữu tình và tĩnh lặng, phù hợp trong không gian dành cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đến nay, đã có hàng nghìn nhà khoa học trong nước và thế giới bước trên con đường này.
Trong lần thứ ba trở lại ICISE để dự kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam, 10 năm hoạt động của ICISE và dự Hội thảo khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ”, GS Gerard’t Hooft (ĐH Utrecht, Hà Lan) không khỏi xúc động khi nhìn thấy tên mình được “lưu danh” bên con đường Nobel. Trước đó, vào ngày 27.7.2017, GS Gerard’t Hooft, GS Trần Thanh Vân, cùng lãnh đạo tỉnh Bình Định đã thực hiện nghi thức khai trương, treo biển tên Đại lộ Khoa học - mà cả nước có lẽ cũng chỉ Quy Nhơn mới có.
Giáo sư Gerard’t Hooft thổ lộ: “Ở ĐH Utrecht nơi tôi làm việc từng có dự án xây dựng Con đường Khoa học, tuy nhiên sau nhiều năm dự án đó vẫn chưa đến đích. Tôi khá tiếc nuối vì lẽ đó. Nhưng ở Quy Nhơn thì mọi thứ lại rất nhanh. Cùng với Đại lộ Khoa học, các bạn còn vinh danh những người cống hiến cho khoa học với con đường mang tên Nobel. Tôi cảm thấy rất vui và thú vị khi tên mình được khắc ghi trân trọng ở một nơi tuyệt vời như thế này!”.
Người được GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, chọn để phác thảo ý tưởng mỹ thuật các khối điêu khắc đá biểu trưng lắp đặt bên con đường Nobel chính là họa sĩ Vũ Xuân Đông. Kiến trúc sư Trần Nguyễn Quảng, Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam đảm nhận vai trò thiết kế 3D và số hóa để có thể điêu khắc bằng máy. Để khơi dậy và duy trì nguồn cảm hứng sáng tác, họa sĩ Vũ Xuân Đông đã dành nhiều thời gian về ICISE để quan sát, cảm nhận và vẽ phác thảo. Cuối cùng sau nhiều suy ngẫm, ông quyết định lấy cảm hứng từ hình tượng cây dừa hóa thạch để tạo hình cho tác phẩm lưu danh các nhà khoa học.
Họa sĩ Vũ Xuân Đông chia sẻ: Cây xuất hiện trên Trái Đất từ rất sớm, vừa là biểu hiện cho sự sống, vừa là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và vĩnh hằng. Tôi rất yêu những cây dừa cổ ở Quy Hòa, có lẽ hiếm nơi nào còn giữ được như thế. Những cây dừa cổ này khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh những nhà khoa học đáng kính, họ đến đây để lan tỏa trí thức cho các thế hệ mai sau. Tôi chọn cây dừa hóa thạch làm biểu trưng chính cho con đường Nobel vì ý tưởng đó.
18 cột biểu tượng được sắp đặt tại con đường Nobel được tạc bằng đá tự nhiên nguyên khối (cao 120 cm, phần đế có đường kính 45 cm và phần trên là 23 cm), có màu xanh lá cây thẫm phù hợp với ý nghĩa của biểu tượng, hòa nhập với thiên nhiên, dung dị, không hào nhoáng, như chính cốt cách, phong thái các nhà khoa học chân chính và lỗi lạc. Phần chính thân cột là những khối, hình mô tả các lớp vỏ của thân cây dừa, được cách điệu thành những lớp khối kỷ hà khỏe, từng lớp vươn lên. Trên cùng là lớp vỏ tạo thành các cánh hoa ôm lấy lõi của thân cây hình elip, trên đó khắc tên các nhà khoa học đoạt giải Nobel, năm đoạt giải, năm đến ICISE. Chất liệu được lựa chọn là đá xanh Thanh Hóa, lấy từ vỉa đá ở khu vực Núi Nhồi, Đông Sơn - địa danh gắn liền với lịch sử, văn hoá người Việt cổ; do nghệ nhân Nguyễn Văn Hoan và cộng sự xứ Thanh thi công.
Con đường Nobel nhỏ, yên bình len lỏi giữa những rặng dừa, nối những cogitum (nhà suy ngẫm) cùng với vườn cây Nobel ở ICISE và Đại lộ Khoa học tạo nên những điều rất đặc biệt cho Thung lũng Quy Hòa - nơi đang dần hình thành Khu đô thị khoa học đầu tiên của Việt Nam. TS Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc ICISE, cho biết: “Con đường Nobel này được Hội Gặp gỡ Việt Nam và ICISE thực hiện, nhằm vinh danh, thể hiện sự trân trọng đối với các giáo sư đoạt giải Nobel từng đến ICISE. Con đường này là nơi để các nhà khoa học đi bộ, thư giãn, suy ngẫm, chia sẻ, trao đổi để phát kiến các ý tưởng nghiên cứu mới. Con đường, với sự yên bình của nó, mang lại một sắc thái mới để ICISE trở nên đặc biệt hơn”.
AN NHIÊN